Sốt đất ở Bình Thuận: Nhà đầu tư thận trọng kẻo dính bẫy

Thứ hai, 13/05/2019, 14:06 PM

Những ngày qua người dân ở Bình Thuận ghi nhận sự xuất hiện của lượng lớn nhà đầu tư bất động sản đẩy mặt bằng giá đất tăng lên đột biến. Cơn sốt đất chủ yếu tập trung ở thị xã Lagi, Phan Thiết, hay trước đó là Mũi Kê Gà. Những phân tích về tiềm năng và lợi thế của địa phương bắt đầu được mổ xẻ, lúc này nhà đầu tư mới giật mình vì rất có thể mình đang dính bẫy sốt ảo.

Một khu resort bị bỏ chỏng chơ tại Bình Thuận.

Một khu resort bị bỏ chỏng chơ tại Bình Thuận.

Giá đất lên từng giờ

Trong vai đại gia ở TP.HCM đi tìm mua đất Phan Thiết vào một ngày sáng Chủ nhật cuối tháng 4/2019, chúng tôi ngạc nhiên khi gặp nhiều vị khách cũng đang tìm mua đất ở xung quanh các xã, nơi sẽ có dự án sân bay Phan Thiết triển khai trong tương lai.

Những người này đi từng tốp 2-5 người, mua chung cũng có, mua riêng cũng có, nhiều giao dịch diễn ra rất chóng vánh. Tấp vào một quán cà phê thuộc khu vực xã Tiến Thành chúng tôi thấy có ít nhất 10 tốp người đang ngồi bàn tán xôn xao về đất đai.

Một bạn sale tên Tuấn, tầm 30 tuổi, trông khá trẻ cho biết mình kinh qua rất nhiều thương vụ đầu tư ở Phú Quốc, Vũng Tàu và giờ là ở Phan Thiết. Sau khi biết chúng tôi đang có nhu cầu tìm đất đầu tư ở Phan Thiết, Tuấn tư vấn: “Các anh bây giờ mới mua thì hơi trễ nhé, giá đất đã lên hơi cao, tuy vậy cứ xuống tiền bảo đảm lời ngay lập tức. Hồi năm ngoái giá đất nông nghiệp khu này (xã Tiến Thành, Phan Thiết - PV) chỉ 300 triệu đồng/sào nhưng giờ phải cả tỷ mới mua được. Các anh cứ ôm đi, đợi sân bay với cao tốc triển khai chắc chắn lợi nhuận phải gấp 2, gấp 3 lần”.

“Năm ngoái em tư vấn cho 1 nhóm người cũng từ Sài Gòn ra mua 1ha đất ở xã Thiện Nghiệp chỉ 200 triệu đồng, vậy mà vừa rồi họ bán được 2 tỷ đồng lô đất đó” - Tuấn khoe với chúng tôi.

Thực tế giá đất tại một số xã ven biển điểm nối giữa thị xã Lagi tới TP. Phan Thiết, các khu vực lân cận nơi được cho là sẽ triển khai sân bay Phan Thiết được hỏi mua nhiều hơn cả. Một số vị trí đất được mua bán liên tục, thậm chí theo chia sẻ của một số môi giới, có người đặt cọc vào buổi sáng buổi chiều lại có người hỏi mua, ngay lập tức lô đất sẽ được bán chênh hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ.

Những diễn biến đang diễn ra trên thị trường bất động sản một số khu vực Bình Thuận được nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm đánh giá giống hệt cơn sốt đất từng diễn ra tại Bắc Vân Phong hay Phú Quốc trong thời điểm luật đặc khu đang được bàn bạc.

Đất bao la bạt ngàn vắng bóng người ở nhưng vẫn được giới thiệu là sốt.

Đất bao la bạt ngàn vắng bóng người ở nhưng vẫn được giới thiệu là sốt.

Thận trọng kẻo dính bẫy bơm thổi

Những đợt sóng tăng giá tại Bình Thuận có liên quan đến các thông tin về hạ tầng giao thông, trong đó đầu tiên phải kể tới việc tỉnh Bình Thuận có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư làm 3 tuyến đường trọng điểm, cấp bách ven biển. Đó là đường ĐT 719B Phan Thiết - Kê Gà, thiết kế dài 25,4km, rộng 16m, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; đường ĐT 719 Kê Gà - Tân Thiện (đã hư hỏng nặng), thiết kế dài 32,4km, rộng 8m, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng; đường ĐT 711 có điểm đầu giao quốc lộ 28 (Hàm Thuận Bắc) cắt ngang quốc lộ 1A, điểm cuối giao trục ven biển ĐT 706B, dài 41km, tổng mức đầu tư 1.490 tỷ đồng. Vừa qua tỉnh Bình Thuận cũng đã đầu tư hoàn thành trục đường Hòa Thắng - Hòa Phú (tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng)  nối liền mạch ven biển phía Bắc tỉnh từ Phan Thiết - Tuy Phong.

Trong đó, việc tỉnh Bình Thuận tích cực phối hợp với các bộ - ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy sự phát triển của địa phương như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết - Nha Trang và sân bay Phan Thiết là điểm mấu chốt kích thị trường địa ốc khu vực này sôi động.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà quan sát thị trường, thực tế thông tin sân bay và cao tốc đã xuất hiện ở Bình Thuận từ năm 2012 nhưng tới nay vẫn chưa động đậy. Và mỗi năm người ta lại thấy một đợt sóng bất động sản sau những thông tin “sẽ” và “sắp” triển khai các dự án này.

Trên các diễn đàn về đầu tư bất động sản, nhiều nhà quan sát thị trường cũng đã có những đánh giá thẳng thắn về khu vực Bình Thuận. Một nhà đầu tư cho rằng, bãi biển địa phương này cực kỳ dốc và nhỏ hẹp, tốc độ phát triển của TP. Phan Thiết cũng chậm hơn nhiều so với địa phương khác như Nha Trang hay Đà Nẵng nên rất lâu nữa thì địa phương này mới sánh kịp để phát triển du lịch.

Một nhà đầu tư khác cho rằng, mua bất động sản là đầu tư cho tương lai, nhưng rất tiếc giá bất động sản Phan Thiết bây giờ có chỗ còn cao hơn cả giá của Nha Trang hay Phú Quốc hiện tại. Như thế thì rất bất hợp lý nếu nói trên phương diện đầu tư.

Thực tế đã trả lời, sau khoảng 1 tháng sốt thì hiện nay giá đất Phan Thiết đang trên đà giảm sâu trong khi giá đất tại Nha Trang - Phú Quốc không hề xuống mà vẫn đều đặn tăng với biên độ mỏng.

Trước đó, nhiều nhà đầu tư cũng đã ôm trọn quả đắng tại Phú Quốc khi cơn sốt lên tới đỉnh, khách hàng thứ cấp ôm đất nhưng không thể bán vì giá quá cao. Thậm chí, nhiều người đã phải chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn trả ngân hàng.

Sơn Vũ

Theo NTD

largeer