Quốc Cường Gia Lai vay nợ cá nhân, nhà đầu tư e ngại

Thứ năm, 02/08/2018, 20:43 PM

Mới đây, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Quốc Cường – mã chứng khoán QCG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II và nửa đầu năm 2018.

Công ty vay nợ cá nhân, nhà đầu tư e ngại

Cụ thể, Quốc Cường Gia Lai đang mượn 259,5 tỷ đồng từ bà Nguyễn Thị Như Loan (Chủ tịch HĐQT QCG và là mẹ của đại gia Cường “đô la”) và 147, 4 tỷ đồng từ bà Nguyễn Ngọc Huyền My (con gái bà Loan). Ngoài ra, Quốc Cường Gia Lai cũng đang mượn bà Lại Thị Hoàng Yến (con gái của ông Lại Thế Hà, thành viên HĐQT QCG) 269,5 tỷ đồng, mượn bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (em gái bà Loan) 326,6 tỷ đồng, mượn bà Hồ Thị Diệu Thảo (con gái bà Nguyệt) hơn 84 tỷ đồng, mượn ông Hồ Viết Mạnh (cổ đông và là chồng bà Nguyệt) 45,5 tỷ đồng và ông Lại Thế Hà (cổ đông và thành viên HĐQT QCG) 63,2 tỷ đồng.

Quốc Cường Gia Lai vay nợ cá nhân, nhà đầu tư e ngại

Quốc Cường Gia Lai vay nợ cá nhân, nhà đầu tư e ngại

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, việc một công ty cổ phần đại chúng niêm yết nhưng các giao dịch lại có tính nội bộ sẽ rất hạn chế sự phát triển của công ty. Ông Hiển phân tích: “Khi một công ty đã lên sàn chứng khoán, cơ chế hoạt động dựa trên rất nhiều yếu tố: vay ngân hàng, phát hành trái phiếu nếu công ty đó có độ tín nhiệm cao, tăng vốn cổ phần để huy động vốn. Đó là những phương thức huy động vốn chính thức nhất, tốt nhất dành cho công ty niêm yết. Nhưng Quốc Cường Gia Lai không thực hiện những phương thức này mà lại vay nợ cá nhân thì đó là một hạn chế”.

Đối với một dự án đầu tư bất động sản, số vốn đầu tư là rất lớn. Một công ty có thể tìm nhiều cách để huy động số vốn đó. Nếu như công ty đó vay ngân hàng, công ty phải có dự án chuẩn, phải có tiền chi phí đầu tư rõ ràng, minh bạch thì ngân hàng mới cho vay. Dù là công ty đại chúng lớn như Quốc Cường Gia Lai hay bất kỳ công ty nào, nếu họ không vay được ngân hàng thì đó là vấn đề. Các nhà đầu tư hiểu một điều, không phải công ty nào cũng phát hành trái phiếu ngay được mà phải tuỳ thời điểm. Khi phát hành cổ phiếu, nếu công ty bị đánh giá xấu thì cổ phiếu không dễ bán, thậm chí bán dưới mệnh giá, không có người mua.

Chuyện Quốc Cường Gia Lai vay tiền là bình thường, nhưng việc công ty có có trả nợ được hay không, quá trình vay có đúng hay không, thì đó lại là chuyện khác. Trong thời gian dài, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai không lên được, các nhà đầu tư tìm cách “né”. Nhà đầu tư lo lắng khoản nợ đó nên họ không mặn mà, cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai cũng không tăng giá.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, “Cổ đông Quốc Cường Gia Lai có thể chất vấn Chủ tịch, tại sao khoản nợ lớn như vậy, ban kiểm soát cũng hoàn toàn có quyền chất vấn Chủ tịch. Nếu như cổ đông và ban kiểm soát (được xem là thành viên độc lập) không làm được điều đó, để minh bạch mọi chuyện, lôi khoản nợ đó là khoản nợ gì, hướng xử lý ra sao, để công ty tốt hơn, tăng giá trị cổ phiếu, thì đó là chuyện của cổ đông, nhưng khi nhìn giá trị cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai, rõ ràng nhà đầu tư đang e ngại”.

Hàng tồn kho của Quốc Cường Gia Lai tăng

Trong quý II năm 2018, Quốc Cường Gia Lai đạt tổng doanh thu 110,4 tỷ đồng. So với quý II năm 2017, với con số 397 tỷ đồng, tổng doanh thu của Quốc Cường Gia Lai đã giảm hơn 78%. Trong số này, giá vốn hàng bán giảm mạnh, chỉ bằng 30% cùng kỳ, chi phí bán hàng cũng giảm gần 95% nhưng chi phí quản lý lại tăng gấp 6 lần lên 12,7 tỷ đồng. Tổng chi phí (bao gồm chi phí giá vốn, chi phí tài chính, chi phí khác) trong quý II năm 2018 của Quốc Cường Gia Lai giảm hơn 57% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận của công ty cũng giảm mạnh. Mức lợi nhuận trước thuế trong quý II năm 2018 của Quốc Cường Gia Lai chỉ gồm 7,6 tỷ đồng, chỉ bằng 2,84% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Nguyễn Thị Như Loan (trái) cho Quốc Cường Gia Lai mượn 259,5 tỷ đồng

Bà Nguyễn Thị Như Loan (trái) cho Quốc Cường Gia Lai mượn 259,5 tỷ đồng

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2018, Quốc Cường Gia Lai chỉ có 437,4 tỷ đồng doanh thu, giảm 23% cùng kỳ. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 là 53,5 tỷ đồng, giảm hơn 81% và lợi nhuận sau thuế đạt 39,7 tỷ đồng, giảm gần 83%. Cũng theo báo cáo tài chính, hết quý II/2018, Quốc Cường Gia Lai đang có 1.949,6 tỷ đồng khoản phải trả, phải nộp cho bên liên quan, phần lớn trong đó là các khoản nợ cá nhân như đã nêu ở trên.

Một vấn đề đáng chú ý khác của Quốc Cường Gia Lai là giá trị hàng tồn kho. Cuối năm 2017, giá trị hàng tồn kho của Quốc Cường Gia Lai là 6.906 tỷ đồng, tăng hơn 900 tỷ so với con số đầu năm. Trong đó, một trong các dự án chiếm giá trị tồn kho nhiều nhất là dự án khu dân cư Phước Kiển với 5.075 tỷ đồng, tăng tới 875 tỷ đồng so với con số đầu năm 2017.

Hồi đầu năm 2018, Quốc Cường Gia Lai đặt kế hoạch lãi trước thuế 320 tỷ đồng nhưng cho đến nay, công ty mới chỉ hoàn thành gần 17% chỉ tiêu đề ra. Đó cũng là con số đáng để nhà đầu tư tham khảo!

Thế Phong

Theo NTD

largeer