Nông nghiệp kết hợp du lịch tại TP Hồ Chí Minh: Rõ hướng đi đúng

Thứ hai, 16/10/2017, 09:19 AM

Hiện nay, đóng góp của ngành Nông nghiệp chỉ chiếm 1% GDP của TP Hồ Chí Minh. Để gia tăng giá trị kinh tế từ sản xuất nông nghiệp, thành phố đang khuyến khích người dân phát triển mô hình làm nông kết hợp du lịch. Bước đầu, những mô hình này đã mang lại lợi nhuận, thể hiện rõ hướng đi đúng...

Sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch là hình thức kinh doanh khá phổ biến tại Đà Lạt, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tại TP Hồ Chí Minh, đây là lĩnh vực khá mới mẻ, nhưng đã được triển khai ở nhiều nơi. Cụ thể, Khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Củ Chi là nơi đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh áp dụng hình thức sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch.

Bà Trần Kinh Hằng - Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao cho biết, qua gần 4 năm tổ chức, từ 7.000 khách năm 2014 đến năm 2017 lượng khách đã đạt hơn 12.000 người. Khi có khách đến tham quan, giá trị sản phẩm nông nghiệp được tăng lên nhiều lần. Đơn cử, một quả dưa lưới của đơn vị bán cho siêu thị, thương lái chỉ từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng, nhưng du khách đến tham quan có thể trả 1 cây dưa lưới với giá 200.000 đồng. Cây dưa được đánh mã số, khách được theo dõi qua camera, đến kỳ thu hoạch, sản phẩm sẽ được gửi đến tận nhà cho khách.

Dù mới bắt đầu đón khách từ tháng 1-2017 nhưng trang trại du lịch Nông Trang Xanh tại huyện Củ Chi đã đón được 35.000 lượt khách tham quan. Với giá vé 50.000 đồng, du khách được tham quan toàn bộ nông trại, tham gia hái nấm, vắt sữa bò, uống sữa tươi nguyên chất miễn phí. Tương tự, nông trại Hoa Lúa tại xã An Phú huyện Củ Chi mới đi vào hoạt động từ tháng 3-2017 nhưng đã đón được 14.000 lượt khách.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có 24 quận, huyện nhưng diện tích đất ở 5 huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ chiếm gần 3/4 diện tích toàn thành phố. Đây là tài nguyên để phát triển du lịch nông nghiệp ở tất cả các mặt nông - lâm - ngư nghiệp. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp thành phố vẫn chưa phát triển được như tiềm năng sẵn có do chưa được đầu tư, kết nối để cùng phát triển.

Để khắc phục khó khăn, UBND TP Hồ Chí Minh đã có chính sách rất chi tiết như: Hỗ trợ 100% lãi suất đối với đầu tư cơ bản, mua máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp, sản xuất giống, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ 80% lãi suất vay vốn đầu tư mua giống, vật tư, trả công lao động; hỗ trợ 60% lãi suất khi vay vốn đầu tư phát triển du lịch sinh thái, bao gồm các hạng mục như xây dựng, trang thiết bị.

Ngoài chính sách hỗ trợ cho nông dân kể trên, TP Hồ Chí Minh đang có gói vay cho doanh nghiệp tối đa gần 100 tỷ đồng để đầu tư phát triển du lịch với điều kiện đề án được UBND TP Hồ Chí Minh xét duyệt.

Không chỉ vậy, chính quyền các huyện của thành phố cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trạm dừng chân du lịch, bán các sản phẩm nông nghiệp để tăng giá trị sản xuất cho nông dân. UBND huyện Củ Chi khẳng định sẽ có chính sách hỗ trợ, chuẩn bị đất cho những doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở chế biến sữa bò Củ Chi, trạm dừng chân du lịch.

Tại huyện Cần Giờ, chính quyền nơi đây đang khuyến khích các nhà đầu tư làm các nhà bè nghỉ dưỡng ven sông để khách lưu trú, chi tiêu nhiều hơn. Hiện có một doanh nghiệp đang nghiên cứu và đề xuất ý tưởng xây dựng 5 phòng ngủ trên cây. Phương án đề xuất là chọn Thảo Cầm Viên để thử nghiệm, sau đó sẽ triển khai ở khu vực ven rừng Sác huyện Cần Giờ. Đây là cách làm du lịch sáng tạo, đang được UBND thành phố cân nhắc, xem xét.

Theo Tuệ Diễm (HNM)

Tiến Huy
Từ khóa:

largeer