Nông, thủy sản Việt vẫn khó chinh phục thị trường EU khi có EVFTA

Thứ hai, 05/08/2019, 09:53 AM

Thực tế dù đã ký FTA với EU cùng nhiều ưu đãi, nhưng các chuyên gia đầu ngành từ 2 thị trường đều cảnh báo ngành nông thủy sản Việt Nam sẽ khó nhận ưu đãi từ EU nếu không sớm thay đổi.

Việt Nam liên tục bị cảnh báo và trả các lô hàng thủy sản từ EU do kém chất lượng.

Việt Nam liên tục bị cảnh báo và trả các lô hàng thủy sản từ EU do kém chất lượng.

Việt Nam liên tục bị cảnh báo và bị EU trả hàng nông thủy sản

Từ khi bị cảnh báo thẻ vàng IUU từ châu Âu đối với thủy sản Việt Nam vào ngày 23/10/2017, Tổng cục Thủy sản đã ban hành 60 văn bản gửi các địa phương có liên quan để xử lý theo quy định. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam vi phạm khi xuất sang EU.

Khi bị cảnh báo thẻ vàng, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường EU. Nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp thẻ đỏ cấm xuất khẩu thủy sản vào EU.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2019 lại có hàng loạt lô hàng thủy sản Việt xuất sang EU bị vi phạm các yêu cầu từ EU. Cụ thể, có 41 vụ/69 tàu/271 ngư dân vi phạm. Mới đây, Bộ Công thương cho biết, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU trong giai đoạn từ 1/1-1/5 và Hệ thống Cảnh báo nhanh của EU đối với mặt hàng thức ăn và thực phẩm nguy cơ gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng (RASFF) thông báo có 9 lô hàng thủy sản và 8 lô hàng nông sản của Việt Nam bị từ chối hoặc giám sát khi nhập vào EU.

Theo đó, những lô hàng này không đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU do chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm.

Trong đó, một lô hàng cá da trơn đông lạnh của Việt Nam bị Bỉ từ chối nhập khẩu. Áo, Thụy Sĩ và Na Uy đưa sản phẩm cá tra philê, tôm và cá rô phi đông lạnh của Việt Nam vào diện giám sát với mức độ cảnh báo “chưa nghiêm trọng”. Ngoài ra, một lô hàng cá ngừ đông lạnh của Việt Nam được nhập khẩu và chế biến tại Pháp cũng bị cảnh báo nhiễm chất cấm với mức độ nghiêm trọng. Đối với nông sản, Tây Ban Nha từ chối nhập khẩu 8 lô hạt hạnh nhân có xuất xứ từ Australia và được chế biến tại Việt Nam do chứa chất aflatoxin vượt mức cho phép.

Nông sản vào EU phải bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn mà phía châu Âu quy định. (Ảnh: Kim Ngọc).

Nông sản vào EU phải bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn mà phía châu Âu quy định. (Ảnh: Kim Ngọc).

Châu Âu siết chặt quy định bảo hộ hàng nông sản nhập khẩu

Bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng Ban Kinh tế và Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, thành viên đoàn đàm phán EU cho biết dù đã ký FTA với nhau, nhưng để hưởng lợi các doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua rào cản, phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng kỹ thuật rất cao từ thị trường châu Âu. “Chúng tôi mong rằng tất cả các công ty muốn xuất khẩu vào châu Âu phải tôn trọng tiêu chuẩn đó, nếu không thì không thể xuất vào châu Âu. Hiện nay nhiều sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa đạt chuẩn để vào châu Âu cần nâng cao chất lượng, kiểm dịch chất lượng nông sản, động thực vật…”.

EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, song cũng là thị trường có yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường… Đáng nói thị trường này liên tục thay đổi các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật hàng nông sản nhập khẩu. Cụ thể, EU vừa thông báo sửa đổi phụ lục II, III, IV trong Quy định số 396/2005 của EU liên quan đến quy định dư lượng tối đa các loại hóa chất như chlorantraniliprole, clomazone, cyclaniliprole, fenazaquin… trên một số sản phẩm như rau, quả và thực phẩm.

Ví dụ hạt điều, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU, được nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria, chiếm 63% nhu cầu chế biến. Hiện nay, EU có quy định tương đối chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ với hạt điều khi xem công đoạn gia công, bóc vỏ hạt điều là chế biến giản đơn. Do đó, muốn xuất khẩu được hưởng lợi về thuế quan, hạt điều của Việt Nam phải chế biến từ nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước.

Những thay đổi này ảnh hưởng trực tiếp đến các mặt hàng như cà phê, tiêu, điều, gạo, thanh long, và một số ít loại rau gia vị khác của Việt Nam sang EU.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hoa quả của Việt Nam sang EU đạt 78 triệu USD.

Trước nay xuất khẩu sang châu Âu bị khó ở thuế nhập khẩu dựa trên thuế CF (tiền hàng cộng tiền cước) sau đó nhân lên. Thuế mà EU đánh lên rau quả nhập của Việt Nam là từ 10-17%, khi có EVFTA sẽ giảm theo lộ trình dần về 0 sẽ làm sự cạnh tranh của rau quả Việt tăng lên so với các thị trường lân cận như Thái Lan, Trung Quốc vì các nước này chưa có FTA với châu Âu.

Tiêu chuẩn kỹ thuật của EU rất cao, quy định khắt khe về dư lượng hóa chất có trong sản phẩm, các doanh nghiệp phải vượt qua nếu muốn xuất nhiều hàng vào châu Âu. Hiện nay rau quả tươi xuất khẩu vào châu Âu không bằng sản phẩm qua chế biến, bởi đa phần người châu Âu thích sự tiện lợi. Ví dụ xuất bưởi sang châu Âu người ta ít mua vì người châu Âu cần sự tiện lợi. Thái Lan hơn Việt Nam nhờ những sản phẩm như bưởi, sầu riêng họ tách ra và bảo quản lạnh rồi xuất khẩu. Các mặt hàng chế biến xuất khẩu đòi hỏi vi sinh, công nghệ rất cao, nhưng công nghệ chế biến của Việt Nam còn yếu và ít. Cả nước hiện nay cũng chỉ mới có 150 cơ sở chế biến rau quả, thiếu kỹ thuật, công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến sâu.

Kim Ngọc

Theo NTD

largeer