Nuôi sinh vật ngoại lai và những bài học xương máu

Thứ sáu, 24/05/2019, 17:18 PM

Dư luận đang xôn xao với việc sinh vật ngoại lai tôm hùm đỏ, hay còn gọi là tôm hùm đất (tên khoa học Procambarus clarkii) được nuôi lén lút ở các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, đây không phải là loài sinh vật gây hại duy nhất được thương lái Trung Quốc thu mua với ý đồ xấu tại Việt Nam. Trước đó đã từng có nhiều “bài học” xương máu tương tự do các sinh vật ngoại lai gây ra.

Sâu róm Trung Quốc từ những năm 1950

Sâu róm thông xâm nhập vào Việt Nam từ những năm 1950, cùng với việc nhập nội và gieo trồng một số giống thông từ Trung Quốc, như thông đuôi ngựa. Vào những năm 1965-1970, sâu róm thông đã gây ra những trận dịch lớn đối với rừng thông ở Quảng Ninh, Bắc Giang và từ đó trở thành đối tượng gây hại nghiêm trọng. Dịch sâu róm thông đã lan ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và lây lan đến nhiều tỉnh khác.

Đến năm 2003, đại dịch sâu róm đã thiêu cháy trên diện rộng hơn 30 nghìn ha thông của Nghệ An và Hà Tĩnh. Gây nên thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của những địa phương này.

Sự lan rộng của sinh vật ngoại lai trên được ghi nhận như một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sinh thái và nền kinh tế thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, “sâu róm” là một trong sáu loại sinh vật ngoại lai nguy hiểm nhất cho môi trường tại Việt Nam.

Thu mua đỉa với giá cao

Một thời gian dài từ năm 2011 đến năm 2012, các lái buôn đổ xô mua đỉa khiến cho người dân săn lùng, thậm chí nuôi loài sinh vật này. Không ai hiểu tại sao mặt hàng lạ đời này được thương lái Trung Quốc thu mua.

Từ các tỉnh vùng ven như Vĩnh Phúc, Phú Thọ..., hàng chục người dân kéo về cánh đồng ngoại thành Hà Nội để bắt đỉa. Theo những người chuyên săn đỉa, giá mỗi kg đỉa do thương lái Trung Quốc thu mua lên tới 500.000 - 600.000 đồng, thậm chí có thời điểm lên tới cả triệu đồng/kg. Do đó, việc săn đỉa hàng ngày đem lại lợi nhuận lớn hơn rất nhiều so với làm ruộng, khiến nông dân các vùng miền ráo riết săn đỉa đem bán, bỏ cả làng để lên phố tìm bắt đỉa.

Thời điểm sốt giá, thương lái Trung Quốc có thể thu mua đỉa với giá tận 1 triệu đồng/kg

Thời điểm sốt giá, thương lái Trung Quốc có thể thu mua đỉa với giá tận 1 triệu đồng/kg

Có những gia đình thậm chí còn nuôi loài sinh vật này, nhưng chỉ sau đó một thời gian, đầu nậu thu mua đã bỏ đi, để lại hàng tạ đỉa do người dân nuôi. Đến khi không bán được cho ai, một số người vứt cả bao tải chứa đỉa xuống ruộng khiến cho hệ sinh thái tại khu vực này bị ảnh hưởng.

Nuôi gián đất

Năm 2014, dư luận xôn xao về việc một số hộ dân ở Bắc Ninh nhập khẩu "giống" gián đất Trung Quốc về nuôi. Thậm chí, chuyên gia Trung Quốc còn sang tận nơi giúp họ xây dựng chuồng trại và hướng dẫn kỹ thuật nuôi.

Theo như thương lái Trung Quốc, gián đất có khả năng chữa bệnh, làm đẹp. Vì vậy, giá thành của chúng khá cao. Cộng thêm việc dễ nuôi và sinh sản cực nhanh, có thể trong một thời gian ngắn, vài cặp gián đất bố mẹ đã nhân giống lên hàng ngàn con khiến chúng thành món hàng béo bở.

Hình ảnh tại trang trại nuôi gián đất.

Hình ảnh tại trang trại nuôi gián đất.

Tuy nhiên, sau khi mô hình này lan rộng ra nhiều hộ dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành tìm hiểu và đưa ra kết luận, gián đất động vật ngoại lai còn xa lạ với người dân Việt Nam, chưa có tài liệu chính thức khẳng định tính có lợi và hiệu quả của việc nuôi gián. Tự ý nhập khẩu và gây nuôi gián đất là việc làm bị nghiêm cấm. Trên thực tế, gián là loài côn trùng có thể làm trung gian truyền một số bệnh như tiêu chảy, dịch tả và là thủ phạm gặm nhấm làm hư hỏng các vật dụng gia đình. Những nguy hại tiềm ẩn được báo động và buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc tiêu hủy những mô hình “chăn nuôi” gián đất để đảm bảo an toàn cho ngành Nông nghiệp cũng như đời sống người dân.

Ốc bươu vàng

Năm 2013, ốc bươu vàng trở thành mặt hàng được thương lái Trung Quốc thua mua với giá cao. Thậm chí giá ốc bươu thời điểm đó có thể lên đến 23.000 đồng/kg. Người dân tranh nhau bắt ốc bươu vàng bán cho thương lái Trung Quốc, thậm chí họ còn thả nuôi thay vì tận diệt để bảo vệ đồng lúa như trước đây.

Tuy nhiên, những hậu quả có thể thấy được từ việc thu này đó là môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng vì xác vỏ ốc chất đống không được xử lý. Chưa kể người dân có thể đổ xô đào ao nuôi ốc bươu vàng, khi thương lái ngừng thu mua, ốc bươu vàng sẽ trở thành hiểm họa cho người trồng lúa và các loại hoa màu.

Cơn khủng hoảng mang tên

Cơn khủng hoảng mang tên "ốc bươu vàng" tàn phá đồng ruộng.

Những hành vi như thu mua với giá cao, thu mua ồ ạt nhằm thúc đẩy sự phát triển của các sinh vật gây hại trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam. Các hoạt động này đều tiềm ẩn nguy cơ làm mất cân bằng, gây thiệt hại đến nền kinh tế, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Hoài Viễn

Theo PLN

largeer