Sao lại quy định hạn mức với ví điện tử?

Thứ ba, 04/06/2019, 09:32 AM

Ví điện tử là phương thức thanh toán không dùng tiền mặt - xu hướng đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến khích. Thế nhưng dự thảo sửa đổi Thông tư 39 lại đưa ra hạn mức giao dịch với ví điện tử, điều này vô tình đẩy người tiêu dùng sang các kênh thanh toán khác.

Quy định tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử của cá nhân là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng đang khiến các doanh nghiệp ví điện tử băn khoăn và người tiêu dùng lo lắng.

Quy định tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử của cá nhân là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng đang khiến các doanh nghiệp ví điện tử băn khoăn và người tiêu dùng lo lắng.

Kênh thanh toán hiện đại nhưng bị hạn chế giao dịch

Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39 của NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, NHNN quy định tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử của cá nhân là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng. Đối với ví điện tử của tổ chức, hạn mức này là 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng. Dự thảo đang lấy ý kiến góp ý, đến ngày 18/6/2019 thì chốt ý kiến để đưa ra quyết định.

Quy định này đang khiến các doanh nghiệp ví điện tử băn khoăn và người tiêu dùng lo lắng. Chị Phương (quận 7, TP.HCM) cho rằng, hạn mức này quá thấp, sẽ làm khó người tiêu dùng khi muốn mua một số sản phẩm cần thiết. Chẳng hạn, chiếc điện thoại iPhone mới có giá trên 20 triệu đồng, nếu áp dụng quy định mới, chị sẽ không mua được bằng ví điện tử. Đó còn chưa kể nhiều dịch vụ khác có giá trị lớn. “Hồi đâu năm, tôi mua vé cho cả gia đình 4 người đi du lịch Hàn Quốc với tổng chi phí hơn 120 triệu đồng. Nếu chỉ được xài tối đa 100 triệu đồng/tháng thì tôi thà dùng tài khoản ngân hàng còn hơn” - chị Phương giãi bày.

Theo NHNN, hiện cả nước có gần 30 tổ chức không phải là ngân hàng được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (có dịch vụ ví điện tử) như MoMo, Payoo, Moca, Air Pay, Vimo, Viettel Pay, Zalo Pay, 1Pay... Tới nay đã có trên 4 triệu tài khoản ví điện tử liên kết với tài khoản ngân hàng và chỉ có 3-4 ví có số người dùng đáng kể. Hạn mức hiện nay của các ví cũng chưa phải là nhiều.

Đại diện ví Zalopay cho biết, khách hàng cá nhân chuyển tiền từ ví sang ví hoặc ngân hàng để mua sắm có thể giao dịch tối đa mỗi ngày 5 lần, mỗi lần 5 triệu đồng, mỗi tháng là 50 triệu đồng (nếu xài không hết hạn mức vẫn bị giới hạn trong 5 giao dịch). Để thanh toán các khoản phí khác sẽ có hạn mức riêng, như trả tiền điện là tối đa 50 triệu đồng/giao dịch/ngày, tiền nước là 20 triệu đồng/giao dịch/ngày, mua thẻ điện thoại là 2-5 triệu đồng/30 ngày. Với thẻ Momo, người tiêu dùng chỉ được nạp tối đa là 50 triệu đồng vào ví, mỗi ngày giao dịch không quá 20 triệu đồng.

Theo giải thích của NHNN, hiện giao dịch bình quân ví điện tử chỉ khoảng 1,7 triệu đồng/tháng. Vì vậy, quy định này nhắm đến các hoạt động bất thường chứ không phải mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt.

Chuyên gia tài chính, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, bản chất thanh toán ví điện tử và ngân hàng trực tuyến như nhau. Nếu áp mức trên thì quá thận trọng.

Chuyên gia tài chính, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, bản chất thanh toán ví điện tử và ngân hàng trực tuyến như nhau. Nếu áp mức trên thì quá thận trọng.

Quá thận trọng?

Đánh giá về hạn mức trên, lãnh đạo của một công ty kiểm toán lớn tại TP.HCM nói, đối với sản phẩm mới đang thử nghiệm, chưa biết có thể xảy ra hậu quả xấu gì hay không, cũng cần thận trọng. “Chẳng hạn các trường hợp trấn lột hay tống tiền. Thẻ tín dụng thì có nhiều cơ chế kiểm soát nhưng ví điện tử thì thanh toán rất nhanh” - vị này cho biết.

Đáp lại ý kiến này, đại diện một công ty ví điện tử cho rằng người tiêu dùng có thể an tâm khi xài ví điện tử vì có nhiều lớp bảo mật. “Ví dụ như trường hợp bị trấn lột điện thoại, người dùng vẫn không lo bị mất tiền trong ví. Điện thoại thông minh thường có 2 lớp bảo mật (mật khẩu số và vân tay), app ví điện tử còn có mật khẩu riêng. Chưa nói ví điện tử có thể thiết lập nhiều chế độ bảo mật bổ sung như: Cứ vài phút là thoát tài khoản một lần, thiết lập xác nhận giao dịch bằng vân tay...” - vị này giải thích.

Đại diện công ty trên nói thêm, nên cho người tiêu dùng sử dụng hạn mức như với thẻ ngân hàng. Họ tự ý thức được khả năng tín dụng mà đăng ký hoặc tự cài đặt chế độ trong tài khoản. Cơ bản không phải hạn mức bao nhiêu là đủ, mà theo nhu cầu của người tiêu dùng. Ông nhấn mạnh: “Tài sản của người tiêu dùng thì họ có quyền quyết định chứ?”.

Chuyên gia tài chính, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, hạn mức trên chỉ thích hợp với những người tiêu dùng đơn giản, ít mua sắm. Còn những người thường sử dụng tài khoản điện tử để kinh doanh (dù lớn hay nhỏ) là quá thấp. Bản chất thanh toán ví điện tử và ngân hàng trực tuyến như nhau. Nếu áp mức trên thì quá thận trọng.

Theo ông Hiển, nên cho người dùng tự đăng ký hạn mức. Người nào sợ rủi ro thì họ đăng ký hạn mức thấp, người có nhu cầu giao dịch cao thì họ có quyền đăng ký mức phù hợp. “Nếu hệ thống chặt chẽ thì 1 đồng hay 100 đồng cũng như nhau thôi, không thể nói giao dịch có giá trị 100 triệu rủi ro cao hơn 1 triệu đồng được” - TS. Hiển nhận xét.

Các công ty ví điện tử hiện được xem là trung tâm thanh toán của người tiêu dùng. Hầu như mọi dịch vụ tiêu dùng đều có thể thanh toán qua ví điện tử: Uống cà phê, mua đồ ăn, thanh toán tiền điện nước, mua vé máy bay, trả phí dịch vụ giúp việc... Ngoài các giao dịch quốc tế với thẻ tín dụng thì hầu hết các giao dịch trên ví điện tử hiện nay đều không thu phí người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng còn được giảm giá. Là một công cụ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng cũng như đáp ứng xu hướng không dùng tiền mặt. Nếu bị hạn chế, người tiêu dùng dễ bị đẩy sang các kênh thanh toán khác như ngân hàng hay thậm chí là dùng tiền mặt để giao dịch.

Hoàng Yến

Theo NTD

largeer