Nỗi thống khổ của Sacombank khi đấu giá khối tài sản ‘bắt nợ’ lên tới 10.000 tỷ đồng

Thứ ba, 11/09/2018, 15:51 PM

Sau khi sáp nhập ngân hàng Phương Nam, Sacombank chật vật với nợ xấu tới mức phải đấu giá khối tài sản “bắt nợ” trị giá 10.000 tỷ đồng.

Nhiều năm trước đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là một trong những ngân hàng tư nhân mạnh nhất Việt Nam. Ngoài hệ thống phòng giao dịch rộng khắp cả nước, Sacombank còn nổi lên nhờ sớm niêm yết cổ phiếu STB trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đấu giá tài sản “bắt nợ”

Trong vài năm trở lại đây, cổ phiếu Sacombank (STB) chật vật dưới mệnh giá. Kể từ năm 2017, những khó khăn nhất đã tạm qua đi nhưng Sacombank vẫn còn rất nhiều vấn đề nan giải; trong đó, đau đầu nhất là nợ xấu.

Sacombank công bố đấu giá loạt tài sản “bắt nợ” có trị giá lên tới 10.000 tỷ đồng

Sacombank công bố đấu giá loạt tài sản “bắt nợ” có trị giá lên tới 10.000 tỷ đồng

Quyết tâm giải quyết nợ xấu của Sacombank đã được khẳng định khi ngân hàng này công bố đấu giá loạt tài sản “bắt nợ” có trị giá lên tới 10.000 tỷ đồng. Không ít trong số này “kế thừa” từ thương vụ sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam.

Mới đây, Sacombank khiến dư luận xôn xao khi công bố đợt đấu giá lớn kỷ lục. Theo đó, chỉ riêng ở khu vực TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu đã có tới 11 bất động sản được đưa ra đấu giá vào ngày 27/9. Mức giá khởi điểm của toàn bộ các bất động sản trên là 10.040 tỷ đồng. 

Trong đó, tài sản “bắt nợ” có giá trị lớn nhất là Dự án Khu công nghiệp Phong Phú ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Dự án có giá khởi điểm gần 7.601 tỷ đồng. Giá trị dự án này cao vượt trội so với các tài sản còn lại có trong danh sách đấu giá lần này.

Khu công nghiệp Phong Phú là dự án khu công nghiệp có thời hạn sử dụng 50 năm với diện tích 134 ha nằm trên mặt đường Nguyễn Văn Linh, Bình Chánh và cách Quốc Lộ 1A chỉ 3,7 km. Quyền tài sản của chủ đầu tư phát sinh từ việc đền bù 120 ha đất và còn 13,8 ha chưa thanh toán đền bù.

Theo Zing, ban đầu, dự án do Công ty Cổ phần KCN Phong Phú làm chủ đầu tư. Công ty này do CTCP Xây dựng Bình Chánh (BCCI) sở hữu 70% vốn nhưng chuyển nhượng sang CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigonnic) – một công ty liên quan tới ông Trầm Bê.

Dự án khu công nghiệp này trở thành tài sản thế chấp cho khoản vay tại Sacombank có thể do ngân hàng này nhập về các khoản cho vay từ Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) sau thương vụ sáp nhập năm 2015. Hiện dự án vẫn đang là bãi đất trống bỏ hoang.

Dự án có giá trị lớn thứ 2 (477 tỷ đồng) được mang ra đấu giá lần này là bất động sản rộng gần 5,3 ha ở xã Tân Kiên. Đứng sau là 6.382 m2 đất ở quận Bình Thạnh (447,5 tỷ đồng), 6.327 m2 đất ở quận Tân Phú (413 tỷ đồng), 8.050 m2 đất ở Quận 8 (370 tỷ đồng),…

Trượt dốc từ khi thâu tóm Phương Nam

Đây là kết quả của việc Sacombank rơi vào tình trạng nợ xấu quá cao, cao vượt xa so với tỷ lệ 3% Ngân hàng Nhà nước cho phép. Trong nhiều năm qua, Sacombank chật vật với vấn đề giải quyết nợ xấu. 

Sacombank rơi vào tình trạng nợ xấu quá cao, cao vượt xa so với tỷ lệ 3% Ngân hàng Nhà nước cho phép. (Ảnh: VnEconomy)

Sacombank rơi vào tình trạng nợ xấu quá cao, cao vượt xa so với tỷ lệ 3% Ngân hàng Nhà nước cho phép. (Ảnh: VnEconomy)

Nợ xấu dồn dập đến với Sacombank kể từ khi ngân hàng này “kết duyên" với Phương Nam. Trong năm 2015, cả thị trường tài chính dồn sự chú ý vào thương vụ sáp nhập “khủng” – Phương Nam sáp nhập vào Sacombank.

Sau thương vụ này, Sacombank nhận hệ thống phòng giao dịch, khách hàng, nhân viên của Phương Nam. Đồng thời, Sacombank nhận luôn cả khoản nợ xấu khổng lồ mà ngân hàng Phương Nam để lại.

Trong năm 2014 – thời điểm ngay trước khi xảy ra thương vụ này, nợ xấu tại Sacombank chỉ là 1.523 tỷ đồng, chiếm 1,12% tổng dư nợ tín dụng, thấp hơn rất nhiều so với mức “trần” 3% mà Ngân hàng Nhà nước quy định.

Thế nhưng, sau khi nhận sáp nhập Phương Nam, tại thời điểm cuối năm 2015, nợ xấu tại Sacombank tăng vọt lên 10.778 tỷ đồng, tương ứng 5,8% tổng dư nợ tín dụng.

Tới năm 2016, nợ xấu tại Sacombank không những không giảm mà còn tăng mạnh lên 13.745 tỷ đồng, chiếm 6,9% tổng dư nợ tín dụng. Nợ xấu quá lớn khiến lợi nhuận sau thuế của Sacombank “rơi” từ 648 tỷ đồng xuống chỉ còn 88,6 tỷ đồng. Thậm chí, trong quý 4/2016, Sacombank phải đối mặt với khoản thua lỗ 86,6 tỷ đồng.

Năm 2017, dù ngành ngân hàng đã có nhiều khởi sắc nhưng Sacombank vẫn chật vật với nợ xấu. Tại thời điểm cuối năm, nợ xấu tại Sacombank dù giảm nhưng vẫn là con số khổng lồ 10.405 tỷ đồng, chiếm 4,67% tổng dư nợ.

Tới nay, tình trạng nợ xấu tại Sacombank đã được cải thiện nhiều. Dù vậy, Sacombank vẫn còn rất nhiều việc phải làm với nợ xấu. Một trong những việc đó là đấu giá khối bất động sản “bắt nợ” trị giá hơn 10.000 tỷ đồng.

Việt Vũ

Theo VTC

largeer