Phát huy năng lực người học ở đại học ngoài công lập

Thứ năm, 04/01/2018, 10:32 AM

Nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề sống còn đối với các trường đại học ngoài công lập. Theo đó, một trong những yêu cầu quan trọng là đổi mới phương pháp giảng dạy, xóa bỏ phương pháp lạc hậu, thụ động, thực hành hiệu quả các phương pháp tiên tiến, giảng dạy nhằm phát huy năng lực người học.

Những vấn đề này được trao đổi tại hội thảo khoa học "Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực người học tại các cơ sở đào tạo ĐH ngoài công lập" do Trường ĐH Đại Nam tổ chức.

Người thầy phải muốn làm và biết làm

GS.TS Nguyễn Đình Cống (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) khi nhấn mạnh vai trò của giảng viên cho rằng: Người thầy phải nhận thức về sự cần thiết và tinh thần muốn làm. Nếu thầy cô không tự thấy được thì lãnh đạo phải tìm cách giúp họ. Thấy được sự cần thiết và quan trọng rồi thì cần phải biến nhận thức thành lòng mong muốn. Muốn rồi thì phải biết làm - đây là việc khó.

"Thầy cô không thể giảng dạy để phát huy năng lực người học khi bản thân không có năng lực đó ở mức cao. Làm sao để có được năng lực đó? Trước hết là tự học, tự tìm tòi, nghiên cứu. Để hỗ trợ thầy cô, nhà trường có thể mở một số lớp huấn luyện, một số buổi trao đổi kinh nghiệm" - GS.TS Nguyễn Đình Cống gợi ý.

Tuy nhiên, không thể hy vọng vào việc chỉ nghe qua vài báo cáo, vài tham luận, vài kinh nghiệm của người khác mà có thể có ngay phương pháp giảng dạy phát huy năng lực. Nhấn mạnh điều này, GS.TS Nguyễn Đình Cống đưa một số gợi ý về việc hình thành kỹ năng suy nghĩ, cách dạy người khác suy nghĩ, cách học suy nghĩ:

Trước hết, người dạy phải là người biết suy nghĩ, thành thạo các phương pháp và nguyên tắc của tư duy, hàng ngày quen với sự suy nghĩ.

Sự suy nghĩ bắt đầu tư khi soạn bài, khi chuẩn bị lên lớp; thể hiện bằng việc tự đặt câu hỏi và trả lời các câu hỏi: mục tiêu là gì; yêu cầu như thế nào; bản chất và trọng tâm ở đâu; liên quan tới cái gì; khái niệm nào là mới, khó với người học; chỗ nào cần nhấn mạnh, cần giảng kỹ; mở đầu thế nào để gây chú ý và lôi cuốn...

Hướng dẫn sự suy nghĩ cho người học chủ yếu cũng bằng các câu hỏi, gợi ý và bằng sự khuyến khích người học nêu câu hỏi đi sâu vào bài học. Những câu hỏi có thể được đặt ra tùy vào hoàn cảnh cụ thể, nhưng nên thường chuẩn bị trước khi lên lớp.

"Người ta thường chỉ phát sinh câu hỏi, chỉ suy nghĩ khi gặp phải tình huống có vấn đề. Vậy người dạy phải biết cách, biết nghệ thuật đưa người học vào tình huống đó, có thể gợi ý để người học suy nghĩ, trả lời. Cũng có thể chỉ cần nêu câu hỏi để mọi người suy nghĩ mà không cần người học trả lời tại lớp; người dạy sẽ đưa ra câu trả lời sau khi người học đã ý thức được, đã có suy nghĩ rất nhiều về nó" - GS.TS Nguyễn Đình Cống chia sẻ thêm.

Từ thực tế giảng dạy, ThS Nguyễn Thị Thanh Xuân (Trường ĐH Đại Nam) chia sẻ kinh nghiệm: So với phương pháp yêu cầu sinh viên ghi nhớ các con số, dữ kiện thông tin và học thuộc giáo trình, phương pháp tập trung vào việc giúp sinh viên tìm ra kiến thức cốt lõi trong chương trình hiệu quả hơn nhiều.

Bên cạnh đó, việc xác định lấy sinh viên làm trọng tâm yêu cầu giảng viên phải thiết kế bài giảng phù hợp, tạo hứng thú cho người học để họ tự học, tự nghiên cứu. Mỗi bài giảng phải có sự tương tác giữa giảng viên - sinh viên. Buổi học còn là nơi sinh viên trao đổi, trình bày chủ đề, những vấn đề mới...

Liên quan đến nâng cao năng lực giảng viên, NCS.ThS Phùng Thị Trung (Trường ĐH Đại Nam) cho rằng: cơ sở đào tạo cần xây dựng một bộ năng lực tối thiểu cho giảng viên. Trên cơ sở bộ năng lực này, nhà trường xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ bằng cách kết hợp các loại hình đào tạo khác nhau để phát triển đội ngũ; có các thang đo tiêu chuẩn về năng lực của giảng viên, kiểm tra mức độ đạt chuẩn đến đâu.

Năng lực giảng viên cần được đánh giá qua kết quả đầu ra của sinh viên có đáp ứng các chuẩn đầu ra của nhà trường và yêu cầu xã hội hay không...

Empty

Đổi mới phương pháp học của sinh viên là then chốt

Chia sẻ về đổi mới phương pháp học tập của sinh viên, PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) nhấn mạnh: tự học là nhân tố quyết định tới chất lượng đào tạo. Phương pháp tự học là một khoa học về nhận thức và tư duy, đó là một bộ phận hình thành nên nhân cách hoàn chỉnh của sinh viên sau quá trình đào tạo.

Sinh viên có thể vận dụng những kỹ năng tự học như đọc sách, tư duy phán đoán, trao đổi theo nhóm, khảo sát thực tiễn, tham khảo ý kiến chuyên gia, viết bài... Mỗi kỹ năng đều giúp sinh viên hiểu được kiến thức cơ bản và vận dụng trong thực tế như thế nào để đạt kết quả cao nhất. Để đảm bảo kết quả tự học tốt cần có trao đổi theo nhóm, hướng dẫn của thầy.

"Thực tế, nhiều sinh viên tự học một cách qua loa, chưa hiểu được bản chất của vấn đề nghiên cứu, nên thời gian qua đi là quên hết. Do vậy, đổi mới phương pháp học tập của sinh viên là vấn đề then chốt, quyết định sự thành công của chất lượng đào tạo đại học" - GS.TS Nguyễn Đình Cống nêu quan điểm.

Bên cạnh phương pháp học tập của sinh viên, để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, GS.TS Nguyễn Đình Cống cho rằng, cần đổi mới đồng bộ về nội dung, chương trình đào tạo; phương pháp giảng dạy; phương pháp kiểm tra, đánh giá. Quá trình đổi mới đó phải thực hiện đồng bộ, trong thời gian đầu cần quán triệt mục tiêu phi lợi nhuận để xây dựng thương hiệu, tạo ra sản phẩm đào tạo có chất lượng.

"Trách nhiệm của người học là chủ động, tích cực, năng động, tự giác trong việc học. Vậy làm sao để nâng cao nhận thức, tinh thần, phương pháp của người học. Đây là vấn đề lớn thuộc lĩnh vực tâm lý sư phạm, thuộc công tác tư tưởng mà nhà trường cần hướng vào để người học muốn học, biết học và có thể học có hiệu quả nhằm phát huy năng lực tiềm ẩn của họ". GS.TS Nguyễn Đình Cống

Hiếu Nguyễn

Theo GD&TĐ

largeer