Ô tô nhập vào Việt Nam tiếp tục kêu khó vì Nghị định 116

Thứ năm, 24/05/2018, 09:28 AM

Các doanh nghiệp ô tô cho rằng việc kiểm tra, thử nghiệm cho từng lô xe nhập khẩu kéo dài thời gian, tốn kém chi phí (nhất là thử nghiệm khí thải) và không công bằng giữa xe nhập khẩu, xe sản xuất lắp ráp trong nước.

 Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, báo cáo kết quả làm việc của đoàn công tác liên ngành hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thực hiện Nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Liên quan đến nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, DN có thể được cấp “Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường” (VTA) đối với các xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, với các xe nhập khẩu từ Nhật Bản, DN không thể có được do Chính phủ Nhật Bản không cấp cho xe xuất khẩu. Các DN kiến nghị cho phép sử dụng báo cáo thử nghiệm của cơ sở sản xuất xe.

Đối với các loại xe nhập khẩu từ châu Âu đã có VTA, DN ô tô kiến nghị cơ quan chức năng xem xét chấp nhận VTA này để làm thủ tục nhập khẩu xe về Việt Nam. Lý do là châu Âu áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 6 cao hơn Việt Nam.

Ô tô Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam hơn 85% trong khi ô tô từ nhiều nước vẫn gặp khó vì Nghị định 116 như Indonesia, Nhật Bản...

Ô tô Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam hơn 85% trong khi ô tô từ nhiều nước vẫn gặp khó vì Nghị định 116 như Indonesia, Nhật Bản...

Bên cạnh đó, các DN cũng cho rằng việc kiểm tra, thử nghiệm cho từng lô xe nhập khẩu kéo dài thời gian, tốn kém chi phí (nhất là thử nghiệm khí thải) và không công bằng giữa xe nhập khẩu, xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Do đó, DN kiến nghị xem xét mở rộng khái niệm lô hàng để giảm số lượng mẫu phải kiểm tra thử nghiệm. Đồng thời cho phép sử dụng kết quả thử nghiệm khí thải trong thời gian sáu tháng thay vì từng lô như hiện nay; xem xét đầu tư thêm cơ sở thử nghiệm khí thải ở khu vực phía Nam và đầu tư thiết bị thử nghiệm xe dẫn động bốn bánh toàn thời gian để rút ngắn thời gian thử nghiệm.

Về thủ tục thông quan hàng hóa, các DN nhập khẩu ô tô cho rằng việc kiểm tra, thử nghiệm sẽ kéo dài thời gian thông quan lô hàng quá 30 ngày kể từ ngày mở tờ khai, vì vậy DN đề nghị cơ quan hải quan không tiến hành xử phạt, không chuyển luồng đỏ khi thực hiện thủ tục hải quan.

Liên quan đến sản xuất, lắp ráp xe trong nước, DN kiến nghị tiếp tục thừa nhận giấy chứng nhận linh kiện đã cấp theo quy định ECE - Ủy ban Kinh tế châu Âu và kết quả đánh giá COP đối với linh kiện để sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định đang áp dụng hiện nay mà không cần phải thử nghiệm, chứng nhận tại Việt Nam như yêu cầu trong Nghị định 116.  

QUANG HUY 

Theo PLO

largeer