Nokia vẫn có thị phần ở Việt Nam nhờ “cục gạch huyền thoại”

Thứ hai, 23/09/2019, 10:50 AM

Với những chiếc điện thoại di động thuộc hàng kinh điển chỉ có các chức năng cơ bản nhất: Nghe - gọi - nhắn tin, Nokia gần như là cái tên định danh cho thị trường điện thoại “cục gạch” thuở sơ khai. Nhưng rồi, khi cơn lốc công nghệ bùng nổ cuốn phăng tất cả, “ông lớn” này đã ngắc ngoải trong vòng xoáy thị trường vì không bắt kịp xu thế.

Thực tế, Nokia đã chết lâm sàng trong khoảng thời gian dài trước khi được HMD Global (HMD), một công ty công nghệ “đồng hương” mua lại. Và kết quả là có một sự hồi sinh không ngờ của thương hiệu đến từ Phần Lan này.

Nokia 1100 từng tạo nên cơn sốt với 250 triệu máy được bán ra.

Nokia 1100 từng tạo nên cơn sốt với 250 triệu máy được bán ra.

“Vang bóng một thời”

Những năm đầu thập niên 2000, chiếc điện thoại di động đầu tiên bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Nokia trở thành cái tên đi tiên phong với những chiếc điện thoại cầm tay đen trắng có các chức năng cơ bản: Gọi điện và nhắn tin. Những chiếc điện thoại 8210, 3210, 1100… tiến vào thị trường viễn thông Việt Nam đầy mạnh mẽ và nhanh chóng trở thành lựa chọn tối ưu của người dùng. Trong giai đoạn 2005-2007 một mình Nokia 1100 gần như “chấp” tất cả những đối thủ Motorola, Sony, Panasonic hay Siemens cùng phân khúc khi liên tục dẫn đầu thị trường.

Nokia nhanh chóng vươn lên trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới với thị phần toàn cầu chiếm khoảng 40% trong quý 2 năm 2008, tăng 38% so với quý 2 năm 2007, theo báo cáo tài chính của công ty này.

Thực tế, Nokia ở đầu thập niên 2000 thực sự đã định danh nên thị trường điện thoại di động toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Riêng tại Việt Nam, cục gạch Nokia rồi sau này là những chiếc smartphone đầu tiên của dòng N-serie chạy hệ điều hành Symbian thực sự trở thành “huyền thoại” trong lòng người dùng công nghệ Việt thời ấy.

Thế nhưng sự bùng nổ của công nghệ viễn thông đã khiến “ông lớn” này lép vế khi những “đàn em” như Apple, Samsung hay LG… bắt đầu nhảy vào cuộc chơi với những chiếc smartphone chạy hệ điều hành Android và iOS đầy tiện dụng. Và điều gì đến cũng phải đến, sự phát triển đã đến kịch trần và Nokia loay hoay trong cái bóng cũ mà không bắt kịp những xu hướng mới của thị trường, ngay lập tức thương hiệu này “hụt hơi”. Cuộc chuyển giao ồn ào cho Microsoft vào năm 2013 cũng không thể “trục vớt” con tàu đắm mang tên Nokia khi Windows Phone và hệ điều hành Microsoft quá khó để sử dụng.

Smartphone Lumia lại là câu chuyện buồn của ông vua ngành viễn thông một thời.

Smartphone Lumia lại là câu chuyện buồn của ông vua ngành viễn thông một thời.

Hồi sinh và đứng thứ hai thị trường Việt

Những tưởng Nokia đã biến mất vĩnh viễn trên thị trường điện thoại khi không thể bước ra cái bóng quá lớn của quá khứ. Tuy nhiên, năm 2016, HMD đã xuất hiện và mang cái tên Nokia trở lại đầy ngoạn mục.

Bí quyết của HMD là gì? Là làm sống lại những chiếc điện thoại với chức năng cơ bản nghe, gọi và nhắn tin mà chúng ta quen gọi là “cục gạch”. Phương thức này ngay lập tức cho thấy sự hiệu quả khi những chiếc cục gạch của Nokia trở thành lựa chọn thứ hai của nhiều người tiêu dùng vì sự tiện lợi và nhỏ gọn.

Ở góc độ người tiêu dùng, anh Đặng Quốc Hào (quận 9, TP.HCM) chia sẻ: “Do nhu cầu, tôi sử dụng hai chiếc điện thoại để làm việc là liên lạc. Nếu như iPhone mang đến cho tôi những trải nghiệm đẳng cấp của một chiếc smartphone thì Nokia vừa nhỏ gọn, tiện lợi, mang đi đường rất dễ, nghe gọi loa to, giá rất rẻ, chỉ từ vài trăm đến 1 triệu đồng là có thể sở hữu 1 chiếc điện thoại cục gạch. Nó làm dấy lên trong tôi những hoài niệm về chiếc điện thoại cục gạch thế hệ đầu tiên”.

Cứ thế, Nokia lách đi những bước vững chắc trong cái ngách kỳ lạ do chính mình tạo nên và chiếm lĩnh những thị trường tiềm năng tại châu Á, trong đó có Việt Nam. Tại đây, điện thoại cơ bản của Nokia thường được dùng như phương tiện liên lạc thứ hai của người dùng, được tận dụng để nghe radio hay đèn pin… Đó cũng là cách mà ông Kyler Tan - CEO HMD Global Việt Nam - nói về những thành công hiện tại của Nokia tại thị trường Việt. Người đứng đầu của HMD Global Việt Nam cho rằng, khó ở đâu điện thoại Nokia có những hình ảnh gần gũi với người dùng như tại Việt Nam.

Báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường GfK cho thấy, năm 2017, Nokia đã vươn lên chiếm lĩnh 25% thị phần toàn thị trường điện thoại Việt Nam. Con số này tăng nhẹ 25,9% vào năm 2018. Hiện tại, Nokia đã đạt được tham vọng giành lại thị trường từ tay các đối thủ khi chiếm vị trí thứ 2 thị trường Việt Nam, chỉ kém Samsung và vượt xa đối thủ như Oppo. Thương hiệu điện thoại Nokia do HMD Global độc quyền kinh doanh đang chiếm 21% thị phần điện thoại Việt Nam trong quý 1, 2/2019.

HMD thực tế là công ty công nghệ do những nhân viên cũ của Nokia thành lập. Những con người ấy đã từng tạo nên đế chế Nokia và họ hiểu “văn hóa” công ty này hơn ai hết. Và cuộc hồi sinh của Nokia cho thấy đường lối đúng đắn của đội ngũ công nghệ từng một thời đứng đầu thế giới này.

Tuy nhiên, về cơ bản, Nokia chỉ là ông kẹ ở phân khúc cục gạch, khi chỉ tăng trưởng ở phân khúc này. Còn câu chuyện về những chiếc smartphone Nokia vẫn kết thúc bằng dấu chấm buồn.

Đăng Kiệt - Thanh Minh

Theo NTD

largeer