Sau cà chua, su hào và... giáo viên, chúng ta còn phải “giải cứu” những gì?

Thứ hai, 19/03/2018, 07:28 AM

Vụ việc 500 giáo viên (GV) ở Đắk Lắk có nguy cơ thất nghiệp đang chưa tìm ra giải pháp, thì lại xuất hiện tình trạng nông sản ở nhiều địa phương như su hào, cà chua, củ cải giá quá rẻ mạt, nông dân phải đổ bỏ, chờ “giải cứu”.

Khoảng 500 GV ở Đắk Lắk sắp mất việc, cơ quan chức năng lúng túng

Khoảng 500 GV ở Đắk Lắk sắp mất việc, cơ quan chức năng lúng túng "giải cứu". Ảnh: PV

Vụ việc khoảng 500 GV sắp mất việc đang hé lộ nhiều hiện tượng tiêu cực như nhận tiền chạy việc, ăn chặn tiền lương GV. Đương nhiên là do một bộ phận cán bộ suy thoái, cả GV cũng kém bản lĩnh.

Nhưng nguyên nhân sâu xa là chúng ta đang thiếu tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch, dự báo, đào tạo, sử dụng GV. Tình trạng mất cân đối giữa đào tạo và sử dụng, thừa thiếu GV cục bộ đã diễn ra từ lâu, trên phạm vi cả nước nhưng các cơ quan có trách nhiệm quản lý điều hành đều lúng túng, mặc cho thực tế “tự điều chỉnh” và để xảy ra những hệ lụy như ở Đắk Lắk, Thanh Hóa, Hà Tĩnh.

Nhiều địa phương hiện nay cũng đang lãng phí ngân sách rất lớn khi phải trả lương cho hàng nghìn GV dôi dư.

Không chỉ sư phạm, mà hàng trăm nghìn cử nhân của nhiều ngành khác, cũng khó khăn, bế tắc trong tìm kiếm việc làm đúng chuyên ngành đào tạo.   

Chuyện nông sản giá rẻ mạt ở nhiều địa phương như Nghệ An (cà chua giá 3.000 đ/kg), Hải Dương, Hà Nội (su hào, củ cải giá 500 đồng/củ), đến mức nông dân thua lỗ, phải cho lợn ăn hay đổ bỏ hàng loạt là chuyện đau lòng, và… đau đầu.

Tình trạng nói trên đã diễn ra nhiều năm qua. Năm 2017, hàng nghìn hộ nuôi lợn điêu đứng vì giá thu mua quá thấp. Lời kêu gọi “giải cứu” lợn được hưởng ứng khá rộng rãi, tuy nhiên, người nông dân vẫn thua thua lỗ nặng nề.

Câu trả lời muôn thuở cho nguyên nhân sự việc là mất cân đối cung cầu, không chủ động thị trường tiêu thụ… Không có ai bị kỷ luật, hay đứng ra nhận trách nhiệm cho những thua thiệt về kinh tế rất lớn của nông dân.

Chúng ta có hàng vạn GS.TS, rất nhiều Viện nghiên cứu, và đầy đủ cơ quan quản lý nhà nước phụ trách các lĩnh vực, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể… Tuy nhiên, có nhiều vấn đề chúng ta liên tục vị “việt vị” so với thực tế, lúng túng, bị động và thường khi hậu quả, hệ lụy đã xảy ra, mới loay hoay tìm cách “giải cứu”. Những sự “vào cuộc” muộn màng này thường kém hiệu quả.

Sau tình trạng GV, cử nhân thất nghiệp, nông dân thua lỗ, môi trường ô nhiễm…, chúng ta còn phải “giải cứu” gì nữa, đang là câu hỏi chưa có lời đáp.

Quang Đại

Theo Lao động

largeer