Ông lớn trà sữa thoái lui, người tiêu dùng lợi gì?

Thứ hai, 19/08/2019, 09:24 AM

Thị trường trà sữa đang ở vào thời điểm cạnh tranh khốc liệt. Sau khi thương hiệu lớn đến từ Đài Loan (Trung Quốc) là Ten Ren phải rút lui, thương hiệu Việt Nam là Phúc Long cũng đóng hai cửa hàng ở khu vực trung tâm TP.HCM. Liệu người tiêu dùng còn mua được ly trà sữa chất lượng với giá thấp khi nhiều doanh nghiệp lớn “thoái lui”?

“Ông lớn” thoái lui

Đầu tháng 8/2019, thương hiệu trà sữa đình đám của Việt Nam là Phúc Long đã thông báo đóng cửa chi nhánh tại trung tâm thương mại SC VivoCity (Q.7, TP.HCM). Trước đó không lâu, Phúc Long cũng rút lui khỏi vị trí vàng tại vòng xoay ngã 6 Phù Đổng (Q.1, TP.HCM).

Giữa tháng 7/2019, chuỗi trà sữa Ten Ren bất ngờ thông báo ngừng toàn bộ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam kể từ ngày 15/8. Điều đáng chú ý các doanh nghiệp thoái lui này đều là thương hiệu có tên tuổi và mới tham gia thị trường gần đây.

Thương hiệu trà sữa Ten Ren có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc), được chuỗi cà phê The Coffee House mua nhượng quyền để kinh doanh gần 2 năm nay. Đến thời điểm đóng cửa, chuỗi Ten Ren có 23 cửa hàng ở TP.HCM và Đồng Nai. Ten Ren được mang về Việt Nam năm 2017, khi cơn sốt kinh doanh trà sữa lên cao.

Còn thương hiệu Phúc Long được biết đến nhiều với nguồn gốc làm trà. Ra đời từ năm 1968 nhưng đến năm 2012, Phúc Long mới mở quán trà và cà phê đầu tiên. Đối với mảng trà sữa, thương hiệu Việt Nam này cũng chỉ mới tham gia giành giật thị phần vài năm gần đây. Hầu như ở các vị trí trung tâm TP.HCM, đều có sự hiện diện của cửa hàng Phúc Long.

Trà sữa bùng phát trở thành “mốt thời thượng” của giới trẻ kể từ năm 2017. Cho đến nay, sức hút của loại đồ uống này vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel ghi nhận, trong nửa đầu năm 2019, trà sữa là thức uống được mua nhiều nhất ở khu vực TP.HCM, chỉ sau cà phê.

Dù sức hút vẫn còn, nhưng tốc độ tăng trưởng của thị trường đã chậm lại, mức lợi nhuận của các thương hiệu trà sữa cũng không cao như kỳ vọng, do cạnh tranh lớn. Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor đánh giá, giai đoạn 2014-2019, thị trường F&B Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18% năm, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng gấp đôi mỗi năm trước đó.

Số cửa hàng trà sữa tại Việt Nam hiện nay là trên con số 1.500, với khoảng 100 thương hiệu lớn nhỏ khác nhau. Phúc Long là thương hiệu xếp thứ 5 về số lượng cửa hàng dù là một trong 3 chuỗi đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Trong năm 2018, dù doanh thu đạt 470 tỷ đồng nhưng Phúc Long chỉ thu về 4,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Hiệu quả lợi nhuận/doanh thu của Phúc Long quá thấp khi ngành trà sữa được coi là siêu lợi nhuận.

Với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường hiện nay, có khả năng nhiều thương hiệu trà sữa nhỏ hoặc mới sẽ phải giảm giá để sinh tồn. Nhờ đó người tiêu dùng có thể kỳ vọng mua được thức uống này với giá tốt hơn.

Với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường hiện nay, có khả năng nhiều thương hiệu trà sữa nhỏ hoặc mới sẽ phải giảm giá để sinh tồn. Nhờ đó người tiêu dùng có thể kỳ vọng mua được thức uống này với giá tốt hơn.

Người tiêu dùng còn được hưởng lợi?

Theo chuyên gia thương hiệu Nguyễn Phi Vân, người bán có thể lời đến 40% trong một ly trà sữa được bán với giá 25.000-60.000 đồng. Vì thế, nhiều người sẵn sàng bỏ ra số vốn lớn để đầu tư. Sức hút đầu tư của ngành đã khiến một số thương hiệu bị đá ra khỏi đường đua do không gánh nổi chi phí.

Bà Võ Thị Phương Mai, Phó Giám đốc kiêm Trưởng Bộ phận Dịch vụ Cho thuê Mặt bằng bán lẻ của CBRE Việt Nam nhận định, giá thuê mặt bằng tăng cao ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh là một nguyên nhân quan trọng.

Theo khảo sát của CBRE, giá thuê tại khu vực trung tâm TP.HCM tăng trung bình 2-5%/năm, thậm chí có khu vực tăng 20-30%/năm. Vì vậy, các thương hiệu thường mong muốn có được hợp đồng thuê lâu dài từ 5-7 năm và chấp nhận mức tăng giá 10-15%/năm để giữ chỗ hoặc chấp nhận điều kiện thanh toán dài. Khi Ten Ren vừa rút lui đã có đơn vị khác nhảy vào, chỗ cũ của Phúc Long cũng vậy.

Bà Võ Thị Phương Mai cho biết, giá thuê sẽ tiếp tục tăng nhẹ vào quý 3/2019 do nhu cầu cần mặt bằng để có thể mở được cửa hàng vào dịp Noel và cuối năm. Diễn biến này cho thấy, các thương hiệu trà sữa lớn vẫn sẽ sẵn sàng trả chi phí cao để thuê được mặt bằng ở khu vực trung tâm để hút khách. Do đó, giá mỗi ly trà sữa đến tay người tiêu dùng không dễ gì giảm xuống trong thời gian tới.

Ở một góc độ khác, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, các thương hiệu trà sữa vừa qua phải “thoái lui” có phần do chưa đi đúng hướng. Chẳng hạn ngoài trà sữa, Ten Ren còn muốn bán thêm bánh. Bắt nguồn từ nghề làm trà nhưng Phúc Long bán thêm cà phê và trà sữa. Theo ông Phạm Ngọc Hưng, đối tượng khách hàng được các thương hiệu bán trà sữa hướng tới là giới trẻ. Nhóm này chưa có thu nhập ổn định cũng như khó trung thành với thương hiệu nào, nhất là trong thị trường có hơn 100 thương hiệu lớn nhỏ hiện này.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, đóng cửa chi nhánh này là để tìm nơi mở chi nhánh khác, không phải thất bại. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường hiện nay, có khả năng nhiều thương hiệu trà sữa nhỏ hoặc mới sẽ phải giảm giá để sinh tồn. Nhờ đó người tiêu dùng có thể kỳ vọng mua được thức uống này với giá tốt hơn.

 HOÀNG YẾN

Theo NTD
Từ khóa:

largeer