Phải cứng rắn với chung cư vi phạm PCCC

Thứ năm, 28/06/2018, 11:14 AM

Hàng trăm chung cư ở Hà Nội và TP HCM không bảo đảm an toàn PCCC vẫn cho cư dân vào ở

Theo Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội, đến đầu tháng 6-2018, trên toàn địa bàn TP Hà Nội có 89 công trình nhà cao tầng tồn tại, vi phạm về PCCC. Mặc dù Cảnh sát PCCC đã kiểm tra, công khai danh sách, yêu cầu sớm khắc phục nhưng nhiều công trình vẫn chây ì, thậm chí bất chấp nguy hiểm cho cư dân vào ở khi chưa được nghiệm thu về PCCC theo quy định.

Xem thường mạng người

Theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 26-6, nhiều công trình cao tầng được "quảng cáo" là chung cư cao cấp, đầy đủ tiện ích song việc thực hiện các yêu cầu về PCCC lại bị chủ đầu tư phớt lờ.

Hàng trăm người dân bị chủ đầu tư

Hàng trăm người dân bị chủ đầu tư "đẩy" vào sinh sống ở block A2 chung cư Topaz City (quận 8, TP HCM) khi hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu Ảnh: SỸ ĐÔNG

Mới đây, Cảnh sát PCCC Hà Nội kiểm tra Tổ hợp dịch vụ thương mại, văn hóa, thể thao, nhà ở và văn phòng cho thuê - Mandarin Garden 2 (quận Hoàng Mai) đã phát hiện hàng loạt vi phạm về PCCC. Hệ thống ngăn cháy lan, lối ra thoát nạn, hệ thống báo cháy, chữa cháy… đều chưa đáp ứng yêu cầu nhưng nhiều cư dân đã vào ở.

Trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp để bán và cho thuê Discovery Complex (quận Cầu Giấy) dù đã có một số cư dân vào ở nhưng đường giao thông nội bộ phục vụ chữa cháy quanh công trình chưa hoàn thiện, các giải pháp ngăn cháy lan chưa bảo đảm, một số căn hộ chưa lắp đủ đầu báo cháy… Cư dân nơi đây nhiều lần kiến nghị lên chủ đầu tư nhưng việc khắc phục luôn chậm trễ.

Công trình Tổ hợp nhà ở, văn phòng làm việc và dịch vụ Tabudec Plaza (huyện Thanh Trì) cũng có những vi phạm tương tự. Ngoài ra, hàng loạt công trình cao tầng khác đã đưa vào sử dụng trong khi vi phạm nghiêm trọng về PCCC.

Tại TP HCM, sáng 26-6, thang máy chung cư Topaz City (đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8, TP HCM) bỗng dưng ngừng hoạt động còn quạt hút gió thì chạy vù vù. Cư dân cho biết đây là dấu hiệu hệ thống báo cháy của chung cư báo hiệu có sự cố liên quan đến cháy nổ. Khi chuông báo cháy vang lên, lập tức bảo vệ tòa nhà ngắt chuông. Nếu có cháy thật, bảo vệ mới chạy xuống mở chuông báo cháy. Còn ở block A2 phía đối diện, cư dân phải chấp nhận sống trong điều kiện không có hệ thống PCCC và những tầng trên vẫn còn đang thi công.

Tương tự, ở chung cư Ngọc Phương Nam (quận 8) gần 2 năm qua chưa nghiệm thu hệ thống PCCC. Hậu quả là tháng 2-2018, một căn hộ bị cháy ở phòng bếp nhưng hệ thống báo cháy hoàn toàn im lặng cho đến khi khói bốc nghi ngút ra bên ngoài thì bảo vệ mới phát hiện và dập tắt.

Chây ì khắc phục

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy - Cảnh sát PCCC Hà Nội, cho biết trong số các chung cư khó có khả năng khắc phục thì có 8 chung cư chủ đầu tư đã trình hồ sơ luận chứng lên Cục Cảnh sát PCCC - cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) và Bộ Xây dựng về các giải pháp áp dụng thay thế; 3 công trình chủ đầu tư đã tự điều chỉnh quy mô, công năng sử dụng để đáp ứng yêu cầu và một số công trình chây ì không khắc phục.

Theo đại tá Vụ, một trong những giải pháp cứng rắn trước việc chủ đầu tư "chây ì" khắc phục là chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở Xây dựng không cấp phép xây dựng khi công trình chưa được cơ quan Cảnh sát PCCC cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC; không nghiệm thu và cấp văn bản nghiệm thu chất lượng công trình khi chưa được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC.

Cảnh sát PCCC TP HCM cho biết sau khi xảy ra vụ cháy chung cư Carina, lực lượng chức năng đã rà soát và ghi nhận có 8 chung cư chưa hoàn thành nghiệm thu PCCC nhưng đến nay vẫn còn 7 chung cư chưa khắc phục. Đối với những chủ đầu tư chây ì, Cảnh sát PCCC sẽ xem xét chuyển cơ quan công an để xử lý trách nhiệm hình sự.

 Trong khi đó, đại diện Sở Xây dựng TP khẳng định từ sau các sự cố cháy nổ chung cư đến nay, công tác giám sát khâu xây dựng được bảo đảm chặt chẽ. Sở cam kết không để tồn tại chung cư mới nào có hệ thống PCCC chưa hoàn thiện mà đưa dân vào ở. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đã báo cáo, kiến nghị UBND TP đề xuất tăng mức phạt đối với chủ đầu tư vi phạm PCCC mà không chịu khắc phục.

Chủ đầu tư sai, cư dân chịu

 Trước những vi phạm mang tính chất hệ thống, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng đề nghị không cung cấp điện, nước cho các tòa nhà không bảo đảm an toàn PCCC. Đối với công trình Mandarin Garden 2 với hàng loạt vi phạm nêu trên, Cảnh sát PCCC đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc cho cư dân vào ở. Còn công trình Discovery Complex, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cho biết sau khi lực lượng PCCC có yêu cầu, đơn vị đã ra văn bản tạm ngừng cấp nguồn nước sinh hoạt.

 Trong khi đó, một số người dân đang ở chung cư cho rằng cơ quan chức năng phải có biện pháp cứng rắn với chủ đầu tư, nếu cắt điện, nước thì cư dân sẽ bị ảnh hưởng trước tiên.

 GÓC NHÌN

 Để dân đối đầu "bà hỏa"

 Yêu cầu cắt điện, nước các chung cư vi phạm phòng cháy chữa cháy (PCCC) - Cảnh sát PCCC Hà Nội đến nay chỉ làm được đến vậy đối với những chủ đầu tư xem thường sinh mạng người dân.

 Nói về hiệu quả cách làm này, một cư dân của "chung cư sống cùng bà hỏa" nói: "Cắt điện, nước thì chúng tôi càng khó khăn chứ không tác động gì được chủ đầu tư. Hãy xử lý người làm sai, còn chúng tôi là nạn nhân". Họ đã mua nhà và dọn đến ở. Dời đi nơi khác thì không có khả năng nên đành chấp nhận sống cùng mối nguy hiểm luôn chực chờ. Chuyện các cư dân làm được là tố cáo chủ đầu tư vô trách nhiệm và nhờ cơ quan chức năng can thiệp và... chờ.

 Trước đó, UBND Hà Nội và TP HCM đã chỉ đạo phải kiên quyết xử lý rốt ráo những chủ đầu tư vi phạm công tác PCCC, triệt để khắc phục những sai phạm để bảo đảm an toàn cho người dân. Hơn 3 tháng sau vụ cháy kinh hoàng chung cư Carina (quận 8, TP HCM), tình trạng mất an toàn cháy nổ chung cư vẫn chưa thay đổi triệt để. Một số chủ đầu tư vẫn thản nhiên trước bao lời cảnh báo của cư dân và phớt lờ chỉ đạo của các cơ quan chức năng. Mà những chung cư vi phạm ở đâu cũng có, riêng Hà Nội điểm mặt 89 tòa nhà, TP HCM cũng nhiều không kém. Cả vạn người đang sống trong nguy hiểm.

 Hàng loạt vấn đề khó hiểu trong việc xử lý các chung cư mất an toàn đến nay không có lời giải đáp: Tại sao Cảnh sát PCCC chưa xử lý các chủ đầu tư sai phạm? Vì điều gì các cơ quan chức năng không quyết liệt bảo vệ sự an toàn cho các cư dân? Chỉ đạo của UBND Hà Nội và TP HCM bị "nghẽn" ở đâu, ai chịu trách nhiệm?... Công tác PCCC liên quan đến sinh mạng của người dân nhưng ngay cả phòng ngừa cũng bế tắc đủ đường thì làm sao an tâm được. Bài học đau xót của vụ cháy chung cư Carina còn nóng hổi nhưng tinh thần phục vụ người dân, trách nhiệm với công việc được giao dường như đã nguội lạnh.

 Một vấn đề khác cần phải đặt ra để bảo vệ người dân chính là truy rõ trách nhiệm và xử lý cụ thể từng cá nhân, cơ quan liên quan đến việc bảo đảm an toàn cho cư dân tại các chung cư hiện nay. Khi sự cố xảy ra, chủ đầu tư hiển nhiên là người chịu trách nhiệm chính nhưng phải truy được cơ quan cấp phép xây dựng hệ thống PCCC không đúng thiết kế, đơn vị kiểm tra, nghiệm thu công trình và cả cơ quan thiếu kiên quyết xử lý sai phạm. Sau các vụ cháy các tòa nhà gây chết người trong thời gian qua, các cơ quan liên đới trên hầu như chẳng bị đả động tới ngoài việc rút kinh nghiệm, phê bình qua loa. Mà thực tế, khi đã cháy rồi thì ngay cả việc tìm nguyên nhân còn khó chứ nói gì lần được dấu vết trách nhiệm của cơ quan hữu trách.

 Cắt điện, nước chỉ là cách "chữa cháy" cho sự thất bại trong quyết tâm dẹp các chung cư mất an toàn cháy nổ. Việc làm này cũng đồng nghĩa đẩy người dân vào thế chấp nhận mạo hiểm sinh mạng của mình cho "bà hỏa" mà chẳng kêu ca được gì.

 Hồ Phi

Minh Chiến - Sỹ Đông - Lê Phong

Theo NLĐ

largeer