Petrolimex và bi kịch nhà giàu không biết tiêu tiền

Thứ hai, 04/06/2018, 17:22 PM

Có khối tài sản lên tới 64.803 tỷ đồng nhưng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lại lâm vào bi kịch nhà giàu không biết tiêu tiền. Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Petrolimex khẩn trương thực hiện việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Ngành nghề chính của Petrolimex là kinh doanh xăng dầu có nhiều thăng trầm.

Ngành nghề chính của Petrolimex là kinh doanh xăng dầu có nhiều thăng trầm.

Petrolimex là một trong những doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Petrolimex có kết quả kinh doanh “lên bổng xuống trầm”, khi lợi nhuận tăng mạnh, lúc thua lỗ trầm trọng.

Ồ ạt đầu tư ngoài ngành

Petrolimex đã và đang mắc phải “căn bệnh trầm kha” của doanh nghiệp Nhà nước: Ồ ạt đầu tư ngoài ngành. Việc đầu tư ngoài ngành với dòng vốn quá lớn và nhiều sai phạm đã khiến sức khỏe của Petrolimex có nhiều vấn đề.

Kết luận do Thanh tra Chính phủ công bố năm 2016 cho biết công ty mẹ Petrolimex đã đầu tư tài chính ngoài ngành nghề kinh doanh chính (ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản) với tổng số tiền 2.255,6 tỷ đồng. Trong đó nhiều khoản đầu tư với giá trị lớn không đúng quy định.

Dù vậy, đến nay, Petrolimex vẫn chưa khắc phục được kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Vì vậy, mới đây, Thanh tra Chính phủ một lần nữa đề nghị Petrolimex khẩn trương thực hiện việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Báo cáo tài chính quý 1/2018 của Petrolimex không cho thấy con số đầu tư ngoài ngành cụ thể nhưng dựa vào một vài doanh nghiệp lớn có thể thấy số vốn mà ông lớn ngành xăng dầu rót cho các công ty không thuộc lĩnh vực xăng dầu vẫn còn rất lớn.

Tại thời điểm cuối quý 1, rất nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản vẫn đang giữ lượng vốn rất lớn của Petrolimex. Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) là gương mặt tiêu biểu nhất khi ngốn 1.450 tỷ đồng của Petrolimex.

Hiện tại, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) đang trong quá trình thâu tóm PGBank. Tuy nhiên, thương vụ này chưa kết thúc. Trước đó, PGBank có kế hoạch sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Nhưng kế hoạch này đã bị đổ bể.

Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex cũng nắm giữ số lượng vốn rất lớn của Petrolimex. Khi bỏ ra 572 tỷ đồng, Petrolimex sở hữu tới 40,95% vốn tại công ty bảo hiểm này. Hồi đầu năm nay, cổ phần của Petrolimex tại bảo hiểm Petrolimex lên tới 601 tỷ đồng.

Bất động sản cũng là ngành thu hút được sự quan tâm của Petrolimex. Công ty Cổ phần An Phú, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Petrolimex Tradoco, Công ty Cổ phần Vườn Mekong lần lượt nhận 110 tỷ đồng, 92 tỷ đồng và 11 tỷ đồng của Petrolimex.

Đầu tư kém hiệu quả

Nhiều hoạt động đầu tư ngoài ngành của Petrolimex được Thanh tra Chính phủ đánh giá là kém hiệu quả. Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, khoản đầu tư 178,5 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex và Bất động sản Petrolimex kém hiệu quả.

Ngoài ra, có thể kể tên nhiều công ty ngoài ngành mà Petrolimex đầu tư kém hiệu quả. Đứng đầu là Công ty Cổ phần An Phú. Không rõ An Phú hoạt động thế nào nhưng tại thời điểm cuối quý 1/2018, Petrolimex dành gần 105 tỷ đồng để trích lập dự phòng cho công ty này, chiếm 95,5% vốn mà Petrolimex đã rót vào An Phú.

Ngoài ra, Petrolimex phải chi 529 triệu đồng, 507 triệu đồng và 262 triệu đồng cho các khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Vườn Mekong, Công ty Cổ phần Bất động sản Nghệ An và Công ty Cổ phần Sửa chữa ô tô Việt Nam.

Với hoạt động kinh doanh chứng khoán, Petrolimex phải chi 2,1 tỷ đồng cho khoản đầu tư trị giá hơn 6 tỷ đồng.

Không chỉ đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, đầu tư trong ngành của Petrolimex cũng gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, tổng các khoản đầu tư của Petrolimex thu về rất ít cổ tức. Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ khoản đầu tư 38,8 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Thương mại Tuyên Quang, Công ty TNHH Hóa chất PTN và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vân Phong từ năm 2010 đến thời điểm thanh tra không có cổ tức.

Tại thời điểm 31/3/2018, tổng các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Petrolimex lên đến 3.023 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 2.884 tỷ đồng hồi đầu năm. Thế nhưng, cổ tức, lợi nhuận được chia mà Petrolimex nhận được chỉ 132 triệu đồng. Như vậy, mức lãi từ hoạt động đầu tư tài chính dài hạn chỉ là con số vô cùng khiêm tốn. Đáng kể hơn, con số này cùng kỳ năm ngoái chỉ là… 0 đồng.

Vay nhiều nhưng lại... gửi tiết kiệm

Ngoài đầu tư kém hiệu quả, Petrolimex còn khiến cổ đông ngậm ngùi vì vay nợ lớn nhưng lại ôm tiền đi… gửi tiết kiệm.

Petrolimex là một trong số các ông lớn Nhà nước sở hữu nợ khủng. Cuối kỳ, tổng nợ phải trả tại Petrolimex lên đến 40.551 tỷ đồng, cao gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu tập đoàn. Trong đó, tổng nợ vay đạt 20.862 tỷ đồng, tăng mạnh so với 16.151 tỷ đồng hồi cuối năm 2017.

Số nợ khổng lồ này khiến Petrolimex phải dành 206 tỷ đồng để trả lãi vay trong quý 1/2018, tăng mạnh so với con số 141 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy, lãi vay đang ăn mòn lợi nhuận của Petrolimex, khiến lợi nhuận sau thuế quý 1/2018 của Petrolimex giảm nhẹ từ 1.106 tỷ đồng xuống 1.003 tỷ đồng.

Trong kỳ, Petrolimex đã vay thêm 4.711 tỷ đồng thế nhưng tập đoàn lại ôm 5.166 tỷ đồng mang đi gửi tiết kiệm. Kết quả là Petrolimex đã thu về khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay lên tới 144 tỷ đồng, tăng mạnh so với 92 tỷ đồng hồi cuối năm 2017.

 Vy Vy

Theo NTD

largeer