“Sau ánh hào quang” có lỗi hay nghệ sĩ kể chuyện có lỗi?

Thứ năm, 14/12/2017, 14:01 PM

Sau khi "Sau ánh hào quang" tập 10 (nghệ sĩ Lê Giang "tố" Duy Phương bạo hành) phát sóng, khá nhiều nghệ sĩ cũng như khán giả đã nêu ý kiến “tẩy chay” chương trình. Trong thời buổi các talk show "mọc lên như nấm" và có điểm chung là khai thác đời tư của những người nổi tiếng thì câu hỏi được đặt ra: “Sau ánh hào quang" có lỗi hay người nghệ sĩ kể chuyện có lỗi?

Nếu có một phép so sánh nhỏ thì "Sau ánh hào quang" có nét tương đồng với một talk show đã xuất hiện từ nhiều năm về trước là "Lần đầu tôi kể". Cũng là một người dẫn chuyện, một người kể chuyện nhưng "Lần đầu tôi kể" tinh tế hơn là không để lộ diện gương mặt người dẫn chuyện. MC dẫn dắt chương trình "Lần đầu tôi kể" có biệt danh là anh Bờ Vai và cho đến tận bây giờ cũng không ai biết anh Bờ Vai có khuôn mặt ra sao, ngoài thông tin anh là một người đàn ông có giọng nói trầm ấm, gần gũi và là một người rất sâu sắc. Có lẽ, chính do sự “bí ẩn” này của anh Bờ Vai đã làm cho chương trình "Lần đầu tôi kể" không chỉ có một nét đặc trưng dễ nhận diện mà còn giúp khán giả giảm bớt sự tập trung chú ý vào MC và dồn hết vào khách mời kể chuyện.

Cách khai thác nhân vật của "Lần đầu tôi kể" cũng rất nhẹ nhàng và tế nhị. Cũng là những câu chuyện về sự nghiệp, về đời tư nhưng anh Bờ Vai không hỏi xoáy đáp xoay mà để cho nghệ sĩ kể câu chuyện của mình một cách rất tự nhiên, không gượng ép, không gò bó về cảm xúc. Từ đó, người xem cảm nhận được nhiều hơn về câu chuyện của người nghệ sĩ.

Còn "Sau ánh hào quang", không thể phủ nhận Trấn Thành là một MC giỏi, một người linh hoạt và dẫn dắt câu chuyện rất tài. Tuy nhiên, không rõ cơ sự thế nào (do chương trình quy định hay do bản thân Trấn Thành) mà dường như ở "Sau ánh hào quang", Trấn Thành đang cố gắng xây dựng câu chuyện của khách mời đi theo hướng đầy bi thương, đau khổ làm cho người xem hình dung cuộc đời của những người nghệ sĩ chỉ toàn một màu đen, tiêu cực.

Với việc khai thác đời tư là thông điệp chủ yếu của cả 2 talk show thì việc trong lúc người kể chuyện đang mải mê trôi dạt theo cảm xúc thì khó tránh khỏi việc nhắc đến tên một nhân vật nào đó mà họ cho rằng đã làm cho cuộc sống của họ có những khoảng lặng, hoặc những tháng ngày đau khổ. Sự tinh tế ở đây là được thể hiện qua cách biên tập nội dung của mỗi chương trình. Thế nên, hầu như trong "Lần đầu tôi kể" không có ai "được" nêu đích danh là một nhân vật xấu, ác độc hay vũ phu… trong cuộc đời của người nghệ sĩ kể chuyện. Ngược lại, "Sau ánh hào quang" những nhân vật đó lộ diện chân tướng một cách rõ ràng, cụ thể và điều này đã ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến cuộc sống của họ - những nhân vật được kể.

Trong tập phát sóng của nghệ sĩ Lê Giang, nghệ sĩ Duy Phương, chồng cũ của cô được nhắc đến như một ông chồng tệ bạc, một kẻ vũ phu máu lạnh. Sau khi chương trình được phát sóng thì mọi sự chửi rủa, tẩy chay dồn dập đổ về Duy Phương, làm cho cuộc sống nam nghệ sĩ đảo lộn và ông đã phải nghĩ đến cái chết. Duy Phương lên báo và đính chính rằng, ông không phải là một con ác thú, ông không ném Lê Giang xuống cầu thang, những đêm diễn xong ông phải chở con về nhà một mình, còn Lê Giang đi vũ trường đến 4 giờ sáng. Vậy thì, câu chuyện của ai mới là đúng? Có thể Duy Phương đã đối xử không đúng với Lê Giang và về phía Lê Giang cũng không đúng với Duy Phương. Nhưng chắc chắn rằng, khi Lê Giang hay bất cứ nghệ sĩ nào khác ngồi ở vị trí đó và được hỏi những câu hỏi như thế họ sẽ phải luôn trả lời rằng họ là những người đau khổ, là người bị bạo hành. Như vậy, câu chuyện được kể ra chỉ là một chiều và không có được một cái nhìn toàn diện, khách quan.

Lê Giang nức nở với Trấn Thành trong

Lê Giang nức nở với Trấn Thành trong "Sau ánh hào quang" tập 10 (Ảnh: 24h.com)

Một điểm khác cần phải nhắc đến trong việc lựa chọn khách mời để xuất hiện trên các talk show truyền hình. Đó là, các nhà sản xuất cần phải thấu đáo hơn trong việc sẽ đưa nhân vật nào lên sóng. Người nghệ sĩ được mời đến để chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình không cần phải là những ngôi sao hạng A đình đám hay những người có quá nhiều thị phi ồn ào, mà người nghệ sĩ được mời đến kể chuyện phải là một người có câu chuyện đặc sắc, có nghị lực, có bản lĩnh, có tâm với nghề để khán giả có thể hình dung được cuộc đời nghệ sĩ không phải chỉ toàn màu hồng hay màu đen mà đó là một cuộc đời cũng như bao người khác, có thăng trầm, có lúc này lúc khác. Và đặc biệt, sau tất cả họ vẫn vượt qua và cống hiến những điều tốt đẹp cho khán giả.

Chốt lại cho câu hỏi “Sau ánh hào quang" có lỗi hay người nghệ sĩ kể chuyện có lỗi thì có lẽ chỉ có một câu trả lời duy nhất là không bên nào có lỗi! Nghệ sĩ kể chuyện không có lỗi vì họ kể câu chuyện đã từng diễn ra trong cuộc đời của họ, bản thân chương trình cũng không có lỗi vì đây là một chương trình hay, có giá trị nhân văn. Chỉ có những người sản xuất có lỗi, vì họ đã không tử tế và đàng hoàng với chính chương trình của mình. Nếu như họ chú trọng nhiều hơn vào việc xây dựng nội dung, biên tập gạt bỏ bớt những điều thuộc về phần câu view, tăng lợi nhuận thì có lẽ chương trình "Sau ánh hào quang" đã không gặp sự cố bị khán giả đòi “tẩy chay” như những ngày qua.

Theo Đức Tiến - NTD

largeer