Sears, hãng bán lẻ từng thay đổi nước Mỹ, tuyên bố phá sản

Thứ tư, 17/10/2018, 14:37 PM

Sears là nơi mà cả nước Mỹ tập trung mua sắm trong suốt hơn 100 năm qua nhưng giờ đây, mọi chuyện đã chấm dứt.

Từng là công ty biểu tượng của nước Mỹ

Sears được thành lập năm 1886 bởi Richard Sears, ban đầu chỉ bán đồng hồ. Sau đó, hãng dần mở rộng ra các sản phẩm khác. Sears mở cửa hàng đầu tiên năm 1925 tại Chicago (Mỹ). Sears Tower (hiện có tên Willis Tower) là tòa nhà cao nhất thế giới khi mở cửa năm 1973. Trụ sở công ty sau đó chuyển sang Hoffman Estates, Illinois. Sears từng là công ty biểu tượng của nước Mỹ và phát triển bùng nổ trong các thập niên sau Đại chiến Thế giới II, khi tầng lớp trung lưu tại Mỹ tăng lên.

Sears từng là công ty biểu tượng của nước Mỹ

Sears từng là công ty biểu tượng của nước Mỹ

Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, hãng bán lẻ có 125 tuổi này đã phải vật lộn với các bài toán kinh doanh và chìm trong nợ nần. Khoản nợ 134 triệu USD không thể thanh toán vào thứ Hai vừa qua chỉ là giọt nước cuối cùng khiến Sears phá sản. Sự bành trướng Amazon, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Hoa Kỳ, đã khiến hàng chục hãng bán lẻ khác phải tuyên bố phá sản, trong đó có Sears Holdings, công ty mẹ, sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ Sears và Kmart.

Ngày 15/10/2018, Sears Holdings đã nộp đơn lên Tòa án Phá sản ở New York (Mỹ) xin bảo hộ phá sản theo điều luật 11. Đại diện của Sears Holdings tuyên bố, hãng vẫn sẽ giữ các cửa hàng có lợi nhuận mở, cùng với các trang web mua sắm trực tuyến Sears và Kmart. Tuy nhiên, điều đó cũng không chối bỏ được thực tế rằng, từ nay cho đến cuối năm nay, Sears sẽ phải đóng cửa ít nhất 142 cửa hàng. Con số này chưa tính vào số 46 cửa hàng đã được lên kế hoạch đóng cửa trong tháng 11/2018. Eddie Lampert, Chủ tịch và cổ đông lớn nhất của công ty, người từng sáp nhập Sears và Kmart vào năm 2005, đã rời bỏ chức Giám đốc điều hành của Sears. Thay vào đó, Sears sẽ bổ nhiệm tới 3 người cùng đảm trách vai trò Giám đốc điều hành.

Sears thất thế trong cuộc chiến với hệ thống cửa hàng trực tuyến

Trong nhiều thập kỷ qua, các đối thủ lớn như Walmart, Home Depot…, các hệ thống cửa hàng trực tuyến đã cướp hết khách hàng của Sears nhờ ưu thế về sự tiện lợi và giá cả cạnh tranh. Bản thân Sears cũng bộc lộ những yếu kém như không đầu tư cho vấn đề quảng cáo, bảo trì, hiện đại hóa chuỗi cửa hàng của mình. Hệ quả là hệ thống cửa hàng Sears và Kmart trở nên cằn cỗi và dần bị thu hẹp, doanh số giảm, các khoản lỗ tăng khủng khiếp (tính theo đơn vị tỷ USD).

Thông báo ngừng bán hàng tại một cửa hàng của Sears ở New York

Thông báo ngừng bán hàng tại một cửa hàng của Sears ở New York

Khi nợ chồng thêm nợ, khoản dự trữ tiền mặt của hãng biến mất, Sears buộc phải bán những tài sản quý giá nhất của mình, kể cả tài sản bất động sản để duy trì hoạt động. Năm 2014, thương hiệu của Lands End của Sears bị xóa sổ. Năm 2017, Sears bán phá giá thương hiệu Craftsman, tiếp theo đó là thương hiệu Kenmore. Tháng 9/2018, giá trị thị trường của Sears đã giảm xuống dưới 100 triệu USD, thấp hơn một phần tư giá trị của Kenmore.

Năm 2010 là năm cuối cùng mà Sears có lợi nhuận và kể từ đó đến nay, hãng đã mất 11,7 tỷ USD, doanh thu giảm 60%. Và kể từ năm 2005 đến nay, Sears đã phải đóng cửa 2.600 cửa hàng của mình, một con số khủng khiếp. Bắt đầu từ năm ngoái, thương hiệu thiết bị gia dụng Whirlpool từ chối hợp tác với Sears và Kmart, kéo theo một loạt các nhãn hiệu khác tháo chạy khỏi hệ thống bản lẻ lâu đời này. Sears chỉ còn chiếm 3% doanh thu của Whirlpool trên toàn thế giới trong năm 2017.

Tháng 9/2018, ông Lampert đã đề nghị Sears tái cơ cấu tài chính của tập đoàn nhưng vấn đề không đơn giản. Sears đã hết tiền mặt, lần đầu tiên trong lịch sử, cổ phiếu của tập đoàn nhanh chóng giảm xuống dưới  1 USD/ một cổ phiếu trong khi cách đây hơn 10 năm, con số này là 100 USD/ một cổ phiếu.

Trong tương lai, có thể sẽ có một tập đoàn lớn đứng ra mua lại Sears, thương hiệu lâu đời của nước Mỹ. Nhưng đó không phải là vấn đề một sớm một chiều và còn hiện tại, sự phá sản của Sears chính là bài học quý giá đối với doanh nghiệp về sự thích ứng với thời cuộc để tồn tại và phát triển.

Thế Anh

NTD

largeer