Sự phát triển mong manh đầy rủi ro của các hãng hàng không giá rẻ

Thứ bảy, 02/12/2017, 14:36 PM

Hàng không là một ngành kinh doanh nhạy cảm và mong manh. Điều hành và quản lý đội ngũ nhân sự từ phi công, tiếp viên và nhân viên kỹ thuật... quản lý tài chính và đội máy bay hiệu quả luôn là bài toán khó cho doanh thu của các hãng hàng không.

Bill Diffenderfer, CEO của hãng hàng không chết yểu Skybus Airlines cho rằng đầu tư vào hàng không là “vụ đặt cược vô cùng mạo hiểm”. (Ảnh: eTurboNews).

Bill Diffenderfer, CEO của hãng hàng không chết yểu Skybus Airlines cho rằng đầu tư vào hàng không là “vụ đặt cược vô cùng mạo hiểm”. (Ảnh: eTurboNews).

Bên cạnh đó, các hãng luôn phải đối phó với những bất trắc do thời tiết, thảm họa thiên nhiên như động đất, núi lửa phun đến dịch bệnh... gây ra. Khủng bố cũng là nguyên nhân khiến hành khách co cụm, quay lưng lại với hàng không, chính phủ siết chặt kiểm soát.

Các vụ phá sản hàng loạt của các hãng hàng không châu Âu và thế giới gần đây buộc các nhà phân tích xem xét lại sự phát triển mong manh của các hãng này trong thời gian vừa qua.

Hãng hàng không Skybus Airlines phá sản chỉ sau chưa đầy một năm hoạt động.

Hãng hàng không Skybus Airlines phá sản chỉ sau chưa đầy một năm hoạt động.

Bốn hãng hàng không châu Âu phá sản liên tiếp trong năm tháng

Ngày 11/9, hãng hàng không lớn thứ hai của Đức là Air Berlin tuyên bố sẽ chấm dứt các chuyến bay của hãng từ Berlin và Dussendorf đi các thành phố của Hoa Kỳ và vùng Địa Trung Hải kể từ ngày 25/9. Trước đó gần một tháng, Air Berlin nộp đơn xin phá sản do thua lỗ 1,2 tỷ euro trong hai năm 2015-2016.

Trước đó, vào tháng 9/2016, hãng này đã công bố kế hoạch tái cơ cấu lớn, theo đó giảm gần 144 máy bay xuống còn 75 máy bay và chỉ tập trung khai thác các thị trường lớn thông qua hai sân bay Berlin và Dussendorf. Nhưng kế hoạch này không cứu vãn được số phận của Air Berlin.

Cùng thời điểm với Air Berlin, ngày 25/9, hãng hàng không giá rẻ VIM AVIA - vốn đứng trong top 10 ở Nga - cũng lặng lẽ nộp đơn xin phá sản với lý do “nguồn vốn hoạt động đã cạn, tài chính bị đóng băng, trong khi dịch vụ tại sân bay bị đình hoãn”. Trước VIM AVIA, hãng hàng không Transaero phá sản năm 2015 vì phương Tây cấm vận, đồng rúp Nga yếu đi và các món nợ phình to. Các hãng hàng không Nga phá sản ít được dư luận chú ý bởi các mối liên kết kinh tế của Nga với Liên minh châu Âu (EU) khá lỏng lẻo.

Sự xuất hiện của Spirit Airlines góp phần làm giảm giá vé của tuyến Detroit - Philadelphia. Tuy nhiên, nó cũng nhắc người ta nhớ đến tình trạng “chết chùm” khi cả ba hãng United Airlines, Continental Airlines và Virgin America cùng hạ giá và cùng lỗ!

Sự xuất hiện của Spirit Airlines góp phần làm giảm giá vé của tuyến Detroit - Philadelphia. Tuy nhiên, nó cũng nhắc người ta nhớ đến tình trạng “chết chùm” khi cả ba hãng United Airlines, Continental Airlines và Virgin America cùng hạ giá và cùng lỗ!

Đầu tháng 10/2017, hãng Monarch Airlines của Anh tuyên bố phá sản, khiến 110.000 hành khách của hãng này bị mắc kẹt ở nước ngoài. Đây là vụ phá sản tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không Anh khi nó ảnh hưởng đến khoảng 750.000 hành khách.

Monarch được thành lập năm 1968. Hãng này có dấu hiệu sụp đổ vào tháng 12/2016 khi Công ty tài chính Greybull Capital LLP quyết định bơm thêm 220 triệu USD để cứu hãng, chỉ vài giờ trước khi Cục Hàng không Dân dụng Anh quốc chuẩn bị đóng cửa Monarch do thiếu vốn. Greybull đã mua 90% cổ phẩn của Monarch kể từ năm 2014 qua một thỏa thuận trị giá 165 triệu USD để Monarch chuyển từ một hãng bay thuê chuyến (charter flight) thành hãng bay giá rẻ. Ngày Monarch tuyên bố phá sản, Greybull ra thông cáo ngắn gọn “rất tiếc” vì đã cố gắng trong 3 năm mà không thành công.

Các hãng hàng không tư nhân giá rẻ phá sản là chuyện nhỏ, nhưng sự sụp đổ của hãng hàng không quốc gia - vốn được nhà nước hậu thuẫn - là câu chuyện lớn. Ngày 2/5, hãng hàng không Quốc gia Alitalia của Ý thông báo đã bắt đầu thủ tục xin phá sản sau khi thất bại trong kế hoạch tái cơ cấu và cắt giảm nhân công. Đây là lần thứ hai Alitalia nộp đơn xin phá sản trong vòng một thập kỷ.

Chính phủ Anh phải lập “giải cứu” để đưa 110.000 hành khách bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước. Khoảng 750.000 người bị ảnh hưởng bởi vụ Monarch phá sản.

Chính phủ Anh phải lập “giải cứu” để đưa 110.000 hành khách bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước. Khoảng 750.000 người bị ảnh hưởng bởi vụ Monarch phá sản.

Dù chính phủ Ý đã thông qua khoản cứu hộ khẩn cấp 600 triệu USD để hỗ trợ hãng hàng không quốc gia Alitalia hoạt động trong sáu tháng, nhưng Bộ Kinh tế Ý đã nhất quyết bác bỏ.

Dù chính phủ Ý đã thông qua khoản cứu hộ khẩn cấp 600 triệu USD để hỗ trợ hãng hàng không quốc gia Alitalia hoạt động trong sáu tháng, nhưng Bộ Kinh tế Ý đã nhất quyết bác bỏ.

Quản lý vốn kém và kinh doanh thua lỗ buộc các hãng bay phải hạ cánh

Ông Gerald Khoo, một chuyên gia về ngành hàng không thuộc ngân hàng đầu tư Liberum, nhận định rằng những hàng hàng không yếu kém nhất của châu Âu đang bị cỗ máy kinh tế sàng lọc và loại thải. “Điểm chung của các hãng này là gặp khó khăn tài chính trong nhiều năm, và chịu sức ép cạnh tranh từ những đối thủ làm ăn hiệu quả hơn” - ông Khoo nói.

Các vụ phá sản liên tiếp của hàng không châu Âu đã đặt ra câu hỏi về tình trạng sức khỏe của ngành kinh doanh này khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và có sự dịch chuyển mô hình kinh doanh hàng không truyền thống, hàng không giá rẻ hay có sự lai tạp giữa hai loại hình này.

Các nhà phân tích nói rằng sẽ có thêm nhiều vụ phá sản trong thời gian tới khi những hàng không nhỏ và yếu hơn chịu sức ép ngày càng lớn từ các đối thủ của mình. Nhà phân tích Rob Byde thuộc Cantor Fitzgerald nhận định như vậy. “Vấn đề chính nằm ở quy mô và sự cạnh tranh” - ông phân tích.

Các hãng bay giá rẻ như Ryanair và Easy Jet đã chiếm một thị phần lớn ở châu Âu nhờ tung ra những chuyến bay có giá từ 10 bảng Anh, khoảng 300.000 đồng - một chiến thuật giúp họ luôn lắp đầy số ghế trống và khiến các đối thủ khác điêu đứng.

Chuyến bay số hiệu AB6210 là chuyến bay cuối cùng của hãng Air Berlin tại sân bay Tegel, Berlin vào ngày 27/10/2017. (Ảnh: Reuters).

Chuyến bay số hiệu AB6210 là chuyến bay cuối cùng của hãng Air Berlin tại sân bay Tegel, Berlin vào ngày 27/10/2017. (Ảnh: Reuters).

Khi ngành hàng không nhận thấy nguồn cung ghế tăng nhanh hơn nhu cầu của hành khách, tất cả các hãng đồng loạt giảm giá. Bà Louise Cooper, một nhà phân tích độc lập về hàng không, nhận định: “Đó là lúc thua lỗ tràn lan xuất hiện ở các hãng”.

Các hãng nhỏ không hề đủ sức để so kè với các hãng giá rẻ lớn vì họ thiếu sức mạnh để đàm phán giảm giá các yếu tố đầu vào như xăng dầu. Trong khi đó, các hãng hàng không quốc gia phải gánh nhiều chi phí do mối quan hệ lịch sử để lại và bị mọi người quá kỳ vọng nên không dám mạo hiểm áp dụng chiến thuật như các hãng giá rẻ mới thành lập.

Ngoài ra, ngành hàng không châu Âu còn có nhiều thách thức khác, bao gồm tình trạng khan hiếm phi công và những vụ khủng bố. Nguy cơ của các vụ khủng bố đã khiến các hãng như Monarch “né” bay đến những điểm du lịch ở Tunisia và Ai Cập.

Vụ phá sản của Monarch Airlines là “tồi tệ nhất” trong lịch sử hàng không của Anh.

Vụ phá sản của Monarch Airlines là “tồi tệ nhất” trong lịch sử hàng không của Anh.

Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bay Hoa Kỳ: Giảm giá để cùng lỗ và… phá sản!

Hoa Kỳ là thị trường hàng không lớn nhất thế giới, và tất nhiên không kém khốc liệt.

Đầu năm 2016, giá vé máy bay hai chiều trung bình giữa Detroit và Philadelphia giảm xuống còn 183 USD. Ba năm trước, con số này dao động từ 300-385 USD. Sự xuất hiện của Spirit Airlines là tác nhân giúp giá vé giảm mạnh như vậy.

Hãng hàng không giá rẻ này bắt đầu bay giữa Philadelphia - Detroit với giá vé một chiều chưa đến 100 USD. Sự có mặt của Spirit Airlines trên tuyến này buộc tất cả các hãng đồng loạt giảm giá sâu, trong đó kể cả Delta Airlines và American Airlines.

Các sân bay cũng chào đón các hãng hàng không giá rẻ. “Nếu không có các hãng này, chắc chắn hoạt động các sân bay sẽ kém sôi động hơn nhiều” - James Tyrrell Giám đốc phụ trách doanh thu tại sân bay quốc tế Philadelphia, phát biểu.

Chi phí thuê máy bay luôn ngốn nguồn tiền khổng lồ. Nhiên liệu cũng là bài toán nhức đầu khi giá dầu thế giới luôn trồi sụt. Phi công, thợ máy và nhân sự các bộ phận liên quan là bài toán khác cần phải giải. Thiên tai, dịch bệch và khủng bố luôn có nguy cơ nổ ra. United Airlines từng rơi vào cảnh phá sản khi hai máy bay của hãng bị không tặc sử dụng trong vụ tấn công New York và Washington vào ngày 11/9/2001.

Đồng tiền kiếm đã khó, khách càng khó giữ, các hãng còn tuyên chiến để giành khách. Tình trạng “chết chùm” đã từng xảy ra. Năm 2006, United và Continental từng nắm giữ trên 53% thị phần tại San Francisco. Năm 2007, hãng hàng không mới thành lập Virgin America nhảy vào khiến thị phần của hai ông lớn giảm còn dưới 45% vào năm 2010. Cả ba phải cùng hạ giá vé và cuối cùng Virgin America lỗ trên 660 triệu USD sau ba năm hoạt động.

Nhìn chung thì việc kiếm tiền đối với các hãng hàng không Hoa Kỳ vẫn là “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” khi các hãng này hoạt động 10 năm thì có tới 7 năm là lỗ.

"Đó là vụ đặt cược mạo hiểm", Bill Diffenderfer, CEO của hãng hàng không đã "chết yểu" Skybus Airlines thừa nhận. Hãng này ngừng bay từ tháng 4/2008 sau khi mới hoạt động chưa đầy một năm. Thời gian đó, cùng "chết" với Skybus còn có ba hãng khác cũng sập tiệm chỉ trong vòng một tuần.

Theo Ricky Hồ - NTD

largeer