Sabeco thiệt hại trăm tỷ: Thương vụ dưới thời ông Nguyễn Bá Thi, Nguyễn Quang Minh?

Thứ ba, 20/03/2018, 17:43 PM

Nhiều khoản đầu tư góp vốn, mua trái phiếu đã khiến Sabeco thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Những thương vụ này có thể được thực hiện dưới thời ông Nguyễn Bá Thi và ông Nguyễn Quang Minh.

Kiểm toán "đòi" chỉ rõ trách nhiệm

Kiểm toán Nhà nước vừa thông báo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2016 của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Kết quả kiểm toán cho thấy đa số các khoản đầu tư gây thiệt hại lớn cho Sabeco đều thuộc lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư. Vì những khoản đầu tư kém hiệu quả, Sabeco phải chi thêm hàng trăm tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro.

Các khoản đầu tư buộc Sabeco trích lập dự phòng lớn là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) 154,1 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) 126,8 tỷ đồng; Công ty PVI Sài Gòn 39,3 tỷ đồng; Quỹ đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2 33,7 tỷ đồng; Quỹ đầu tư Việt Nam 24,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sabeco phải trích lập 100% giá trị đầu tư trị giá 20,8 tỷ đồng vào trái phiếu của Vinashin.

Ông Nguyễn Bá Thi, nguyên Chủ tịch HĐQT Sabeco.

Ông Nguyễn Bá Thi, nguyên Chủ tịch HĐQT Sabeco.

Tính chung, tại thời điểm 31/12/2016, tổng giá trị trích lập dự phòng của Sabeco là 444,7 tỷ, tương đương 77,8% giá trị đầu tư.

Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Sabeco làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc đầu tư góp vốn, mua trái phiếu gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng nêu trên.

Kiểm toán Nhà nước không "gợi ý" cái tên cụ thể nào. Nhưng nhìn vào các báo cáo có thể thấy nhiều khả năng các thương vụ đầu tư góp vốn được thực hiện dưới thời Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Bá Thi và Tổng giám đốc Nguyễn Quang Minh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu "nóng" từ năm 2006. Sau đó, cổ phiếu ngân hàng mới trở thành cổ phiếu vua và được săn đón. Trong khoảng những năm 2007, 2008, nhiều đại gia có xu hướng rót vốn vào ngành ngân hàng, tài chính. Không loại trừ khả năng Sabeco đầu tư vào tài chính, ngân hàng trong khoảng thời gian này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Thi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco từ năm 2004. Còn ông Nguyễn Quang Minh là Tổng giám đốc Sabeco từ năm 2006. Trước đó 3 năm, ông Minh được bổ nhiệm vào chức vụ Phó Tổng giám đốc công ty.

Ngoài ra, có thể kể tên hàng loạt lãnh đạo cấp cao của Sabeco trong năm 2008 - năm đầu tiên công ty này công khai các báo cáo sau khi cổ phần hóa. Đó là các Ủy viên Hội đồng quản trị: Bùi Ngọc Hạnh, Bùi Quang Hải, Lý Quốc Hùng; Các Phó Tổng giám đốc: Văn Thanh Liêm, Phạm Thị Hồng Hạnh, Trịnh Thị  Tuyết Minh, Hoàng Trí Thành và Kế toán trưởng Nguyễn Tiến Dũng.

Hành trình từ "hàng nóng" đến cục nợ

Sau khi thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ, đầu tư vào ngân hàng đã trở thành "mốt". Vì vậy,  cổ phiếu ngân hàng đã trở thành "hàng nóng". Muốn sở hữu được, cổ đông phải trả số tiền cao hơn mệnh giá khá nhiều. Với nhiều ngân hàng lớn, mức giá phổ biến là 7 "chấm" (khoảng 70.000 đồng/CP), hoặc 8 "chấm". Ngân hàng nhỏ hơn có giá từ 2 tới 3 "chấm".

Trước năm 2007, Sabeco chưa là công ty đại chúng nên ông lớn ngành bia không cần công bố thông tin. Vì vậy, không thể khẳng định được Sabeco đã đầu tư vào ngành ngân hàng từ khi nào, với giá bao nhiêu. Nhưng như đã nói ở trên, khả năng cao các thương vụ được thực hiện sau khi thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ.

Trong bản công bố thông tin phục vụ cho đợt bán đấu giá cổ phần được phát đi năm 2007, Sabeco đã công bố các khoản mục đầu tư tài chính. Trong đó Sabeco cho biết đang sở hữu 1,14% vốn điều lệ DongA BAnk, 0,9% vốn Eximbank, 5,3% vốn OCB.

Đầu tư vào tài chính, ngân hàng khiến Sabeco chịu thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Đầu tư vào tài chính, ngân hàng khiến Sabeco chịu thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Đáng chú ý, Sabeco còn đang thành lập một ngân hàng mang tên Ngân hàng TMCP Công nghiệp và Dịch vụ Việt Nam. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thể thực hiện thành công.

Ngoài ra, Sabeco còn đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào các Quỹ đầu tư và 2 công ty bảo hiểm. Đó là Tổng công ty CP Bảo hiểm Dầu khí và Tổng công ty CP Bảo hiểm Việt Nam.

Tuy nhiên, trong các báo cáo tài chính công bố năm 2008, 2009, 2010, Sabeco không hề nhắc tới những công ty thuộc dạng "Đầu tư tài chính" này. Dù vậy, không khó để nhìn ra Sabeco sớm phải trả giá cho các hoạt động đầu tư dàn trải. 

Ngay từ năm 2008, Sabeco đã phải chi ra gần 56 tỷ đồng cho dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn. Con số này tăng lên 317 tỷ đồng trong năm 2009. Sang năm 2010, Sabeco xác định các khoản đầu tư của công ty đã giảm giá trị 242 tỷ đồng.

2011 là năm đầu tiên Sabeco công bố khá cụ thể về những khoản đầu tư vào ngân hàng. Tại thời điểm cuối năm 2011, Sabeco chưa công bố đã phải trích lập dự phòng cho những khoản đầu tư vào 3 ngân hàng này hay chưa. Tuy nhiên, Sabeco đã phải chi ra 505 tỷ đồng để trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn. Con số này giảm xuống 454 tỷ đồng trong năm 2012.

2016 là năm đầu tiên Sabeco hé lộ bức tranh và hiệu quả đầu tư của mình vào lĩnh vực ngân hàng. Theo đó, Sabeco phải trích lập dự phòng 154 tỷ cho OCB, 127 tỷ cho DongA Bank. Cộng thêm nhiều khoản đầu tư kém hiệu quả khác, Sabeco phải chi gần 427 tỷ đồng cho dự phòng. Con số này hồi đầu năm 2016 là 441,9 tỷ đồng.

"Mắc kẹt" ngân hàng

Theo số liệu năm 2011 được Sabeco công bố, tại thời điểm cuối năm đơn vị này đang nắm giữ hơn 8,8 triệu cổ phiếu OCB tương đương 216 tỷ đồng. Bình quân, mỗi cổ phiếu có giá gần 24.500 đồng.

Sabeco sở hữu hơn 8,7 triệu cổ phiếu Eximbank, tương đương 97,2 tỷ đồng. Giá cổ phiếu Eximbank mà Sabeco phải mua đạt khoảng 11.200 đồng/CP. Cổ phiếu DongA Bank đắt đỏ nhất khi đạt khoảng 28.800 đồng/CP.

Tuy nhiên, khi ngành ngân hàng trượt dốc, cả OCB, Eximbank và DongA Bank đều là những đơn vị gặp rất nhiều vấn đề. Vì vậy, các khoản đầu tư này sụt giảm rất sâu. Ngoại trừ Eximbank, hai ngân hàng OCB và DongA Bank đều khiến Sabeco phải trích lập hàng trăm tỷ đồng để dự phòng.

Hơn thế, khi các doanh nghiệp nhà nước được yêu cầu tái cơ cấu và thoái vốn ngoài ngành, Sabeco đã nỗ lực "đại hạ giá" cổ phiếu ngân hàng do mình nắm giữ nhưng không thành công. Phải tới năm 2017, Sabeco mới thoát khỏi Eximbank.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2017 của Sabeco, tại thời điểm 31/12/2017, Sabeco vẫn nắm giữ cổ phiếu của OCB và DongA BAnk. Công ty phải trích 47 và 136 tỷ đồng cho những khoản đầu tư này. Tổng số tiền mà Sabeco phải chi ra cho dự phòng là 297 tỷ đồng.

Và khả năng Sabeco rũ bỏ được những khoản đầu tư kém hiệu quả này rất khó khi cổ phiếu DongA Bank vẫn bị hạn chế chuyển nhượng, còn cổ phiếu OCB dù đã tăng mạnh lên 19.000 đồng/CP nhưng vẫn thấp hơn so với giá mà Sabeco phải chi ra.

Bảo Linh

Theo NTD

largeer