Seoul - Bạn có mất gì không?

Thứ tư, 21/03/2018, 10:49 AM

Incheon “cảng hàng không tốt nhất thế giới” cho tôi một cú sốc cảm xúc. Chạnh nghĩ đến những cô dâu người Việt xuất thân từ đồng ruộng làng quê dầm chèo sông nước. Chắc chắn họ rất choáng ngợp và sợ hãi. Đã từng transit ở Bắc Kinh khi vào Mỹ, từng transit ở Frankfurt khi vào Hungari, tôi không khỏi so sánh và bỗng thấy rất có cảm tình với Incheon: nó lấp lánh một cách thân thiện châu Á.

Một gương mặt thân thương xuất hiện ở sảnh đón: Joo Young Kim (tên Việt là Châu Linh - người dịch truyện Xuân nữ  và tản văn Hẻm chìm của tôi ra tiếng Hàn). Một chiếc khăn mới coóng lấy từ trong hộp ra, cô bạn quàng lên vai tôi sự ấm áp kỳ diệu của một tấm lòng. Joo Young cùng chồng Hyun Woo Kwon (Vũ) hay đưa tôi vào thế giới của xứ sở kim chi qua những bữa ăn dịu dàng ở nhà tôi. Cũng chính họ đưa nhà văn Kim Nam-il đến Thanh Đa để từ đó, chuyến đi của tôi hình thành, bởi nhà thiết kế giàu tình yêu Việt Nam này. 

Một giờ taxi trên đường nối Incheon với trung tâm thủ đô, những ngọn núi, những dáng cây không biết tên trong mùa giá rét cho thấy tính cách một quốc gia có nền kinh tế đứng thứ mười thế giới: người ta phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt và với chế độ độc tài để nhích lên, mạnh mẽ và sáng tạo.

Bề nổi các quận trung tâm gửi một bản sao gần giống Washington D.C. Những khu nhà hình hộp mái bằng đồng loạt như quân ngũ. Những ngọn cây không quá cao. Những trụ sở ngay từ khi hòa nhập sau đổ nát đã nhất quyết mang tinh thần kiến trúc Âu - Mỹ. Kỷ cương giao thông nghiêm ngặt. Và hàng triệu người ngày ngày đi lại trong lòng đất: địa hình của nước bạn dễ dàng xây dựng làm nên trật tự hơn Việt Nam, hay là do tư duy và do gì gì nữa? Seoul và Hà Nội gần như có cùng niên đại: thế kỷ thứ XI ở bán đảo Triều Tiên, vương triều Goryeo quyết định xây dựng Nam Đô (Namgyeong), thì ở Nam Việt, nhà Lý dời đô từ Ninh Bình ra Bắc, lấy tên là Thăng Long. Một ngàn năm Seoul và một ngàn năm Thăng Long là tiếng thở dài cố nén từ tôi...

Con dốc thoai thoải gợi cảm của Khu sáng tác Yeonhui khiến nhớ Khu sáng tác Vũng Tàu. Yeonhui là một trong những khu sáng tác của Seoul và khu này được tài trợ từ ngân sách của thủ đô. Văn nghệ sĩ đến đây viết và vẽ, họ được in đôi bàn tay của mình lên đất và người ta đưa chúng đi nung để lưu giữ bên cổng kia. 

Trong khí lạnh buổi sớm được mặt trời đồng hành, chúng tôi thả bộ quanh khu phố để nhận diện một góc Seoul bằng những bước nhỏ. Thực sự đã trượt ở đâu đó mơ hồ nguy cơ chiến tranh trên bán đảo này và thảm họa hạt nhân cho thế giới. Thanh bình đến thế thì ai cũng sẽ gắng sức đẩy những lời hăm dọa đao to búa lớn về nơi vô nghĩa của nó. Có cô bạn trẻ Ngọc Tuyền (nghiên cứu sinh ở Seoul, phiên dịch cho tôi), chúng tôi liên tục trầm trồ và so sánh với đất nước trần ai của mình. Con hẻm rất cũ này sẽ dẫn ra một công viên lớn.

Ô tô cùng lên xuống được. Nó cũ nhưng không hẹp, không bị lấn chiếm vô tội vạ như những con hẻm xứ tôi. Những ngôi biệt thự người giàu với cổng và tường phong phú dấu ấn cá nhân, cả biển tên gia chủ. Điều đó nói lên rằng những dòng họ danh gia vọng tộc hoặc những người nổi tiếng được công khai tự hào về sự hiện diện của mình. Những trái hồng xứ lạnh duyên dáng trên những cành gầy để nuôi chim chóc. Yêu thương thấm đẫm hồn tôi. 

Làm việc ở phòng Thiền trên đỉnh núi Bu Am Dong. Ảnh: Yeonhui

Làm việc ở phòng Thiền trên đỉnh núi Bu Am Dong. Ảnh: Yeonhui

Tầng hầm thư viện của khu sáng tác dùng cho buổi tọa đàm thứ nhất cho thấy kiến trúc ấm áp tuyệt vời trong sườn đồi. Và buổi tọa đàm thứ ba ở một phòng Thiền của nhóm nhà báo lập ra trên đỉnh Bu Am Dong lại là cách thiết kế rất nghệ sĩ để chúng tôi được khám phá một con hẻm dốc đứng và những ngôi biệt thự mê hồn. Làm việc bằng tọa đàm, tham quan có chủ ý ở những nơi chính những nhà văn của thủ đô còn chưa khám phá hết, tôi cảm kích tận đáy lòng bởi có những nhà văn, nhà báo, nhà phê bình thích ngồi cạnh mình.

Đó là những người đã đọc Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Chim Trắng, Nguyễn Ngọc Tư, Hoàng Minh Tường..., họ đã từng đến Việt Nam trong nhiều chương trình tổ chức theo phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” do các đoàn thể xã hội hoạt động vì hòa bình ở Hàn Quốc tổ chức. Có cái gì đó song sinh giữa hai nước từ lịch sử kiến quốc dưới cái bóng bao trùm của văn hóa Trung Hoa, cho đến chiến tranh và những bên liên quan. Những gì con người Đại Hàn làm cho quốc gia và thủ đô của họ thật đáng nghiêng mình khâm phục.

Từng là đất nước nông nghiệp lâm chiến, nhất định các khu dân cư cũ của thủ đô vẫn còn đâu đó hoặc là nó đã bị trộn lẫn. Chúng tôi được thỏa chí trong chương trình dã ngoại không chê vào đâu được. Không phải ai người Seoul đều đã đặt chân đến khu phố cũ Ik-seon Dong. Nhìn từ trên cao, mái ngói cũ của khu phố như bị vây đuổi bởi những tòa nhà bê tông ngạo nghễ bốn bề. Người ta tồn tại bằng đấu tranh, chấp nhận và cam chịu. Điều an ủi duy nhất là họ được phục vụ du khách quốc tế suốt ngày. Sự tồn tại chính danh như phố cổ Hội An của Quảng Nam nhưng vẻ lọt thỏm của nó lại khiến nhớ những ngõ nhỏ của phố cổ Hà Nội. Và cuộc đấu tranh giữa những người sống trong khu cổ này cũng rất giống Hà Nội: không phá - phá, rồi phá - không phá.

Làng Bukjeong giáp với khu phố Seongbuk-dong xác nhận tâm trạng vừa phập phồng vừa thú vị ở tôi trong bước chân khám phá vội vã của mình. Làng ven đô, bãi xe buýt lên tận đỉnh dốc, những cụ già an nhiên ngồi trên ghế trạm đợi xe, mái ngói cũ để giữ gìn nếp nhà cũ, một số mái tole lỗ chỗ dần dừ nửa ở nửa đi, xe tải nhỏ đưa những viên than tổ ong lên cho các cửa hàng... và mùi kim chi, chao ơi, nhớ mùi tương Cự Đà - Hà Nội. Sao cứ nhớ và cứ phải so sánh với Hà Nội? Là vì ở đây làng cũ đã được dỗ dành để người ta không quẫy đạp, người ta có ô tô riêng trong bãi gửi dưới chân dốc, người ta có xe công cộng tiện ích và người ta sống trong an ninh, khá giả.

Thông điệp tâm hồn và văn hóa trong lề phố Seoul còn ở những con suối được làm máng cho mùa ướt. Trong mùa khô hanh, chúng hứng một vệt lá vàng ngày ngày thả xuống vẻ gợi cảm mê hoặc của thu đông. Chúng tôi dần dừ không muốn rời một khu tưởng niệm, đó là khu vườn của nhà ái quốc nổi tiếng thời chống ách đô hộ của người Nhật: nhà sư và cũng là nhà thơ Han Yong Woon. Nhà ông ở trong ngõ hẹp, chính quyền Seoul đã cho đặt bên đường lớn một bức tượng nhà thơ ngồi trầm ngâm với thế sự. Quá tuyệt! Tôi đã không cầm được nước mắt khi so sánh Han Yong Woon với nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm”.

Tôi đã được trải lòng về cảm xúc ấy với các bạn ngay bên đường, cạnh bức tượng của nhà sư - nhà thơ vĩ đại của họ và nhận được sự ngạc nhiên sâu sắc ở nhiều người. Dưới ách đô hộ của ngoại bang, thời nào, quốc gia nào cũng có những văn nghệ sĩ tiên phong, đó là điều tôi đã xác quyết thêm cho mình, giữa một đất nước nức tiếng nhờ đấu tranh, ở mọi thời kỳ. Và, tiệm trà vốn là nhà ở của cố nhà văn Lee Tae Joon, người năm 1988 đã bỏ ra miền Bắc với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, lại cho tôi thấy cái cách mà chính phủ và con người của nước bạn giãi bày về sự khoan hòa, chấp nhận và lưu giữ cả những gì khác biệt.

Có mất nhưng không để mất hết bản sắc, ấy là những gì vừa hiển lộ vừa kín đáo của Seoul mà tôi lặng lẽ tiếp nhận để so sánh với Việt Nam và Hà Nội, Sài Gòn của mình.

Một ngôi chùa thắp lên trong tôi hương vị thời tiền chiến 1930 -1945 của Việt Nam, thời nhà thơ Xuân Diệu viết Lời kỹ nữ và nhà thơ Huy Cận viết Đi giữa đường thơm. Chùa quá bề thế trong hình dung của tôi về sự hình thành chưa xa của nó: vốn là quán rượu của một kỹ nữ, người tình của một nhà thơ nổi tiếng. Ước nguyện của bà đã được một nhà sư bạn hữu thực hiện: biến đất và tiền của bà thành ngôi chùa để nhà sư hành đạo và để tưởng nhớ anh linh người tình của bà. Quả nhiên, mới từ năm 1997 đến nay, chùa Kil Sang Sa đã là điểm cầu an cho biết bao nhiêu người xa gần tìm đến. Nó còn nói thêm rằng, những ý định đường hoàng của cá nhân đã được cơ chế dân chủ cổ súy để làm phong phú thêm đời sống văn hóa và tâm linh mà có tận thấy thì mới tận ngấm vào những người xuất phát từ nơi ngơ ngác như tôi.

Những bữa ăn cũng được thiết kế uyển chuyển để chúng tôi cảm nhận được chiều sâu ẩm thực của Seoul. Những ngôi quán cổ cho thực khách ngồi bệt trên thảm rời; một quán khác khách ngồi trên ghế riêng. Và một tiệm chay trứ danh vào loại đắt nhất Seoul, 600.000 đồng Việt mỗi suất. Cơm biến thể cao hứng và khéo léo: cơm xào với rau rừng, cơm suông, cơm và các loại hạt ninh nhừ trong khoanh bí đỏ... Chao ơi Seoul và bạn bè tôi, các bạn đã cùng giữ gìn, tự hào và truyền bá văn hóa của mình qua những điều tế vi mà các bạn biết chắc, những nhà văn khách mời sẽ phải ghi nhớ trong bước chân lãng du của mình.

Seoul là thành phố 10 triệu dân - con số mà Sài Gòn của tôi đang vượt qua - Seoul, bạn có đánh mất nhiều không? Tôi bắt gặp một lý giải (gọi là trần tình cũng được) của Tổng thống Kim Dae-jung: “Cái giá phải trả cho phát triển kinh tế không thể là sự vô nhân đạo ở quy mô lớn, không thể là sự hy sinh cả sinh mạng và phẩm giá của một vài thế hệ, và cũng không thể dễ dàng xóa sạch di chứng tệ hại ở các thế hệ kế tiếp”. Ba mươi năm công nghiệp hóa sau chiến tranh và duy trì chế độ độc tài, các bạn đã thức tỉnh mạnh mẽ từ vị tổng thống cừ khôi - chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 2000.

Có mất nhưng không để mất hết bản sắc, ấy là những gì vừa hiển lộ vừa kín đáo của Seoul mà tôi lặng lẽ tiếp nhận để so sánh với Việt Nam và Hà Nội, Sài Gòn của mình. Tri ân, tâm đắc, lưu luyến và sẽ nhớ mãi, các bạn yêu quý của tôi! 

Dạ Ngân 

Theo Người độ thị

largeer