Quy định rõ biện pháp thực hiện việc cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi

Thứ năm, 20/09/2018, 11:01 AM

Sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế.

Nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh...

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế.

Đáng quan tâm, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm. Do đó, rất cần thiết có một đạo luật nhằm giảm hậu quả do sử dụng rượu bia gây ra, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân; hoàn thiện thể chế về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. Đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập, khoảng trống của pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia hiện nay.

Trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật theo Tờ trình của Chính phủ.

Theo Ủy ban Về các vấn đề xã hội, những lợi ích từ ngành công nghiệp rượu, bia đóng góp cho nền kinh tế là không thể phủ nhận. Song, cần nhìn tổng thể về những tác hại, mặt trái của việc sử dụng rượu, bia đang hiện hữu trong xã hội, đã được Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo và khuyến cáo vì mục tiêu lâu dài về sức khỏe con người, cần thiết phải đưa ra quy định liên quan đến kinh doanh, quảng cáo, tài trợ rượu, bia nhằm hạn chế tính sẵn có và dễ tiếp cận của rượu, bia.

Cho ý kiến vào Dự luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, rượu, bia giống nhau đều là đồ uống có cồn, tuy nhiên khác nhau về mức độ tác hại. Nhưng trong luật này gộp cả rượu, bia, nên cần phải giải thích kỹ thiết kế như vậy đã khoa học, phù hợp chưa.

“Về tên gọi, chúng ta có Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, tên gọi của nó phù hợp ở chỗ thuốc lá đã hút là có hại, thậm chí không hút nhưng trong môi trường có khói thuốc cũng có hại, nhưng bia, rượu phải lạm dụng quá mức mới có hại, tuy nhiên ta lại đặt tên giống nhau”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Tờ trình Dự luật. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Tờ trình Dự luật. Ảnh: Quochoi.vn

Không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, rượu bia vẫn có tác dụng tích cực, tại sao chúng ta không đặt vấn đề chống lạm dụng mà đặt vấn đề phòng, chống tác hại?

Bà Nga cũng đề nghị cơ quan soạn thảo giải thích rõ về tính khả thi của quy định không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. “Chúng tôi xem trên truyền hình có một vài phóng sự. Bằng cách nào để chúng ta thực hiện được quy định này, tức là khi người dưới 18 tuổi đến thì mình hỏi chứng minh thư, nếu người ta lấy một chứng minh thư của người khác đến thì người bán rượu này có nghiệp vụ giống như an ninh sân bay hay CA để nhìn ảnh này với chứng minh thư này không đúng là của người đó không?”, bà Nga hỏi.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội thống nhất quy định không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi, nhưng để đảm bảo tính khả thi, đề nghị bổ sung quy định về biện pháp thực hiện; quy định về giới hạn độ tuổi của người là nhân viên bán rượu, bia tại cửa hàng có kinh doanh rượu, bia.

Về các trường hợp không được uống rượu, bia, Điều 9 dự thảo Luật quy định các trường hợp không được sử dụng, rượu, bia, bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thời gian làm việc, nghỉ giữa ca và không được uống tại địa điểm cấm bán rượu, bia.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận, vấn đề rượu thủ công là một tồn tại xã hội lớn trong nhiều năm qua, do đó Dự luật cần thiết kế các quy định để chiều chỉnh vấn đề này một cách cụ thể, mạnh mẽ, chặt chẽ để sớm chấm dứt tình trạng rượu thủ công tràn lan làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết của dự thảo luật. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 6 tới đây.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích, dù rượu hay bia đều chứa cồn và tính ra đơn vị cồn, đã là cồn đều có tác hại là gây nghiện, tác động lên hệ thần kinh, ảnh hưởng đến hành vi của con người. Đặc biệt, gây tác hại rõ nhất là ung thư đường họng, hòm, hầu và thực quản, đột quỵ tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường và các hành vi khác. Nghiên cứu của các tổ chức y tế thế giới và quốc tế đều cho thấy các hành vi bạo lực gia đình, thay đổi nhân cách và trí nhớ rất rõ liên quan đến rượu, bia.

Phương Thảo

Theo phapluatxahoi

largeer