“Quà tặng trăm năm” cho các lãnh đạo APEC

Thứ hai, 19/02/2018, 19:02 PM

Làng gốm Biên Hòa nằm dọc theo bờ sông Đồng Nai có lịch sử hơn trăm năm đã sản sinh ra những người con tài hoa dấn thân vào một "ngõ hẹp" của nghề gốm, sáng tạo nên bộ tranh ghép gốm "quà tặng trăm năm" dành cho lãnh đạo các nền kinh tế tham dự APEC tại Việt Nam năm 2017.

Hoạ sĩ Mai Nhơn vẽ Trấn Biên - bức sơn dầu khổ lớn đang được treo tại trụ sở Quốc hội Việt Nam (Hà Nội).

Hoạ sĩ Mai Nhơn vẽ Trấn Biên - bức sơn dầu khổ lớn đang được treo tại trụ sở Quốc hội Việt Nam (Hà Nội).

Món quà hiếu khách mang tâm hồn Việt

Chúng tôi đã gặp ông Mai Nhơn, tên thật là Mai Văn Nhơn – tác giả chính của các bức tranh ghép gốm. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên, ông không chỉ là một họa sĩ mà còn là một nhà quản lý đầu ngành của tỉnh Đồng Nai – Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp, một chuyên gia trong lĩnh vực mời gọi đầu tư nước ngoài và đang quản lý hơn 1.500 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai.

“Năm 2006, tôi tham dự kỳ họp APEC với tư cách là Phó Giám đốc Sở Thương mại – Du lịch Đồng Nai. Năm đó, APEC tổ chức ở Hà Nội và món quà tặng cho các lãnh đạo là một bộ tranh đá. Đó là một trong những gợi ý dẫn tôi tới ý tưởng thực hiện bộ tranh này. Năm 2010, tôi vinh dự là họa sĩ trực tiếp thực hiện trích đoạn tranh gốm trang trí của tỉnh Đồng Nai tại dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng - được Tổ chức Guinness thế giới công nhận là bức tranh tường dài nhất thế giới. Bộ tranh ghép gốm chân dung các vị lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017 gồm 21 bức (45cmx60cm) thai nghén từ đó”.

Theo ông Mai Nhơn, để có 21 bức tranh thành phẩm, ông đã thực hiện gần gấp đôi số lượng như thế. Nhiều vị có đến hai bức ghép gốm hoàn chỉnh và nhiều bức phác thảo sơn dầu. Những bức khắc họa được tính cách nhân vật tốt nhất đôi khi lại không thể hiện nhân vật trong tư thế uy nghiêm của một nhà lãnh đạo. Ông đã tự chọn mẫu, nghiên cứu nhân vật, phác thảo chi tiết như một bức sơn dầu hoàn chỉnh, tách mảng, tách màu, tính toán màu men cần thiết và thực hiện ghép gốm. Ông gọi đó là quy trình sáng tạo hai lần.

Tranh ghép gốm chân dung Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tranh ghép gốm chân dung Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Không giống như vẽ sơn dầu, có cọ, màu, “toan” để thể hiện bức tranh, người họa sĩ làm tranh ghép gốm phải dùng kềm thay cho cọ, dùng mảnh gốm đã nung sẵn thay cho màu sơn có thể pha trực tiếp trên bảng pha màu. Tôi dùng kềm chấm phá từng nét lên tranh, dùng búa đục đẽo những miếng gốm theo những hình thù ưng ý nhất, rồi ghép đúng vị trí bằng thứ keo thượng hạng” – ông Nhơn nói.

Theo họa sĩ Mai Nhơn, để chế tác một bức tranh gốm, việc quan trọng đầu tiên là các nghệ nhân phải pha chế cho được màu men gốm cần thiết. Sau khi qua lò nung ở nhiệt độ khoảng 1.200 độ C, các mảnh gốm hiện lên với đầy đủ màu sắc “vĩnh cửu” cần thiết. Sau đó, căn cứ vào từng mảng màu, tông màu, sắc độ màu của từng vị trí trên tranh mẫu, nghệ nhân dùng kềm bấm tạo hình chi tiết cho từng mảnh gốm, đôi khi chỉ nhỏ khoảng vài milimet.

Một bức tranh có từ vài trăm đến vài ngàn mảnh ghép thủ công như thế, tùy theo độ phức tạp. Về màu sắc, một tác phẩm cần có không dưới vài trăm màu men khác nhau. Không có mảnh gốm nào giống nhau hoàn toàn về hình dạng và màu sắc, nhưng tất cả, sau khi ghép chung với nhau, làm nên một vũ điệu gốm lung linh sắc màu.

Mười năm chuẩn bị cho giấc mơ tranh ghép gốm

Trong nghệ thuật làm gốm nhiều màu sắc ở Đồng Nai, ông Mai Nhơn đã chọn cho mình một “ngõ hẹp”. Sở trường của ông là tranh sơn dầu, nhưng với tình yêu gốm, yêu những nét văn hóa dân gian bình dị, ông đã táo bạo kết hợp sơn dầu và gốm để tạo nên một dòng tranh đặc biệt, đó là tranh ghép gốm hay gốm mosaic (hình thức nghệ thuật sử dụng những mảnh ghép nhỏ sắp xếp với nhau để tạo nên một bố cục lớn - PV).

Mai Nhơn chia sẻ: “Tôi có tham vọng dùng miếng gốm, viên gốm như một chất liệu mới thay thế cho sơn dầu. Trước đây, tôi vẽ rất nhiều tranh sơn dầu. Nhưng khoảng trên chục năm, sơn dầu bắt đầu mốc hoặc xuống màu do điều kiện nóng ẩm ở Việt Nam. Tôi rất tiếc, muốn tìm một chất liệu bền bỉ hơn sơn dầu, không phai màu do mưa nắng hay thời gian. Và tôi đã chọn gốm”.

Mỗi bức tranh gốm tôi thực hiện có thể là vài tuần, vài tháng. Nhưng quá trình chuẩn bị men màu để có một bức tranh ghép gốm như ý, tôi phải tích lũy khoảng 10 năm - ông Mai Nhơn cho biết. Bởi, vấn đề mấu chốt của tranh ghép gốm nằm ở màu gốm. Làm sao có được những màu sắc đa dạng để người nghệ sĩ có thể mặc sức sáng tạo theo cảm hứng của mình?

Mai Nhơn chia sẻ: “Đầu tiên, vào những năm 2006 - 2007, tôi như người thu gom phế liệu, chất các mảnh gốm vụn được người ta cho lên xe ba gác rồi chở về sân nhà. Tôi thuê người đập vụn các miếng gốm theo màu đậm, lợt, hình khối. Sau một thời gian, tôi thấy công việc đó không hiệu quả do màu quá ít, độ dày mỏng của các miếng gốm khác nhau, sứ lẫn với sành... Tôi lại thuê người dọn sân, đổ bỏ.

Rồi tôi huy động vốn để đặt hàng tại các lò gốm. Nhưng một lần nữa, không lò nào đáp ứng, vì mỗi lò gốm thường chỉ chuyên một vài màu. Đến năm 2008, tôi quyết tâm có được màu gốm của riêng mình. Người em vợ của tôi - Nguyễn Quốc Hùng - một kỹ sư hóa học, đã qua các làng gốm Hóa An, Tân Vạn (TP.Biên Hòa) học việc, rồi về “truyền nghề” lại cho tôi. Sau đó, tôi đã gặp gỡ các nhà nghiên cứu men cổ, các chuyên gia pha màu men, huy động thêm những người bạn là kỹ sư cơ khí, hóa chất, các nghệ nhân gốm, để cùng nghiên cứu chế tạo nguyên liệu cho riêng mình. Đến năm 2010, chúng tôi đã thành công với khoảng hơn một ngàn công thức men gốm được tạo ra”.

Để hiện thực một giấc mơ…

Thành công với tranh ghép gốm, nhưng bản thân Mai Nhơn vẫn còn rất nhiều trăn trở với tranh ghép gốm. “Tôi không phải là họa sĩ vẽ chân dung giỏi nhất. Tôi không phải là người làm men gốm giỏi. Nhưng tôi biết kết hợp hai thứ đó. Và tôi có các cộng sự. Cơ hội đã đến khi qua Hội nghị APEC vừa rồi, cả nước và không ít bạn bè quốc tế đã biết đến “chỉ dẫn địa lý” tranh ghép gốm Đồng Nai. Điều này có phải là một thuận lợi rất lớn khi ta đang tìm cách xây dựng và phát triển thương hiệu gốm Đồng Nai không?” – Mai Nhơn trăn trở.

Tranh ghép gốm chân dung Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tranh ghép gốm chân dung Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga - Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông - Trung Quốc, khi trông thấy quà tặng đã thốt lên: “Tôi hiểu rồi, từ nay, ngoài việc phát triển thương mại hai chiều, tôi còn một nhiệm vụ nữa, đó là quảng bá cho văn hóa và nghệ thuật Việt Nam!”. Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều lãnh đạo khác, khi trông thấy quà tặng, đều ngạc nhiên và thích thú” - ông Nhơn cho biết.

“Tôi có ý tưởng hình thành một nhóm rộng hơn, quy tụ những họa sĩ và nghệ nhân tại Đồng Nai để làm tranh ghép gốm. Tôi cho rằng, việc làm tranh này cần đức tính tỉ mỉ và kiên nhẫn, rất phù hợp với các em khuyết tật, nên tôi muốn trao cho các em, đặc biệt là trẻ khiếm thính, một cơ hội với tranh ghép gốm. Tôi sẽ trực tiếp hướng dẫn các em, mở một cơ sở riêng của các em làm về tranh gốm.

Ý tưởng này xuất hiện khi tôi còn công tác ở Sở Ngoại vụ, tham gia cùng các đoàn thiện nguyện quốc tế. Tôi đã thấy sự đam mê, sức kiên trì và niềm hạnh phúc của trẻ khiếm thính khi được giáo viên hướng dẫn làm các món hàng thủ công, tập vẽ tranh bột màu... Tôi đã tự thấy trách nhiệm cần làm một cái gì đó cho các em khi có đủ điều kiện...” - ông nói.

Hà Anh Chiến

theo Lao động

largeer