Ống hút “xanh” giảm tổn hại môi trường nhưng... còn ế!

Thứ hai, 01/04/2019, 23:38 PM

Với việc phải mất hàng trăm năm để phân hủy, ống hút nhựa được xem là một trong những tác nhân hàng đầu gây nên “thảm họa môi trường”. Ý thức được điều này, nhiều cửa hàng đã thay bằng “ống hút xanh” dùng một lần như cỏ bàng, sậy, tre, bột gạo... Liệu những nỗ lực này có giúp môi trường được “xanh” hơn hay không?

Ống hút bột gạo do Công ty TNHH Thực phẩm Hùng Hậu ở thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp sản xuất có thể ăn được sau khi sử dụng. (Ảnh: Internet).

Ống hút bột gạo do Công ty TNHH Thực phẩm Hùng Hậu ở thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp sản xuất có thể ăn được sau khi sử dụng. (Ảnh: Internet).

Nỗ lực giảm “thảm họa môi trường”

Môi trường toàn cầu đang bị đe dọa nghiêm trọng. Chưa bao giờ các nỗ lực bảo vệ môi trường được lan rộng như hiện nay. Bên cạnh những nỗ lực mang tầm cỡ quốc gia như giảm lượng khí thải, bảo vệ rừng... nhiều doanh nghiệp cũng cố gắng đẩy lùi những tác nhân tác động xấu tới môi trường. Một trong những tác nhân được chú ý nhiều nhất chính là ống hút nhựa.

Ống hút nhựa được đánh giá là một trong những sản phẩm dẫn đầu danh sách gây hại cho môi trường bởi chúng được cấu thành từ vật liệu tái chế nhưng tốn quá nhiều chi phí cho việc tái sử dụng. Phải mất hàng trăm năm để một chiếc ống nhựa được phân hủy.

Trước những tác động xấu của ống hút nhựa tới môi trường, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt đang cố gắng tìm các sản phẩm thay thế. Vì vậy, “ống hút xanh” ra đời với kỳ vọng bảo vệ môi trường.

Nằm trong một ngõ nhỏ trên đường Pasteur (quận 1, TP.HCM), quầy pha chế của quán cà phê The Old Compass thay vì trưng ra ống hút nhựa để khách chọn như nhiều quán khác, nơi đây chỉ có bình ống hút inox.

Quản lý quán cho biết, quán này đã sử dụng ống hút inox từ hơn 1 năm nay, trước đó quán sử dụng ống hút giấy. Người đến quán chủ yếu là khách du lịch, họ không đòi ống hút nhựa nữa. Đây là một phần của chiến dịch “Plastics free - không dùng nhựa” của quán. Ly cà phê mang về hay túi nhựa cũng được thay bằng túi giấy, nhằm bảo vệ môi trường.

Phát triển “ống hút xanh” bằng cách khác, ông Trần Minh Tiến (huyện Đức Huệ, Long An) dùng cỏ bàng làm ống hút. Từ tháng 12/2017, ngày nào ông Tiến cũng ra đồng thu hái cỏ bàng mang về cắt khúc thành ống hút cỏ. Ngoài ống hút cỏ bàng, ông Tiến phát triển thêm loại ống hút tre được làm bằng cây trúc có sẵn tại địa phương.

Sau khi ông đăng thông tin lên website, nhiều nơi đã liên hệ đặt mua. Với ống hút cỏ, mỗi ngày ông đều ra đồng hái cỏ và giao hàng ngay trong ngày. Ống hút cỏ tươi có giá 600 đồng/ống, ống hút cỏ khô giá 1.000 đồng/ống. Tất cả đều sử dụng một lần. Riêng ống hút tre có giá 15.000-20.000 đồng/ống, có thể bảo quản và sử dụng đến 3 năm. Hơn 1 năm qua, ông Tiến đã cung cấp cho các nhà hàng, quán bar, khu nghỉ dưỡng từ Nam ra Bắc hơn 1 triệu ống hút các loại với trên 500 khách hàng lớn nhỏ.

Giống với ông Tiến, ông Triệu Xuân Bằng - Giám đốc Công ty Reedfarm Organic (quận Thủ Đức, TP.HCM) cũng phát triển ống hút xanh bằng cây sậy. Tuy nhiên, công ty này phát triển trên quy mô công nghiệp. Ông Bằng cho biết, sau khi thu gom cây sậy từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, nhà máy sẽ xử lý thành ống hút có độ dài khoảng 20cm. Mỗi tháng công ty bán ra  thị trường từ 5.000-10.000 ống hút sậy qua kênh bán lẻ. “Chúng tôi bán trong nước với giá 600-800 đồng/ống cho các nhà hàng, quán ăn. Trong nước tiêu thụ khá chậm nên doanh thu công ty chủ yếu đến từ xuất khẩu” - ông Bằng chia sẻ.

Tại thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp), Công ty TNHH Thực phẩm Hùng Hậu cho biết đã nghiên cứu và sản xuất thành công ống hút từ bột gạo với công nghệ từ Hàn Quốc. Ống hút này có thể ăn được sau khi sử dụng. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu đến Hàn Quốc và Nhật Bản, thị trường trong nước có sử dụng nhưng lượng mua không nhiều. Ông Lê Minh Tiên, một nhà phân phối ống hút bột gạo tại khu vực Sài Gòn và miền Trung cho biết, ống hút bột gạo có thể bảo quản khoảng 18 tháng, giữ trong nước lạnh được 30 phút đến 2 giờ. Mỗi kg bột gạo sản xuất được cỡ 180 ống hút. Mỗi tháng ông Tiên bán được trên dưới 3 tấn bột gạo, tương đương khoảng 500.000 ống.

Mỗi tháng, Công ty Reedfarm Organic bán ra thị trường trong nước khoảng 5.000-10.000 ống hút sậy. (Ảnh: Reedfarm Organic).

Mỗi tháng, Công ty Reedfarm Organic bán ra thị trường trong nước khoảng 5.000-10.000 ống hút sậy. (Ảnh: Reedfarm Organic).

Người tiêu dùng còn ngần ngại

Tuy nhiên con đường bảo vệ môi trường của “ống hút xanh” vẫn khá gian nan vì người tiêu dùng và các chủ cửa hàng còn khá ngại ngần với sản phẩm này. Giá bán cao là nguyên nhân chính.

Ông T., giám đốc một công ty sản xuất ống hút giấy ở quận 12 (TP.HCM) cho biết, ống hút giấy có thể giữ trong nước lạnh 24 giờ và nước nóng (40-50 độ C) khoảng 2-4 giờ. Dù tiện lợi và có ý nghĩa bảo vệ môi trường nhưng thị trường trong nước chưa phát triển nhiều. Hiện mỗi tháng công ty này bán ra khoảng 500.000 ống hút giấy, chỉ bằng 10% công suất nhà máy đã được đầu tư hàng tỷ đồng. Do đó, vị này cho biết xuất khẩu vẫn là hướng đi chính.

Ống hút giấy cũng như ống hút bằng cỏ bàng hay sậy đều đang được bán với giá 600-800 đồng/ống, tùy số lượng. Trong khi đó, bịch ống hút nhựa 1kg có khoảng 1.000 ống chỉ có giá chưa tới 100.000 đồng, tương đương 100 đồng/ống, rẻ hơn các loại “ống hút xanh” 6-8 lần. Bởi vậy mà vị giám đốc trên cho rằng, chỉ bán hàng được cho các chủ cửa hàng có ý thức bảo vệ môi trường mà chưa phát triển thị trường trong nước rộng rãi được.

Theo vị giám đốc T., hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất ống hút xanh trên quy mô công nghiệp, hy vọng giá bán sẽ giảm dần theo thời gian. “Đồng thời, khi ý thức người tiêu dùng tăng lên, ống hút xanh sẽ được tiêu thụ nhiều hơn. Thị trường ống hút xanh có thể tăng khoảng 30-50% mỗi năm trong 1-2 năm nữa” - vị này đánh giá.

Bên cạnh vấn đề giá bán, một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng còn e ngại với các loại ống hút xanh là vấn đề an toàn thực phẩm và sức khỏe. Ống hút cỏ, sậy được lấy từ tự nhiên có thể chứa mầm bệnh nếu không xử lý kỹ. Ống hút tre và inox dùng nhiều lần tạo ra tâm lý lây bệnh, không muốn xài chung đồ dùng ở những nơi công cộng.

Ông Trần Minh Tiến (Long An) cho biết cũng hiểu điều đó nên vệ sinh ống hút cỏ rất kỹ bằng bột vỏ sò điệp. Đây là loại bột rửa rau quả của Nhật. Ông Bằng - Công ty Reedfarm Organic cũng khẳng định, ống hút sậy được xử lý bằng máy hấp sấy tiệt trùng đã được kiểm nghiệm an toàn. Tuy nhiên, có vẻ những vấn đề cốt yếu này chưa được phổ biến rộng rãi nên người tiêu dùng còn e ngại.

Riêng đối với ống hút tre, chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành đánh giá, sử dụng ống hút tre không có vấn đề gì về sức khỏe cả. “Khi ống hút tre bị mốc mới có vấn đề. Người ta uống rượu cần cũng dùng ống hút tre đấy thôi. Tuy nhiên, ống hút tre cũng chỉ nên dùng 1 lần” - ông Thành nhận xét.

Empty

YẾN NHI

Theo NTD

largeer