Râm ran Petrolimex đi đầu mở cửa hàng tiện lợi tại trạm bán lẻ xăng dầu

Thứ ba, 28/05/2019, 09:17 AM

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết đang nghiên cứu mở chuỗi cửa hàng tiện lợi chung với hệ thống bán lẻ xăng dầu theo mô hình ở các nước tiên tiến. Mô hình này nếu làm đúng như các nước thì rất tiện lợi và được đánh giá là phù hợp với xu thế hiện đại. Tuy nhiên, liệu bước đi “mạo hiểm” của Petrolimex có bảo đảm phát triển an toàn và ổn định khi hiện nay số doanh nghiệp lãi của tập đoàn không nhiều.

Petrolimex hiện có hơn 5.200 cửa hàng bán lẻ xăng dầu khắp cả nước và sở hữu trực tiếp hơn một nửa số này. Sở hữu mặt bằng và vị trí đẹp là những lợi thế lớn của tập đoàn này khi tham gia vào cuộc đua bán lẻ. (Ảnh: Internet).

Petrolimex hiện có hơn 5.200 cửa hàng bán lẻ xăng dầu khắp cả nước và sở hữu trực tiếp hơn một nửa số này. Sở hữu mặt bằng và vị trí đẹp là những lợi thế lớn của tập đoàn này khi tham gia vào cuộc đua bán lẻ. (Ảnh: Internet).

Tham gia cuộc đua bán lẻ

Tại Đại hội cổ đông 2019 mới đây, lãnh đạo Petrolimex thông báo với cổ đông là đã nghiên cứu thành lập chuỗi cửa hàng tiện lợi được 5 năm. Tập đoàn này đang đánh giá lại hệ thống bán lẻ xăng dầu để có kế hoạch cụ thể.

Theo số liệu của Petrolimex công bố, họ đang có hơn 5.200 cửa hàng bán lẻ xăng dầu hiện diện trên khắp cả nước. Một nửa số này do Petrolimex sở hữu, số còn lại là những cửa hàng kinh doanh theo hình thức nhượng quyền hoặc đại lý.

Đơn vị đứng đầu cả nước về thị phần bán lẻ xăng dầu này cho biết, sẽ hợp tác với đối tác chiến lược đến từ Nhật Bản là JX Nippon Oil - đơn vị đang nắm gần 9% cổ phần Petrolimex. Dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và khá lâu nhưng Petrolimex cũng không dám hấp tấp làm ngay. Tập đoàn này cho rằng, không thể triển khai cửa hàng tiện lợi ở bất cứ cây xăng nào mà cần phân loại, đánh giá cửa hàng nào có thể làm được. Như vậy, có thể thấy Petrolimex sẽ không mở đồng loạt hàng ngàn cửa hàng tiện lợi cùng lúc. Tuy nhiên, thời điểm và cách thức tiến hành vẫn chưa được tập đoàn này chia sẻ cụ thể.

Nghiên cứu phát triển mô hình tiện lợi vào lúc này cho thấy Petrolimex đang nóng lòng trước sự phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam. Báo cáo về thị trường bán lẻ Việt Nam được Công ty nghiên cứu thị trường Deloitte ghi nhận vào đầu năm 2019, quy mô thị trường bán lẻ tại Việt Nam năm 2018 đạt 142 tỷ USD và sẽ tăng lên mức 180 tỷ USD vào năm 2020. Hơn hết, mảng cửa hàng tiện lợi của Việt Nam được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực châu Á và sẽ duy trì cho đến năm 2021.

Cũng theo Deloitte, số lượng cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2012 và là loại hình mua sắm được mở mới nhiều nhất trong năm 2018. Dù vậy, không phải doanh nghiệp bán lẻ nào cũng lãi tốt. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam đang kêu lỗ trong nhiều năm qua. Các ông lớn như Lotte (Hàn Quốc), MM Mega Market (tiền thân là Metro Cash & Carry Việt Nam) liên tục báo lỗ hàng trăm tỷ đồng. Những chuỗi nhỏ thậm chí phải “bán mình” như vụ chuỗi siêu thị Fivimart bán lại cho Tập đoàn Vingroup hồi tháng 10/2018.

Các chuyên gia bán lẻ đánh giá, chuyện thua lỗ là bình thường, doanh nghiệp nhỏ lỗ ít, doanh nghiệp lớn lỗ nhiều. Nhưng, dù thua lỗ triền miên, họ vẫn liên tục mở rộng hoạt động để tranh giành thị phần. Việc Petrolimex toan tính mở chuỗi cửa hàng tiện lợi sẽ khiến cuộc đua trên thị trường bán lẻ Việt Nam càng trở nên khốc liệt.

Cửa hàng bán lẻ xăng dầu kết hợp cửa hàng tiện lợi của Tập đoàn Shell tại bang IOWA, USA. (Ảnh: Internet).

Cửa hàng bán lẻ xăng dầu kết hợp cửa hàng tiện lợi của Tập đoàn Shell tại bang IOWA, USA. (Ảnh: Internet).

Bước đi mạo hiểm

Mở cửa hàng tiện lợi tại cây xăng là hình thức khá mới ở Việt Nam. Hiện nay ở vài cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Petrolimex cũng có bán một số mặt hàng như dầu nhớt, bảo hiểm. Trong khi đó, hàng hóa trong cửa hàng tiện lợi có tính thiết yếu và cả đồ tươi sống. Việc vừa bán hàng vừa bảo đảm an toàn tại cây xăng cũng là một vấn đề không hề đơn giản mà Petrolimex cần tính đến.

Ông Đỗ Hòa - nguyên Giám đốc Chiến lược và Marketing khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Shell nhận xét, mô hình trên chưa có ở Việt Nam nhưng đã có ở nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn, Tập đoàn Shell đã làm từ lâu và có mặt ở nhiều nước. Ở Trung Quốc cũng có Tập đoàn Sinopec triển khai mô hình này. “Chuyện này là bình thường, doanh số của các cửa hàng này cũng rất tốt” - ông Hòa cho biết.

Về mặt diện tích, theo ông Hòa, cửa hàng tiện lợi không cần nhiều diện tích. Ví dụ nhiều cửa hàng tiện lợi của 7-Eleven ở Thái Lan chỉ có diện tích trên dưới 10m2 nhưng khách hàng vẫn đông. Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Petrolimex dù có diện tích không lớn nhưng nằm ở những vị trí đắc địa. Số lượng cửa hàng và vị trí là những lợi thế lớn của Petrolimex khi tham gia cuộc đua bán lẻ. Bởi theo ông Hòa, chi phí lớn nhất của ngành bán lẻ là chi phí mặt bằng.

Dù vậy, không hẳn khi Petrolimex làm là sẽ thắng ngay, dù đơn vị này có kinh nghiệm về bán lẻ. Rào cản không nhỏ nữa khi mở cửa hàng tiện ích trong cây xăng là chọn mặt hàng thích hợp. Petrolimex không thể bê nguyên danh sách mặt hàng mà các cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam đang bán về làm theo. Ông Hòa cho rằng, Petrolimex cần loại bỏ các mặt hàng tươi sống (rau củ, thịt, cá...) và chỉ nên chú ý đến các mặt hàng đóng hộp hoặc bảo quản lâu.

Quan trọng hơn, ông Nguyễn Thế Lữ - Chủ tịch Công ty Quản lý Tài sản Sài Gòn (Saigon Asset Management - SAM) đánh giá, kinh doanh cửa hàng tiện lợi không dễ có lãi. “Nhất là khi các doanh nghiệp Việt chưa mạnh về tài chính” - ông nói. Ngoài ra, Petrolimex bắt buộc phải có lãi khi làm, vì doanh nghiệp này vẫn là doanh nghiệp Nhà nước. Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hiện nắm gần 84% cổ phần tại Petrolimex.

Dương Nguyễn

Theo NTD

largeer