Nước mắt ngày gặp lại sau 12 năm mẹ xa xứ kiếm tiền nuôi con

Thứ năm, 22/06/2017, 10:43 AM

Ly hôn không một xu dính túi, để nuôi bé gái năm tuổi, chị đành chọn tha hương. Chị sang Thái Lan làm nghề nấu ăn thuê, hàng tháng gửi tiền về nhờ bà dì nuôi con.

Ôm con trong buổi chia ly, chị nghẹn ngào: “Con phải ngoan và học giỏi. Mẹ nhất định sẽ trở về”. 12 năm xa xứ, tới giờ chị mới có thể trở lại thăm con.

Ngày chị Hằng (phải) trở về, cô bé 5 tuổi đã thành thiếu nữ

Cha mất mới dám ly hôn

Chị tên Lê Thúy Hằng, sinh năm 1972 tại xã Trung Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, hiện đang làm việc và sinh sống tại tỉnh Ayutthaya, Thái Lan. Cô thôn nữ ngày nào duyên dáng, đảm đang, lọt vào khá nhiều mắt trai làng, cũng có vài mối tình đi ngang cuộc đời, nhưng chị Hằng lại lấy một người do cha mình chọn cho.

Anh chồng tướng tá cũng ngon lành, không rượu bia, thuốc lá. Hồi học cấp III anh hoạt động Đoàn rất sôi nổi. Cha của anh là đảng viên 40 năm tuổi đảng. Với lý lịch gia đình như vậy, cha chị chọn chồng cho con gái, yên tâm con gái được ấm thân trong một gia đình có truyền thống tốt. Chị nghe lời cha, thầm cầu mong gặp được người yêu thương mình.

Nhưng cuộc sống vợ chồng không như chị mơ ước. Vì sống chung với cha mẹ chồng, nên chị luôn bị “soi” rất kỹ, từ lời ăn, tiếng nói đến hành vi hàng ngày. Chị là người thẳng tính, nên thường hay tranh luận với mẹ chồng về cách chăm sóc cháu nội, về thái độ vợ chồng cư xử với nhau. Con gái đầu lòng mới được chín tháng, trong một cuộc tranh luận nảy lửa với con dâu, bà mẹ chồng dọa sẽ dắt chị về trả cho bên ngoại.

Chị Hằng và công việc hàng ngày tại quán ăn Thái Lan

Khi mẹ chồng phàn nàn với con trai về tội hay cãi láo, anh không hòa giải mẹ và vợ mà chỉ quay sang chì chiết, chửi bới vợ với đủ lời lẽ dơ bẩn, xúc phạm cả cha mẹ vợ. Công việc đồng áng đã nặng nhọc, vất vả, về nhà lại chịu sự đay nghiến của mẹ chồng, sự xúc phạm của chồng, chị Hằng nhiều lúc muốn bỏ đi vì tủi nhục.

Thà rằng anh ta cứ đánh đập chị như những kẻ vũ phu khác, đằng này cứ dai dẳng chửi bới, sỉ nhục vợ. Đã thế, những điều vợ chồng tâm sự với nhau, anh sẵn sàng đem nói lại với mẹ, để giông tố tiếp tục đổ lên đầu vợ.

Có bầu lần hai được ba tuần, mẹ chồng và chồng kiên quyết bắt chị phá thai vì đi coi bói, thầy nói lần này vẫn là con gái. Uất hận, chị nói với cha mẹ chuyện thôi chồng, nhưng bị cha phản đối. “Đi lấy chồng rồi, tốt xấu gì cũng là người nhà chồng. Tao cấm mày ly hôn”.

Năm 2002, mẹ chị đau ốm rồi qua đời, ba năm sau cha chị cũng theo vợ. Sau hai cái tang lớn, việc tiếp theo của chị là làm đơn xin ly hôn.

Bôn ba xứ người

Gửi con gái nhỏ cho bà dì, chị Hằng theo một người bạn sang Thái Lan bằng đường du lịch. “Tôi quyết ra đi tìm đường cứu cuộc đời hai mẹ con. Vì khi ly hôn, chẳng được chia tài sản bởi vợ chồng còn ở chung với cha mẹ, chưa có tài sản riêng”.

Ở Thái Lan, chị xin làm thuê tại một quán ăn của người địa phương. Là dân nhập cư trái phép, bà chủ quán khai chị là người Myanmar để làm giấy tạm trú. Chị học tiếng Thái rất nhanh. “Một tháng nói được lõm bõm. Hai tháng là biết… cãi nhau với dân bản địa”. Việc nấu ăn bằng thực đơn Thái cũng gần giống thức ăn Việt, nhưng phức tạp hơn một chút, ví dụ họ bỏ nhiều ớt hoặc hay nấu nước cốt dừa.

Chỉ một năm, chị Hằng đã thành thạo việc nấu nướng, được chủ quán tin tưởng. Ở nhà trọ, ăn uống tại quán. Mọi chi tiêu chị hết sức tiết kiệm để gửi tiền về quê nuôi con ăn học. Chị Hằng tâm sự: “Mười hai năm đơn thân, nhiều lúc cũng thèm khát một bàn tay âu yếm, một nụ hôn ấm áp. Mình là phụ nữ chứ có tiên phật gì. Nhưng ám ảnh về một kẻ bội bạc như chồng làm tôi sợ. Cũng ngại có tình mới, lỡ không nuôi được con gái thì sao. Nên tôi đành nín nhịn, cắn răng mà chịu”.

Giờ tiền lương mỗi tháng tương đương sáu triệu đồng, tuy không nhiều, nhưng chị tin mình đủ sức nuôi con gái.

Đến nay con gái chị đã vào đại học Vinh (Nghệ An), chị rất mừng và nghỉ một tuần về quê, xem con học hành ra sao. Con bé năm tuổi ngày nào đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Hai mẹ con gặp gỡ sau 12 năm xa cách, nước mắt yêu thương làm nghẹn lời tâm sự: “Con thấy không, mẹ đã nói là nhất định trở về”. Dự tính sau khi con gái tốt nghiệp đại học, chị sẽ dành dụm ít vốn và về quê sống với con.

Theo Phùng Hoàng Chương (PNO)

Tiến Huy
Từ khóa:

largeer