“Phượt”: Trào lưu mới của giới trẻ

Thứ ba, 05/06/2018, 14:48 PM

Những năm gần đây trào lưu du lịch khám phá tự phát được gọi tắt là “phượt” được phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng người trẻ. Bên cạnh những ý nghĩa tích cực mà “phượt” mang lại, nhiều bạn trẻ lại biến tướng loại hình du lịch này khiến không ít người ái ngại khi nhắc đến 2 từ “phượt thủ”.

Trào lưu mới của giới trẻ

Trào lưu du lịch “phượt” hay du lịch “bụi” được hình thành và phát triển mạnh mẽ trong giới trẻ những năm gần đây. Đó là những chuyến đi đầy ngẫu hứng của một người hay một nhóm bạn có cá tính mạnh mẽ, thích khám phá, tìm tòi thế giới xung quanh. Những người tham gia vào chuyến đi đó người ta tạm gọi họ là “phượt thủ”.

Thông thường, hành trang của mỗi chuyến “phượt” chỉ gói gọn trong chiếc ba lô: một vài bộ quần áo, một ít lương khô, một số tiền nhất định, một số đồ dùng cá nhân, thế là có thể “xách balo lên và đi”. Xe máy là phương tiện di chuyển được đa số bạn trẻ sử dụng cho chuyến đi “phượt” của mình vì tính cơ động và có thể phóng tầm mắt đi xa ngắm núi nhìn sông, cảm nhận trực tiếp được trời và đất .

Đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai) một trong những cung đường đèo thu hút nhiều “dân phượt” khám phá (nguồn:Gody)

Đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai) một trong những cung đường đèo thu hút nhiều “dân phượt” khám phá (nguồn:Gody)

Mỗi chuyến đi đều do “phượt thủ” tự tìm hiểu rồi lên lộ trình khám phá những vùng đất mới mẽ, những kỳ quan đặc sắc, hay tới những vùng núi non hiểm trở. Cũng có khi, chuyến đi đó lại không có lịch trình cụ thể, chẳng có người dẫn đường, cũng chẳng có bất kỳ một dịch vụ nào, chỉ là đi bằng sự tò mò, bằng tất cả niềm đam mê khám phá. Chuyến đi đó được những trong cuộc gọi là “hành trình đi tìm tự do”, bỏ lại thành phố những ồn ào náo nhiệt, mệt mõi vì công việc, áp lực vì học hành. Chính vì vậy thời gian mỗi chuyến đi có giới hạn hoặc không giới hạn ngày về, đi tới chán thì mới “thèm được về nhà”.

Những nguy hiểm rình rập

Một cú click chuột trên công cụ tìm kiếm Google sẽ ra hàng trăm kết quả về hội, nhóm “phượt”. Cộng đồng “phượt’ ngày càng tăng nhanh về số lượng, không một ai có thể kiểm soát được. Hàng ngày, hàng tuần các hội, nhóm “phượt” tự phát kêu gọi các thành viên tham gia đoàn phượt, nhất là dịp nghĩ lễ hoặc là ngày cuối tuần.

Không chỉ là người quen biết, mà các phượt thủ sẳn sàng trao đổi, hẹn hò, cùng bàn kế hoạch chuyến đi với những người hoàn toàn xa lạ. Đa số các bạn trẻ hiện nay không trang bị cho mình những kỷ năng sinh tồn cần thiết, nhưng cứ thích là đi, không lường trước những hiểm họa đang rình rập trên đường. Và cái giá phải trả cho “hành trình đi tìm tự do” không phải là rẻ. Có nhiều người ra đi và mãi mãi không về.

Mới gần đây nhất, cộng đồng “phượt” thương tiếc trước sự ra đi của một nam thanh niên khi khám phá cung đường Tà Năng (Lâm Đồng)-Phan Dũng (Bình Thuận). Cũng tại cung đường này trước đó không lâu, một nữ phượt thủ cũng phải nằm lại với rừng thiêng nước độc khi đang vượt suối. Đã có không ít sự cố đáng tiếc trên con đường mệnh danh trekking đẹp nhất Việt Nam, khiến không ít người lo ngại.

Cắm trại trên đỉnh Tà Năng-Phan Dũng (nguồn: Yến Nguyễn)

Cắm trại trên đỉnh Tà Năng-Phan Dũng (nguồn: Yến Nguyễn)

Mỗi hành trình đi “phượt” đều phải được trang bị đầy đủ cả về sức khỏe và kỹ năng, tuyệt đối không đi phượt nếu chưa sẵn sàng. Một cô gái trẻ trong hành trình chinh phục miền cực Đông (Mũi Đôi, Khánh Hòa) của Tổ Quốc vì kiệt sức mà cô không thể đi tiếp cuộc hành trình, phải nằm lại nơi hoang vu, lạnh lẽo.

Rất nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm trên các cung đường của các phượt thủ. Điển hình như 2 bạn trẻ đi xe phân khối lớn chạy từ Phong Nha về Đồng Hới (Quảng Bình) để nghỉ ngơi thì đâm vào dải taluy ven đường, cả 2 người mãi mãi không về đến đích 

Bạn Nguyễn Đức Mận (Đại Lộc, Quảng Nam) chia sẻ: “Trong những chuyến đi phượt của mình, có lẽ lần đi Đà Lạt- Nha Trang là mình nhớ đời nhất. Hôm đó, trời vừa sáng mình đưa người yêu về Khánh Hòa chơi. Khi đi đến đoạn cua Đá Đen (đèo Khánh Vĩnh), thì sương mù dày đặc, đây là cung đường mình rất quen thuộc, hiểu rõ nguy hiểm nên mình đi rất chậm nhưng không hiểu vì sao lại đâm vào dãy taluy ven đường. Cả 2 người ngã ra đường thì có chiếc xe khách lao tới. May mà không ai bị thương, đến bây giờ nghĩ lại còn cảm thấy rùng mình”.

Ngoài những nguy hiểm trên còn có một nguy hiểm mà các nữ “phượt thủ” luôn phải đối mặt đó là quấy rối tình dục, gạ tình trên đường đi. Những cặp xế-ôm đồng hành trên mỗi cung đường, họ giúp đỡ nhau những lúc mệt mỏi, cười đùa vui vẻ khiến họ nhanh chóng thân thiết. Nhưng cũng vì vậy giúp cho những “kẻ xấu” lợi dụng để gạ tình, sàm sỡ, thậm chí là làm chuyện đồi bại với bạn phượt.

 Những ý kiến trái chiều về du lịch “phượt”

Trào lưu “phượt” mới xuất hiện gần đây nhưng thu hút rất nhiều bạn trẻ. Vì bản chất “phượt” là đem đến cho con người sự khoái cảm, bỏ mặc tất cả những mệt mỏi lo âu của thường ngày để có thể cảm nhận, khám phá về cảnh đẹp đất nước, về văn hóa, con người xung quanh. Giúp các bạn trẻ khám phá chính bản thân mình, rèn luyện đức tính tự lập với ý chí kiên cường rắn rỏi, tạo tính đoàn kết cùng nhau vượt qua mọi khó khăn.

Thông thường, kết hợp với những chuyến đi để trải nghiệm bản thân, đó là các chương trình từ thiện giúp đỡ người dân địa phương đang gặp khó khăn khi họ đi đến những vùng núi xa xôi héo lánh, quyên góp sách vở cũ, quần áo, cho các em nhỏ. Hay là hình ảnh hơn 400 thành viên của nhóm “ Ờ Phượt” đã tham gia chiến dịch ý nghĩa dọn rác ở các cung đường lên xuống núi Bà Đen (Tây Ninh). Những hình ảnh đẹp đó luôn lưu giữ trong lòng người dân.

Các bạn trẻ dọn rác tại núi Bà Đen (Tây Ninh) (nguồn:Minh Hòa)

Các bạn trẻ dọn rác tại núi Bà Đen (Tây Ninh) (nguồn:Minh Hòa)

Tuy nhiên bên cạnh đó, không ít bạn trẻ có suy nghĩ lệch lạc về “phượt” và đã biến tướng loại hình du lịch này, khiến nhiều người ái ngại khi nhắc đến 2 từ “phượt thủ”.

Mới gần đây, trên mạng xã hội tràn ngập hình ảnh một nhóm phượt thủ cả nam lẫn nữ trải bạt, đắp chăn ngủ ngay khúc cua trên đèo Tà Pao (Bình Thuận) khiến người dân phản ứng dữ dội. Việc làm này hết sức nguy hiểm, không những coi thường tính mạng của mình mà còn gây nguy hiểm cho người khác.

Một số bạn trẻ ngủ trên đường đèo Tà Pao (Bình Thuận) (nguồn: Vũ Thạch)

Một số bạn trẻ ngủ trên đường đèo Tà Pao (Bình Thuận) (nguồn: Vũ Thạch)

Hay xuất hiện một đoạn clip quay lại cảnh một nhóm bạn trẻ dẫm đạp lên đàn bướm trắng tại rừng Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) khiến cộng đồng mạng phẫn nộ.

Thời gian qua, nhiều vụ việc không mấy đẹp mắt liên quan đến các bạn trẻ tự xưng “dân phượt” như bẻ hoa nơi tham quan, xả rác bừa bãi, hát hò, nhảy múa giữa đường cản trở giao thông, và còn rất nhiều vụ việc làm hình ảnh của “phượt thủ” xấu đi trong mắt mọi người.

Hãy du lịch "phượt" theo đúng nghĩa, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt sẽ tạo nên những chuyến đi đầy trải nghiệm nhưng không mạo hiểm, giúp mỗi người làm mới lại mình, thay đổi không khí và nạp thêm năng lượng sống. Những sự cố trên hành trình phượt trong thời gian qua có nguyên nhân từ sự thiếu kinh nghiệm, đơn giản trong khâu tổ chức, cũng như tùy tiện trong việc lựa chọn bạn đồng. Hy vọng rằng, sau những tai nạn đáng tiếc, cộng đồng "phượt" sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá, để mỗi chuyến đi thật sự an toàn, vui vẻ và ý nghĩa.

Minh Lệ

Theo NTD

largeer