Rưng rưng đọc "Mẹ đã đi chợ về"

Thứ hai, 05/02/2018, 17:09 PM

Trong cuộc đời vốn đầy bão giông, ai cũng có riêng mình một người mẹ hiền luôn chấp nhận những hy sinh, thiệt thòi để đong đầy tình yêu thương cho con cái.

Và với mẹ Lê Minh Quốc cũng vậy. Tuy nhiên, mẹ của anh hạnh phúc hơn người khác khi có đứa con là "dân văn chương" nên dễ trải lòng hiếu thảo ra trang giấy. Như chính Lê Minh Quốc thú nhận trong tác phẩm tùy bút "Mẹ đã đi chợ về" vừa ấn hành: "Viết về cha, với nhiều người là điều khó khăn, trong khi viết về mẹ dễ dàng hơn nhiều. Nhìn bóng cây sừng sững giữa trời đất, ít ai nhận ra vẻ đẹp uy nghi, an nhiên tự tại dám đối mặt với mưa sa bão táp. Cha vững như cây, mẹ như là rợp mát…".

Me da di cho ve

Điều đặc biệt nhất là những kỷ niệm với mẹ và gia đình, rất lạ, dù ở độ tuổi nào anh đều nhớ kỹ đến từng chi tiết. Anh viết về "những đêm mẹ lặng lẽ ngồi bên ngọn đèn dầu leo lét khâu, vá lại chiếc áo của anh Hai cho em. Chỉ tiếc trên túi áo một vết mực tím đã loang, mẹ giặt mãi vẫn không sạch. Mẹ lại bảo: "Anh Hai con học giỏi, con mặc áo anh Hai thì chắc là hên lắm đây…". Hay câu chuyện "trước lúc ở căn nhà trên đường Triệu Nữ Vương, thuở mới hồi cư về Đà Nẵng, ba mẹ ở chung với ông bà ngoại, dì, cậu trong khu nhà rộng… Nhớ về căn nhà ấy, trong lòng y luôn luôn nhớ về cái giếng nước ngay đầu sân nhà. Với y, tuổi thơ đã có những vạt mây trắng....". Cho tới khi đã trở thành đứa trẻ nhiều tuổi, anh vẫn muốn gần gũi với mẹ để học hỏi và chính mẹ anh trong những năm tháng quý giá cuối đời cũng chấp nhận vào Sài Gòn để cùng anh hủ hỉ sớm tối...

Nhà thơ tâm sự: "Được ở chung nhà với mẹ, nghe những câu chuyện kể với y cực kỳ lý thú, bởi lẽ cũng là một gợi mở để tìm hiểu về phép ứng xử của người Việt ngày trước... Âu cũng là một sự gắn kết của tình làng nghĩa xóm, bà con láng giềng trong dòng tộc".

Lê Minh Quốc từng là người lính chai sạn ở chiến trường nhưng về với đời sống thường nhật, anh lại là con người rất tình cảm. Năm lên 8 tuổi, anh đã có những câu thơ chân thành, mộc mạc nhưng nhói lòng về mẹ: "Mẹ dậy từ sớm tinh sương/Mưa rơi nặng hạt con thương vô cùng/Trong chăn con nghĩ mông lung/Mai sau xa cách vẫy vùng với ai/Mẹ tìm về chốn thiên thai/Quy y Đức Phật trên đài hoa sen"…để rồi bây giờ chính những dự cảm tuổi thơ đó lại trở thành sự thật: "Không gì bất hạnh hơn khi ta cài lên ngực đóa hồng/để suốt đời nhớ mẹ/dù thế nào ta cũng là đứa trẻ/một đứa trẻ cô đơn/suốt đời cô đơn".

Đọc những trang sách của Lê Minh Quốc, nhiều lúc con chữ cứ như nhòe đi, cảm động: "Rồi sáng ngày cuối cùng tiễn mẹ về nghĩa trang Hòa Sơn, lúc dừng lại làm lễ Tế đầu trung, anh em y thắp nén nhang. Khói nghi ngút bay… Lúc ấy đột nhiên lại thấy một con chuồn chuồn bay là đà ngay trước mắt, buột miệng kêu lên: "Mẹ đã về"...

Anh viết: "Trong tiếng Việt có một thành ngữ, dù không được dạy/học nhưng bất kỳ đứa trẻ nào cũng đã từng trải qua: "Chờ như chờ mẹ đi chợ về". Suốt đời y sẽ không thể nào quên được nỗi chờ đợi ấy".

Và ở cõi trần gian tạm bợ này, Lê Minh Quốc vẫn ngồi chờ, anh - đứa trẻ nhiều tuổi - luôn bị ám ảnh nỗi sợ hãi bởi câu nói "mẹ lượm con từ gốc mít", vẫn vò võ trong niềm tuyệt đối suốt đời, rằng ở đâu đó mẹ của anh vẫn đang đi chợ xa sắp về… 

Lê Công Sơn

Theo NLĐ

largeer