Nuôi hàu trên vịnh biển Lăng Cô

Thứ ba, 20/08/2019, 09:18 AM

Hàu ở Lăng Cô được xem là “ngon nhất nước” với vị mặn đậm đà, hơi béo. Sản vật thiên nhiên ban tặng này là nguồn sống và niềm tự hào của người dân thị trấn Lăng Cô thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế hơn 15 năm qua...

Tách hàu ở trên bờ...

Tách hàu ở trên bờ...

Đầm Lập An hay còn gọi là đầm An Cư có diện tích khoảng 800ha, nằm trên cung đường du lịch đẹp nhất của miền Trung chạy từ Đà Nẵng đến Huế. Đầm nước nằm dưới chân đèo Phú Gia, một bên là dãy Bạch Mã hùng vĩ, một bên là vịnh Lăng Cô với nước xanh như ngọc. Khu vực đầm là vựa hàu lớn nhất trong vùng.

Đầm Lập An có tên gọi khác là đầm An Cư, diện tích khoảng 800ha, nằm gần trục đường quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc trên con đường nối từ Đà Nẵng đến Huế. Đầm nước nằm dưới chân đèo Phú Gia, được bao bọc bởi dãy núi Bạch Mã hùng vĩ, một bên là vịnh Lăng Cô với màu nước xanh như ngọc.

Hàu đã cạy vỏ...

Hàu đã cạy vỏ...

Khu vực đầm Lập An cũng là vựa hàu lớn nhất trong vùng.

Nuôi hàu trở thành phong trào ở thị trấn Lăng Cô từ năm 2004. Trước đây, người nuôi hàu chủ yếu dựng các cọc gỗ xuống đầm để hàu bám vào sinh sống. Tuy nhiên việc sử dụng cọc gỗ này lại mất nhiều thời gian và tốn chi phí bởi chỉ cần vài ba lứa hàu là gỗ sẽ bị mục nát và phải thay bằng cọc mới...

Rồi dần người dân nhận thấy việc nuôi hàu bằng lốp xe cũ ít tốn chi phí hơn lại có thể sử dụng được lâu dài. Các cọc gỗ của mô hình nuôi trồng truyền thống mất đi. Đến nay, hàng ngàn chiếc vỏ xe cũ được người dân thả xuống đầm để làm chỗ nuôi hàu.

Mỗi lứa hàu thường được người dân trong vùng nuôi từ 6-9 tháng. Tháng 3 âm lịch, mỗi hộ dân thả khoảng 5.000-10.000 vỏ xe cũ. Trước Tết âm lịch là dịp thu hoạch rộ khi “lộc trời” sinh sôi đầy vỏ xe cũ.

Sớm tinh mơ, người dân thị trấn đã bắt đầu công việc. Dân Lăng Cô phân nhiệm vụ rõ ràng. Đàn bà thì chào mời hay bán hàng cho khách, còn đàn ông thì chèo thuyền ra đầm nước kéo những vỏ xe bám đầy hàu chất lên một bè nhỏ, rồi gỡ hàu, đập và chùi sạch lớp vỏ hàu cũ để thả đợt tiếp theo. Xong mọi việc, hàu được đưa lên bờ, một số thì được đóng gói luôn, số còn lại được chủ vựa và nhân viên ngồi tách rồi ngâm vào chậu nước.

Tháng 8 đang là mùa cao điểm du lịch hè trên vịnh biển Lăng Cô. Đây cũng là lúc hàu bán chạy nhất. Trên con đường nhỏ hướng ra vịnh Lăng Cô, hàng chục điểm bán hàu san sát nhau, tấp nập kẻ bán người mua. Đa số các địa điểm bán hàu này đều là của hộ gia đình.

Bà chủ vựa hàu có tên Hoàng Thị Hậu chỉ cho khách xem chỗ hàu mới cạy vỏ, chào mời: “Hàu chỉ vừa mới đưa lên cả thôi. Cứ đưa lên là có khách hoặc thương lái đến mua hết. Em mua ít hay nhiều? Giá hàu chưa tách là 20.000 đồng/kg, còn đã tách rồi là 70.000 đồng/kg, yên tâm vì giá này chị đều bán cho cả chủ cửa hàng hải sản”. Bà chủ trạc gần 50 tuổi luôn miệng nói “hàu của chị ngon nhất vùng, rẻ nhất vùng”.

Vựa nhà bà Hậu bán vài tấn hàu mỗi ngày. Giá ở đây rẻ hơn nhiều so với giá 80.000-100.000 đồng/kg tại một số nhà hàng ngay cạnh đó.

Hàu đạt cỡ được chế biến thành các món dân dã như hàu tươi hay luộc chấm mù tạt, hàu nướng trui, hàu nướng mỡ hành, cháo hàu, gỏi hàu... Hàu nhỏ quá được dân Lăng Cô dùng làm mắm.

Nghề nuôi hàu sữa là nguồn sống của phần lớn dân thị trấn.

Nghề nuôi hàu sữa là nguồn sống của phần lớn dân thị trấn.

Khu vực đầm Lập An ở thị trấn Lăng Cô đã trở thành điểm mua bán hàu lớn nhất trong khu vực. Không chỉ có khách hàng ở địa phương mà còn có nhiều thương lái từ Nghệ An, Nha Trang hay tuốt trong TP.HCM đặt mua.

Hàu Lăng Cô được chuộng bởi nước đầm phá vùng vịnh ở đây mặn hơn nước biển Nha Trang. Nhưng những công trình xây dựng không phép quanh đầm hay trên đầm Lập An từng đe dọa nguồn sống của người dân trấn biển. Nguồn nước thải trực tiếp từ các nhà hàng quanh đầm làm nhiều hộ nuôi hàu choáng váng cuối năm rồi.

Người dân Lăng Cô canh cánh nỗi lo một sự cố môi trường, dù chỉ là vô tình, sẽ cướp sạch nguồn sống của họ bởi “con hàu vô cùng nhạy cảm với nguồn nước” - như lời của một hộ nuôi trên vịnh.

Tiêu Dao - Thế Sơn

Theo NTD

largeer