Nuôi yến ở Sài Gòn - người thu vàng trắng, người... trắng tay

Thứ hai, 19/08/2019, 09:58 AM

Trái với suy nghĩ của nhiều người, chỉ có những nơi sát biển mới thích hợp với nghề nuôi yến trong nhà, nhưng ở trung tâm Sài Gòn lại là nơi thuận tiện để phát triển nghề nuôi yến theo công nghệ hiện đại. Sài Gòn tuy không sát biển so với Cần Giờ nhưng cũng là thành phố bên sông, môi trường không quá nóng, nhiệt độ khoảng 28oC, độ ẩm 85% là tiêu chuẩn khá lý tưởng cho chim yến sinh sống, bắt mồi trong thiên nhiên.

Đại gia bất động sản chuyển nghề nuôi yến

Thời gian vừa qua Sài Gòn cũng đã dấy lên phong trào nuôi yến trong nhà ở các quận: 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và Nhà Bè sát với Cần Giờ. Người ta cũng đã thấy từng đàn yến dập dìu bay lượn, bắt mồi trong không trung vào sáng sớm hoặc chiều tối và yến theo tập tính lâu đời cũng thích làm tổ trong những ngôi nhà cũ, bỏ hoang, kho bãi, những ngôi nhà cổ như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cảng Ba Son, chung cư Nguyễn Thái Bình, công viên Tao Đàn, Thư viện Tổng hợp. Chính vì thế nên ý tưởng xây nhà nuôi yến tại các quận nêu trên đã hình thành từ những “đại gia” bất động sản muốn chuyển qua nghề nuôi yến. Và họ đã làm thật.

Có đại gia nổi tiếng trong giới kinh doanh bất động sản đã tiên phong đầu tư nuôi yến tại Thủ Thiêm cách đây vài năm với số tiền 500 triệu đồng xây nhà, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật bắt tay vào việc dụ yến. Đến nay, may mắn đã đến với đại gia này khi yến lần lượt bay về trú ngụ trong ngôi nhà yến và làm tổ. Mỗi tháng đại gia may mắn này thu được khoảng 10kg tổ yến, trị giá 15.000-20.000 USD. Thế là mô hình nuôi chim yến trong nhà ở ngay trung tâm Sài Gòn đã có người thành công, kéo theo nhiều đại gia khác nhảy vào lãnh vực kinh doanh “vàng trắng” này. Ngay ở khu Thanh Đa, Bình Quới của quận Bình Thạnh cũng có người xây nhà nuôi yến.

Một người thành công khác nữa là anh Lê Danh Hoàng, một đại gia còn khá trẻ thuộc thế hệ 8X, hiện là chủ của chuỗi cửa hàng Yến sào Hoàng Yến ở TP.HCM, Nha Trang, Hà Nội. Chính anh Hoàng trước đó là người tiên phong đầu tư nuôi yến ở Phan Rang và đã thành công. Từ việc nuôi yến thành công, anh Hoàng trở thành chuyên gia nuôi yến, tư vấn kỹ thuật cho người nuôi yến và chế tạo luôn các phương tiện máy móc, thiết bị phục vụ cho công nghệ nuôi yến trong nhà.

Theo anh Hoàng, ở TP.HCM người nuôi yến cần chú ý đến vấn đề ô nhiễm và tiếng ồn. Do đặc điểm của thành phố nên khi lắp đặt máy phát âm thanh dụ yến đã sử dụng hệ thống loa có công suất lớn, gây ra tiếng ồn rất khó chịu cho hàng xóm cư ngụ trong khu vực nuôi yến. Loa phát âm thanh dụ yến thì đa dạng, có cặp loa giá chỉ 100.000 đồng nhưng cũng có cặp loa ngoại giá 700 USD, vừa phát ra âm thanh rất to để dụ yến nhưng lại điều chỉnh được hướng loa tập trung phát... lên trời yến nghe khoái chí hơn, mà cũng đỡ gây tiếng ồn hơn cho người chung quanh.

Một nhà nuôi yến đang xây dở.

Một nhà nuôi yến đang xây dở.

Người cười, người khóc

Chính anh Hoàng và công ty đã nghiên cứu, tìm tòi để cải tiến hệ thống phát ra âm thanh dụ yến từ chiếc loa của nước ngoài sao cho phù hợp với môi trường tại Việt Nam nói chung và ngay trung tâm thành phố nói riêng. Với bộ máy này, người sử dụng có thể điều chỉnh cường độ âm thanh, thời gian phát và phát theo ý muốn có thể thay thế CD phát âm thanh bán ngoài thị trường còn rất hạn chế về mặt kỹ thuật. Dàn máy của anh Hoàng đạt đến kỹ thuật siêu công suất, có thể phát ra âm thanh bầy đàn dụ yến tùy theo thời điểm khác nhau như mùa chim sinh sản, mùa chim bay về trong vòng bán kính 2km.

Anh Hoàng là một trong số ít người nuôi yến ở Sài gòn thành công và hiện anh vừa làm tư vấn kỹ thuật cho những dự án nuôi yến, đồng thời kinh doanh sản phẩm chế biến từ tổ yến và ước mơ phát triển nghệ thuật ẩm thực yến sào không chỉ trong nước mà còn xuất ra thế giới.

Từ kinh nghiệm nuôi yến của mình, anh Hoàng cũng cảnh báo cho những người đi sau rằng hiện phong trào nuôi yến đang phát triển tràn lan theo phong trào và đang dần mất kiểm soát. Một trong những nguy cơ đến với nhà đầu tư nuôi yến thiếu kinh nghiệm, ít hiểu biết là tình trạng mua bán sang tay từ những nhà nuôi yến thất bại, không mang lại hiệu quả của những “cò” nhà, đất. Có những ngôi nhà yến được bán sang tay qua mấy đời chủ mà thực chất chỉ là mua bán xác nhà, miếng đất vô tác dụng vì không dụ được yến về nhưng giá lại rất cao. Trường hợp này người đầu tư mới coi như cầm chắc thất bại, phá sản. Và thực tế đã có những bài học cay đắng đã xảy ra khi người đầu tư mới vào nghề háo hức thực hiện giấc mơ “vàng trắng” của mình nên giá nào cũng mua, còn người đầu tư trước đã thất bại thì muốn... bỏ của chạy lấy người từ những dự án nhà nuôi yến.

Chỉ có 30% nhà đầu tư nuôi yến thành công, còn 70% hầu như thất bại, đó là một thực tế. Trong 30% nhà đầu tư nuôi yến thành công đó còn phải xét lại coi thành công ở mức độ nào, nếu chỉ ở mức độ huề vốn mà đàn yến không phát triển được, hay chỉ trong một thời gian rồi đàn yến kéo nhau bay đi thì coi như cận kề với thất bại. Có một số giai thoại trong giới “đại gia” nuôi yến kể rằng một gia đình nọ ở Long Bình rất nghèo, chỉ có chút tài sản và đó là một miếng đất. Sau khi chia đất cho mấy người con thì hầu hết họ đều nghèo sau khi nhận đất, nhưng đặc biệt có một người con may mắn nhờ miếng đất được chia, cất nhà lên ở thì yến kéo về trú ngụ và làm tổ, sinh sôi phát triển. Người này nhờ lấy tổ yến bán mà phất lên nhanh chóng. Nhưng cũng có người kia ở Phan Rang bị chủ nuôi yến lừa bán mảnh đất “kỵ” yến rồi tư vấn xây nhà nuôi yến, chờ mãi mà chẳng có con yến nào bay về làm tổ nên phá sản. Hỏi ra mới biết người bán đất sợ nhà đầu tư này mua đất tốt, dụ được yến, cạnh tranh nuôi yến với mình nên chơi ngón đòn quá độc để triệt đối thủ.

Do đó phong trào xây nhà tầng, đầu tư tiền tỷ để nuôi yến đang phát triển rầm rộ khắp nơi nhưng không phải ai cũng thành công mỹ mãn, thực hiện được giấc mơ “thu vàng trắng” của mìnnh mà cũng có lắm cảnh người cười - người khóc.

HỒ AN

Theo NTD

largeer