Quy trình làm phế phẩm cà phê nhuộm pin giả hồ tiêu

Thứ năm, 26/04/2018, 15:55 PM

Cơ quan chức năng khẳng định phế phẩm cà phê, sỏi nhuộm pin để trộn lẫn vào hồ tiêu nhằm tăng trọng lượng

Quy trình sản xuất phế phẩm cà phê nhuộm pin... trộn để giả hồ tiêu.

Quy trình sản xuất phế phẩm cà phê nhuộm pin... trộn để giả hồ tiêu.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện KSND Đắk Nông cho biết: "Đã bắt khẩn cấp 5 nghi can trong vụ phế phẩm cà phê nhuộm pin… hiện đang trong thời hạn tạm giữ 9 ngày. Hiện hồ sơ vụ án đang được các đơn vị nghiệp vụ nghiên cứu, chưa phê chuẩn, chưa khởi tố bị can. Đây là vụ án phức tạp nhưng cơ quan công an đã khởi tố vụ án để điều tra, xác minh, làm rõ thêm căn cứ mới khởi tố bị can".

Cũng theo ông Cường, đến nay đã đủ căn cứ để khẳng định bà Nguyễn Thị Thanh Loan trộn phế phẩm cà phê với sỏi (0,5-1mm) rồi nhuộm với dung dịch pin để đóng gói đem bán về Bình Phước để trộn vào tiêu làm thực phẩm. Bà Loan đi thu mua vỏ, phế phẩm cà phê, sỏi về nhuộm pin để tạo ra tạp chất có màu đen giống tiêu rồi bán ra kiếm lời.

Vợ chồng bà Loan bán sản phẩm này cho bà Thơ, Tuấn rồi chuyển về cho cơ sở mua bán của bà Dung tại huyện Lộc Ninh (Bình Phước). Tại đây bà Dung trộn các hỗn hợp từ cơ sở bà Loan để tăng trọng lượng cho hạt hồ tiêu khi xuất bán.

Phế phẩm cà phê, sỏi nhuộm với pin để trộn vào hồ tiêu nhằm tăng trong lượng.

Phế phẩm cà phê, sỏi nhuộm với pin để trộn vào hồ tiêu nhằm tăng trong lượng.

Chiều 24/4, ông Nguyễn Quyền, Thôn trưởng thôn 13 (xã Đắk Wer) cho biết: “Bà Loan làm tiêu giả cách đây 3 năm rồi. Chúng tôi biết bà này làm tiêu giả, sau đó có báo với UBND xã và UBND có cử công an vào?! Bà làm theo hình thức, mua bụi tiêu (tiêu thải), pin, vỏ cà phê và nhiều thứ trộn lại thành tiêu. Thời gian đó, bà mua vỏ cà phê về phơi rất nhiều”.

“Cuối năm 2017, thôn có qua nhà bà Loan hòa giải vụ tranh chấp mái hiên giữa bà với một hộ dân khác. Lúc này, tôi vào trong nhà kho thì thấy vỏ cà phê chất đồng, bụi tiêu, cà phê vỡ rất nhiều. Tuy nhiên, ở đây bà không có thu mua nông sản nhưng lâu lâu có loại xe 2,5 tấn chạy đi chạy về. Lúc làm tiêu giả, công an xã có vào xử lý”, ông Quyền nói.

Bên trong cơ sở sản xuất phế phẩm cà phê nhuộm pin của bà Loan.

Bên trong cơ sở sản xuất phế phẩm cà phê nhuộm pin của bà Loan.

Theo một nguồn tin riêng của Báo Giao thông cho biết, tại cơ sở của bà Loan trước đây dư luận "rộ" lên thông tin sản xuất “tiêu giả”, sau đó lực lượng công an địa phương tiến hành theo dõi. Tuy nhiên, tại thời điểm đó nội dung vụ việc đang được kiểm tra, đang trong giai đoạn theo dõi.

Công an thu niêm phong và thu giữ toàn bộ phế phẩm nhuộm pin tại cơ sở của bà Loan.

Công an thu niêm phong và thu giữ toàn bộ phế phẩm nhuộm pin tại cơ sở của bà Loan.

Ghi nhận của phóng viên, một người dân (hàng xóm của bà Loan) cho hay: “Bà Loan mới chuyển về đây sống được vài năm. Bà tới đây ở không giao lưu với ai cả. Năm 2016, nghe thông tin bà “làm tiêu”. Tuy nhiên, thấy bà phơi vỏ cà phê rất nhiều, phơi ra tới ngoài đường nhưng không biết để làm gì. Bà “làm tiêu” nhưng bà không mua thứ gì ở đây hết. Bà không mua cà phê, tiêu của ai hết, bà mua cái gì ở đâu chở về làm và thấy phơi thôi. Khi xuất thì xe ở đâu tới chở chứ không phải xe ở đây. Xe chở về cũng về đêm, hành tung rất lạ".

Thông tin phế phẩm cà phê nhộm pin không phải làm giả cà phê mà là giả hồ tiêu khiến dư luận bất ngờ. Mặc dù cơ quan công an cho biết hồ tiêu trộn phế phẩm đã được xuất bán nhưng lại chưa khẳng định bán đi đâu, tới thị trường nào? 

Nhiều ý kiến bình luận cho rằng, việc trộn sỏi và pin làm hỗn hợp làm giả thực phẩm là điều hết sức ngớ ngẩn, rất dễ bị phát hiện bởi mùi vị và cặn. Còn điều gì bí ẩn chưa được khám phá trong vụ án này? Dư luận đang đòi hỏi cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ hơn nữa đường đi của những thực phẩm bẩn để trán an hàng chục người tiêu dùng đang hoang mang.

Ngọc Hùng

Theo baogiaothong

largeer