Phong vị cũ đâu rồi?

Thứ năm, 15/02/2018, 14:30 PM

Dạo trước, năm mới có mấy đứa em về nhà dưới quê ăn Tết với má tôi nên chiều 25-26 tháng chạp, tôi xẹt về lo tảo mộ ông bà, "chỉ huy" chúng dọn dẹp nhà cửa, lau chùi lư hương, sửa soạn bàn thờ. Xong đâu đấy, tôi lại phóng xe lên Sài Gòn. Khoảng mùng 7, tôi lại trở ngược về quê ăn Tết muộn

Có năm, nhà neo người, mấy đứa em cũng bận việc riêng không về được, một mình tôi lo ngần ấy công việc trước Tết, nấn ná lắm cũng đến chiều 28-29 mới vội vã lên Sài Gòn. Khi ấy, người xa quê từ Sài Gòn lại lũ lượt bằng mọi phương tiện trở về quê.

Những ngày trước và trong Tết, Sài Gòn thật vắng vẻ, đường phố ít xe cộ, lưu thông thoải mái hơn. Mọi thứ chuẩn bị cho 3 ngày Tết đều có thể mua ở chợ, nhà cửa ít dọn dẹp, chỉ có dạo chợ hoa, xem triển lãm cây cá cảnh trong Hội Hoa Xuân Tao Đàn. Đợi tối 30 đón giao thừa, sáng mùng 1 nằm nhà đọc lai rai mấy tờ báo Xuân. Nhưng ăn Tết ở Sài Gòn cảm nhận với tôi là một không khí buồn buồn, thiếu vắng, ghẻ lạnh. Tôi trông cho hết 3 ngày Tết để mọi sinh hoạt trở lại bình thường, tiếp tục "đi cày" cho một năm mới.

Năm nay, tôi quyết ăn Tết dưới quê để đổi không khí. Khác với người thành phố, người quê Nam Bộ không có lệ cúng giao thừa, chỉ có cúng rước ông bà sáng hoặc chiều 30 Tết, tối 30 chỉ để ngủ, có nhà lại ngủ rất sớm, má tôi cũng thế. Trong căn nhà vắng, rộng thênh, tôi ngồi nhìn lên bàn thờ ông bà, đầy đủ mâm ngũ quả theo kiểu truyền thống: cầu, dừa (vừa), đủ, xài (xoài). Lẽ ra có thêm trái sung mới gọi là "ngũ" nhưng chợ quê tôi làm gì có bán trái sung. Cây này cũng ít người trồng, quanh khu vực tôi ở hầu như đã tuyệt chủng.

Tôi lại tự hỏi mâm ngũ quả ngày Tết chưng trên bàn thờ ông bà là ước nguyện của gia chủ - có tính cách khiêm nhường của người quê, thế thì tại sao lại có trái sung? Bởi lẽ, đã sung thì không chỉ cầu, dừa (vừa), đủ, xài (xoài). Nhưng thôi, không ngũ quả thì thành tứ quả có lẽ cũng không sao, chắc ông bà mình không chấp nhứt điều này.

Ngoài mâm ngũ quả, trên bàn thờ ông bà tất nhiên không thể thiếu bình hoa vạn thọ, bình hoa mai. Hoa vạn thọ mua ở chợ, má tôi rất thích chưng vì… mong được sống lâu. Thế nhưng, vạn thọ bây giờ không còn nét hoa truyền thống mà là vạn thọ lai, bông vàng rất to, nếu gọi chính xác là cúc vạn thọ. Còn hoa mai thì dễ rồi, trong vườn và dọc tường rào nhà tôi có mấy cây. Năm nay, cây mai ở góc vườn nở hoa đầy cành, vàng rực, tuyệt đẹp. Tôi cắt mấy nhánh mai trong vườn nhà cắm vào chiếc bình gốm giả cổ. Có những nụ mai dường như chờ tới giờ giao thừa để bừng nở. Tự nhiên, tôi thấy những nụ mai như có sự hiển linh vào thời khắc thiêng liêng này.

Hồi còn nhỏ, đêm 30 Tết tôi nằm bên má, nghe kể nửa khuya là thời khắc giao thừa, người lớn tuổi thường thức canh xem con gì kêu. Năm nào mà con chim cú kêu thì sẽ rất xui. Nhưng làm sao tôi thức đến nửa khuya được, vì chỉ nghe má kể chuyện một lúc là đã ngủ? Trong giấc ngủ tuổi thơ đêm trừ tịch ấy, tôi vẫn còn nhớ như in tiếng gió xào xạc lướt qua bên hè nhà. Gió này gọi là gió giao mùa, gió bấc.

Bây giờ đã hơn nửa đời người, tôi mới có dịp cảm nhận một cái Tết quê thật sự khi chỉ một mình thức đợi giao thừa trong tâm trạng bồi hồi nhớ lại tuổi ấu thơ ngày xưa, cố ý đợi xem con chim gì bay qua trời rộng, cất tiếng kêu giữa đêm trừ tịch. Nhưng chỉ là một không gian hoàn toàn yên tĩnh, tôi nghe được tiếng gió đi ngoài cửa và tiếng pháo bông nổ bụp bụp trong tivi theo cầu truyền hình trực tiếp vào thời điểm giao thừa khắp nơi.

Nếu ở thành phố, sau giờ giao thừa, nhiều người đổ ra đường hướng về các ngôi chùa để xin lộc đầu năm. Người ta tranh nhau bẻ cây. Bất cứ cây nhỏ hay cây lớn đều trở thành "lộc" và người ta tranh nhau bẻ không thương tiếc. Mỗi người cầm một "cành lộc" hí hửng mang về nhà nên chỉ sau một đêm "hái lộc" thì cây cối, hoa lá trong chùa bị vặt trơ trụi. Chẳng biết người bẻ cây mang về nhà "có lộc" hay không nhưng chắc chắn một điều, nhà chùa sẽ phải mất rất nhiều công sức để trồng lại. Ở quê tôi không có việc hái lộc trong đêm giao thừa dù vẫn có nhiều người đi chùa.

Năm nay, bỗng dưng tôi lại muốn hái lộc trong vườn nhà mình. Thế là sau giờ giao thừa, khi tiếng pháo bông lụp bụp trên sóng truyền hình trực tiếp nhỏ dần rồi dứt hẳn, tôi vội tắt tivi, cầm cây đèn pin và cây kìm bấm ra góc vườn, chỗ cây mai cổ thụ đang nở hoa rực rỡ, lựa ngay một cành nhiều nụ, nhiều lá non xoén một cái. Cầm "cành lộc" vào nhà, tôi cho vào chiếc bình thủy tinh và ngồi ngắm. "Cành lộc" năm nay của tôi rất đẹp, lại hái trong vườn nhà chẳng ảnh hưởng tới ai. Chỉ tội cho ông bạn "lão mai" bao nhiêu năm nay đứng ở góc vườn báo tin Xuân đã mất đi một cành. Người vui vì "có lộc" nhưng liệu cây có vui?

Dù ăn Tết ở thành phố hay ở quê, tôi đều cảm nhận cái Tết ngày càng bớt thiêng liêng. Thủ tục đón Tết, ăn Tết cũng bớt câu nệ, rườm rà. Bây giờ Tết ở quê, những loại bánh trái đặc trưng bán đầy chợ, cửa hàng tạp hóa. Mọi nhà lo Tết đỡ cực nhọc hơn, không còn cảnh thức khuya, dậy sớm ì ạch với cái cối xay bột để cán bánh tráng, tiếng chày cụp cum quết bánh phồng.

Ngay như bánh tét là loại không thể thiếu để người người, nhà nhà cúng mùng 3 Tết cũng có thể mua ở chợ; không còn cảnh các mẹ, các chị, các em vất vả ngâm nếp, làm nhưn, gói bánh. Như thế, cái thú vui đêm 30 Tết thức canh nồi bánh tét nấu lò ông Táo ngoài sân, đợi bánh chín vớt ra thưởng thức mùi thơm bay đầy trong không gian cũng không còn nữa…

Với những thứ cây trái, mùa màng, hương vị, hồn vía rất đặc trưng của ngày Tết dần dần bị máy móc hóa, công nghiệp hóa. Con người cũng cảm thấy ngày Tết mất dần sự gần gũi, chân tình, đậm đà bản sắc và tình tự quê hương, cho dù là ăn Tết ở quê nhà.

 TỪ KẾ TƯỜNG

Theo NLĐ

largeer