Sách lậu: Thực trạng nhức nhối của ngành xuất bản

Thứ ba, 24/07/2018, 07:46 AM

Sách lậu - vấn đề lâu nay của ngành xuất bản Việt vẫn không suy giảm và có chiều hướng phức tạp hơn. Tình trạng in ấn sách lậu, vi phạm bản quyền làm ảnh hưởng đến doanh thu lẫn uy tín của các nhà xuất bản (NXB) và tác động rất lớn đến nhiều mặt xã hội.

Empty

Sách lậu là một vấn đề nan giải với các NXB từ lớn đến nhỏ và ngày càng có nhiều hành vi sai phạm khó kiểm soát, không chỉ dừng lại ở việc sách được photocopy thông thường.

Sách lậu - biến tướng

Nhiều năm nay sách lậu còn biến tướng theo hình thức scan, chụp hình rồi in lại. Các loại sách "hot", sách bán chạy đều được “đánh hơi” làm khá nhanh, chỉ cần scan và xuất file, trong vòng 5-10 ngày sẽ xuất hiện ngay trên thị trường như sách: “Thả trôi phiền muộn” của NXB Saigon Books, “Ái Vân” của NXB Fist New, “Cà phê cùng Tony và Tony trên đường băng” của NXB Trẻ…

Bạn Nguyễn Thị Ngọc Trang (ĐH Nông Lâm) chia sẻ: “Sách thật với sách giả mình thấy khó phân biệt, nên việc mua nhầm sách giả là điều khó tránh khỏi. Cùng số tiền bỏ ra nhưng mua phải cuốn sách không chất lượng cảm thấy rất bức xúc.”

Không chỉ dừng lại ở sách giấy bị làm lậu mà sách điện tử (ebook) và audiobook cũng xảy ra nhiều trường hợp vi phạm bản quyền khá nghiêm trọng.

Trong năm 2017, các đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương đã tiến hành 14 lượt kiểm tra cơ sở in, cơ sở phát hành; phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở với tổng số tiền 383 triệu đồng; xử lý, tiêu hủy 14.647 xuất bản phẩm các loại.

Empty

Ảnh hưởng

Sản xuất và sử dụng sách lậu đã gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến cá nhân tác giả, nhà xuất bản, độc giả và tất cả những người làm trong ngành sách hiện nay.

Việc làm sách lậu cũng tương tự như việc làm của một kẻ cắp, lấy cắp, ở đây chính là lấy cắp tri thức (tài sản quý giá của nhân loại). Và việc biết mà vẫn sử dụng sách lậu chính là đang tiếp tay cho “trộm cắp”.

Tác giả chính là người bị ảnh hưởng đầu tiên và là người nhận thiệt hại nặng nề nhất, bởi chúng ta đều biết rằng tác giả sẽ nhận được tiền bản quyền dựa vào số lượng sách bán được. Vậy nếu sách lậu cứ tràn lan, các nhà sách, NXB đang giữ bản quyền cuốn sách đó không bán được thì số tiền bản quyền mà tác giả nhận được sẽ bị giảm đáng kể.

Các công ty sách và các NXB không những bị ảnh hưởng về mặt kinh tế mà còn về mặt uy tín. Trong khi các công ty sách, các NXB vừa phải mất tiền vừa phải mất thời gian để xuất bản ra một cuốn sách từ khâu mua bản quyền, dịch thuật, biên tập và in ấn thì những người làm sách lậu lại lấy đi trắng trợn hết công sức đó.

Sách lậu đôi khi còn bán với giá đắt hơn sách thật 2-3 lần và không thể so sánh được với sách thật vì các loại sách đó chỉ cần copy, scan, vì vậy sẽ xảy ra tình trạng lỗi dàn trang, sai chính tả, mất trang… là điều không thể tránh khỏi. Và những người làm sách lậu thường chọn loại giấy xấu hơn, mỏng hơn, kém chất lượng hơn, khổ nhỏ hơn để giảm bớt chi phí.

Ông Trần Hoàng Minh (Giám đốc kinh doanh Công ty Saigon Books) cho biết: “Độc giả sẽ bị ảnh hưởng quyền lợi khi phải bỏ tiền ra nhưng không mua được loại sách có chất lượng. Với công nghệ in ấn hiện giờ thì sách lậu và sách thật có tỷ lệ giống đến mức 8/10, 9/10. Về cơ bản độc giả sẽ không phân biệt được đâu là sách thật đâu là sách lậu.”

Empty

Cần có sự kết hợp

Trong biên bản cuộc họp về việc chống vi phạm bản quyền trên mạng internet ngày 1/8/2017, bà Lê Thị Hồng Hạnh (Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP.HCM) chia sẻ: “Các công ty sách, các NXB khi phát hiện ra mình bị vi phạm bản quyền thì nên xác định đúng chủ sở hữu quyền (thường các NXB ký hợp đồng với tác giả chỉ nắm độc quyền trong 3 năm) có thể các công ty phối hợp với tác giả để áp dụng. Theo Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ, để bảo vệ quyền của mình các công ty nên cùng nhau kiến nghị lên các cơ quan quản lý để các cơ quan quản lý trong thẩm quyền của mình có thể xử lý hoặc cùng nhau đưa vụ việc ra tòa”

“Các đơn vị xuất bản cần phải có ý thức và quyết tâm đấu tranh chống lại sự xâm hại này. Cụ thể là tiến hành sao chụp, ghi nhận các chứng cứ vi phạm và phản ảnh về đúng nơi, các cơ quan chức năng để kịp thời đấu tranh khắc phục. Văn phòng phía Nam đã kiến nghị Ban thường vụ Hội có văn bản phản ảnh và kiến nghị đến các bộ chức năng để các bộ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn vào cuộc đấu tranh xử lý triệt để tệ trạng này.” - ông Lê Hoàng (Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM) cho hay.

Việc quản lý, xử lý các trường hợp in ấn sách lậu cần phải có sự kết hợp chặt chẽ từ các cá nhân, các công ty sách, các NXB và các ban ngành lãnh đạo, cơ quan chức năng, vì chỉ có như thế mới đủ sức răn đe và xử lý nghiêm minh những trường hợp như vậy.

Các công ty sách, các NXB cần phải có kế hoạch giám sát, kiểm soát hoạt động in ấn của mình từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng để bảo đảm rằng việc in lậu không thể diễn ra. Các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan chức năng cần phải nghiêm khắc hơn trong việc xử lý vi phạm; nên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra vi phạm; xử lý chặt chẽ, đồng bộ hơn; xử lý một cách triệt để trên từng trường hợp…

Chế tài quá nhẹ!

 Theo Nghị định 56/2006/NĐ-CP mức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động in lậu cao nhất chỉ dưới 30 triệu đồng. Đặc biệt, với một số vụ in lậu lớn có tính chất nghiêm trọng nếu xử theo Điều 271 Luật Hình sự, mức phạt tù cao nhất chỉ một năm. Như vậy có thể thấy việc xử lý như thế chưa đủ sức ảnh hưởng đến các tổ chức in lậu hoặc khi bị xử lý xong cũng sẽ tiếp tục tình trạng đó vì lợi nhuận mang lại cao gấp nhiều lần so với mức xử phạt phải chịu.

Hoàng Uyên - Liên Nguyễn

Theo NTD

largeer