Quốc hội bấm nút cho phép phá sản ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt

Thứ hai, 20/11/2017, 16:23 PM

Ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt được phá sản từ 15/01/2018. Chiều nay, Quốc hội đã bấm nút thông qua. Các chuyên gia tài chính cho rằng, người gửi tiền không nên lo lắng.

Chiều 20/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi. Theo đó, có 90,43% số đại biểu tham gia biểu quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi, trong đó tỷ lệ tán thành là 88,8%.

Dự thảo luật đã được thông qua, 5 phương án để cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Trong đó, phương án phá sản tổ chức tín dụng là mới nhất và nhận được sự quan tâm lớn nhất. 

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Luật này khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt lâm vào tình trạng phá sản.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung tại phương án phá sản đã được phê duyệt, bao gồm cả việc yêu cầu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản. Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung phương án phá sản.

Ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt được phá sản từ 15/01/2018.

Ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt được phá sản từ 15/01/2018.

Trước đó, hồi cuối tháng 10, Nghị trường đã từng xôn xao với thông tin ngân hàng phá sản, người gửi tiền được chi trả bảo hiểm tiền gửi một mức chung là 75 triệu đồng cho tất cả các hạn mức gửi tiền trong trường hợp ngân hàng phá sản.

Đứng trước thông tin này, nhiều người tỏ ra lo lắng. Cô Thu Hương (Nguyễn Văn Tố - Hà Nội) lo lắng: "Tôi vừa được biết ngân hàng có thể phá sản. Nếu điều đó xảy ra thì tiền gửi của chúng tôi sẽ mất hết à? Thế này còn ai dám gửi tiền ngân hàng nữa".

Trả lời về những tâm tư của người dân, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: "Đừng quá lo lắng chuyện đó vì không dễ để phá sản ngân hàng. Và ngay cả khi phá sản, Ngân hàng Nhà nước cũng có biện pháp bảo vệ người gửi tiền".

Ts Hiếu phân tích, phá sản ngân hàng phải thực hiện theo lộ trình, cần khoảng thời gian dài. Trong vài năm trước mắt, điều đó có có thể xảy ra vì hiện tại, chưa có ngân hàng nào yếu kém tới mức đó. Phá sản ngân hàng theo TS Hiếu, là hoạt động theo đúng cơ chế thị trường. Ngân hàng cũng giống như doanh nghiệp. Một doanh nghiệp yếu kém, không thể phục hồi được thì phải thực hiện phá sản.

Theo đề án cơ cấu các tổ chức tín dụng, trước khi quyết định phá sản một ngân hàng, các cơ quan chức năng phải trải qua nhiều quá trình, công đoạn. Các ngân hàng sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, được giám sát thanh tra đặc biệt. Ngân hàng Nhà nước có thể dùng nhiều biện pháp hỗ trợ như cho vay, hỗ trợ thanh khoản, giúp các ngân hàng thanh toán.

Nếu ngân hàng yếu kém không có khả năng phục hồi, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm đầu mối để sáp nhập ngân hàng hoặc có thể cho mua lại. Nếu không khả thi nữa, thì phải phá sản ngân hàng. Và việc phá sản phải thông qua tòa án. Đây là giai đoạn cuối cùng. 

"Vì vậy, phá sản ngân hàng không phải là việc làm tùy tiện, cứ muốn là được", Ông Hiếu khẳng định.

Trả lời cho câu hỏi liệu các tổ chức có lợi dụng điều này để tạo lợi ích nhóm. Ví dụ, chủ ngân hàng lập nhiều công ty và vay ngân hàng với số tiền rất lớn để... chờ ngân hàng phá sản, TS Hiếu khẳng định đây là điều không thể vì trước khi phá sản, ngân hàng buộc phải thu hồi tiền đã cho vay để thanh toán tiền gửi cho khách hàng.

Đồng quan điểm với TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng tại thời điểm này, các ngân hàng không yếu kém đến mức có thể bị tuyên bố phá sản. Và quá trình phá sản diễn ra khá lâu dài, chứ không dễ gì thực hiện được ngay.

Còn vấn đề khi ngân hàng phá sản, người gửi tiền chỉ nhận được 75 triệu đồng theo bảo hiểm tiền gửi là vấn đề có thật. Vì vậy, ông Phong khuyên người gửi tiền nên tự bảo vệ mình bằng cách gửi tài sản ở nhiều ngân hàng khác nhau nhằm giảm bớt thiệt hại.

"Nhà nước cũng nên xem xét cả 2 chiều, vừa tăng cường kiểm tra, kiểm soát tăng trách nhiệm của các ngân hàng, mặt khác tăng dự trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền gửi tăng lên vì 75 triệu đồng là con số rất nhỏ", Ông Phong bình luận.

Theo Vy Vy-NTD

largeer