Show bắt chước người nổi tiếng có còn thu hút?

Thứ hai, 06/08/2018, 16:13 PM

Nếu năm 2016 là năm mà các show bắt chước người nổi tiếng nở rộ trên sóng truyền hình thì hiện nay sức hút của những chương trình mang format “bắt chước” dường như đang nhận về nhiều hơn các ý kiến trái chiều và không còn thu hút khán giả như trước.

Chương trình

Chương trình "Gương mặt thân quen" từng có thời gian làm mưa làm gió trên truyền hình

Bùng nổ gameshow bắt chước người nổi tiếng

Năm 2013, giữa lúc gameshow Việt đang bão hoà thì chương trình “Gương mặt thân quen” chính là “làn gió mới” khơi mào cho chủ đề ”bắt chước nghệ sĩ nổi tiếng”. Khán giả háo hức bởi những màn giả trai, giả gái thú vị, mang tính giải trí cao trong chương trình. Chương trình thu hút lượng lớn thí sinh tham gia mà đa số là những nghệ sĩ đã có tên tuổi và muốn được khán giả nhớ đến. Những “cơn sốt” mang tên Khởi My, Hoài Lâm, Thanh Duy cũng từ chương trình này mà được khán giả yêu mến nhiều hơn. Sự thành công của 6 mùa “Gương mặt thân quen” đã kéo theo “Gương mặt thân quen nhí” với 4 mùa đã được tổ chức, giúp đào tạo những em nhỏ trở thành “bản sao” của ca sĩ thần tượng.

Năm 2016, nối tiếp thành công của “Gương mặt thân quen”, một loạt show truyền hình khác với mục đích “bắt chước nghệ sĩ” nở rộ trên sóng truyền hình phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả Việt như “Ca sĩ giấu mặt”, “Biến hoá hoàn hảo” và mới nhất là “Ca sĩ thần tượng”.

"Ca sĩ thần tượng" là chương trình bắt chước người nổi tiếng mới nhất trong năm 2018

Những chương trình này đòi hỏi thí sinh tham gia phải bắt chước giọng hát, phong cách trình diễn của một người nghệ sĩ nổi tiếng nào đó. Tất nhiên, với tiêu chí đó thì người chiến thắng phải là người bắt chước giống với bản gốc nhất, từ vóc dáng, điệu bộ, cử chỉ đến giọng hát khiến khán giả ngạc nhiên và thích thú. Bên cạnh đó, format chương trình mới lạ cũng mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả.

Format “bắt chước” liệu có còn thu hút?

Các chương trình tôn vinh khả năng bắt chước, nhái giọng và sao chép phong cách người nổi tiếng nối tiếp nhau ra đời và dần biến thành nơi tôn vinh “tài năng bắt chước”, mà ở đó, người có tài nhái giọng, sao chép phong cách của người khác được xem là “tài năng”. Từ những chương trình chỉ đơn thuần là trò chơi giải trí nay đã trở thành nơi tìm kiếm tài năng. Và vì thế, những chương trình này cũng khiến nhiều người nghĩ rằng, chỉ cần hát cho thật giống một ca sĩ nổi tiếng nào đó là có thể trở thành ngôi sao.

Tuy nhiên, việc nở rộ của những dạng chương trình này cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Giới chuyên môn lẫn khán giả bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ tạo nên tư duy nghệ thuật lệch lạc ở một bộ phận nghệ sĩ trẻ khi xem sản phẩm bắt chước như một sáng tạo nghệ thuật. Hát, diễn giống hệt người khác chỉ là giỏi bắt chước, chỉ có giá trị nhất định chứ không phải là sáng tạo nghệ thuật.

Gameshow này đã gây nhàm chán bởi những hình tượng quá quen thuộc

Gameshow này đã gây nhàm chán bởi những hình tượng quá quen thuộc

Hiện nay, gameshow kiểu “bắt chước” dường như cũng đang khiến khán giả ‘bội thực” khi những chương trình này đang bị lặp đi lặp lại các hình tượng quen thuộc của một vài người nghệ sĩ nổi tiếng. Ngoài ra, những màn giả giọng và phong cách biểu diễn bắt chước người nổi tiếng của các thí sinh cũng không còn đặc sắc như những năm trước, khiến khán giả nhàm chán và không mấy hào hứng...

Truyền hình hiện vẫn đang là phương tiện thông tin giải trí thu hút lượng người xem lớn nhất. Nhiều gameshow, chương trình truyền hình ra đời với format đa dạng, mang tính giải trí cao khi có sự tham gia của nhiều người nghệ sĩ nổi tiếng cũng khiến khán giả khó tính hơn trong sự lựa chọn của mình.

Trúc Phạm

NTD

largeer