Sumitomo đón làn sóng dời hãng xưởng từ Trung Quốc sang Việt Nam

Thứ ba, 01/10/2019, 09:16 AM

Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long 1 và 2 của Sumitomo luôn là lựa chọn hàng đầu của các công ty Nhật Bản đang muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong 20 năm qua. Cuối tuần rồi, Sumitomo công bố kế hoạch đầu tư mới gần 180 triệu USD để mở rộng thêm 290ha đất cho các KCN của hãng tại Hà Nội. Tất cả đang sẵn sàng để đón làn sóng di cư của các hãng đang hoạt động từ Trung Quốc sang...

Chỉ dành cho công ty địa phương từ Nhật Bản

Với hai KCN Thăng Long 1 và 2 ở ngoại ô Hà Nội, cho đến tháng 7 vừa rồi, Sumitomo đang nhắm đến các công ty tầm trung của Nhật Bản và tận dụng các mối quan hệ tốt đẹp với các địa phương Nhật Bản để hút khách về các khu này.

Làm việc với các tỉnh Kanagawa, Hyogo và Osaka, tập đoàn này đang giúp các hãng xưởng Nhật Bản “định cư” và làm ăn tại Việt Nam với chi phí ban đầu ít nhất tại các KCN của Sumitomo. Hiện Thăng Long 1 và Thăng Long 2 có tổng diện tích sàn khoảng 50.000m2 với các gói văn phòng và nhà xưởng sẵn sàng cho các công ty hoạt động sớm. Giữa tháng 7 vừa rồi chỉ có khoảng 10 công ty Nhật Bản từ ba tỉnh trên đang hoạt động tại đây. Hợp đồng thuê ít nhất là ba năm.

Với chi phí đầu tư ban đầu thấp, giải pháp của Sumitomo giúp chủ thuê hạn chế thua lỗ, ngay cả khi họ quyết định dừng sản xuất. “Nhưng ít nhất là ba năm qua, không có chủ thuê nào làm vậy, bởi chi phí lao động ở đây khiêm tốn nhưng công nhân lại siêng năng” - ông Taro Kawachi thuộc bộ phận quản lý doanh nghiệp nước ngoài tại KCN của Sumitomo nhận định.

Hãng Akebono Brake Industry và Bando Chemical Industries đã mở xưởng tại Việt Nam sau khi thuê thử cơ sở hạ tầng của Sumitomo.

Các văn phòng hỗ trợ doanh nghiệp của các địa phương Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc chào mời các công ty xứ sở mặt trời mọc đến Việt Nam và thuê nhà xưởng của Sumitomo.

Đầu năm 2019, Sumitomo ký thỏa thuận với chính quyền Osaka trong đó giúp địa phương này mở “KCN Osaka” ngay tại Thăng Long 2. Sumitomo miễn phí quản trị và dịch vụ nhằm giúp các công ty Osaka “khởi nghiệp” tại Việt Nam.

Chính quyền Osaka hy vọng rằng những hỗ trợ này sẽ giúp tăng nguồn thuế doanh nghiệp của địa phương về lâu dài khi công ty tăng dần năng lực sản xuất.

Hai KCN Thăng Long đầu hiện có khoảng 150 công ty hoạt động, gồm các hãng danh tiếng như Canon, Panasonic và hãng sản xuất vật dụng nhà tắm Toto. Hầu hết các chủ thuê sử dụng Thăng Long để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước tiên tiến khác.

Tuy vậy, vài năm gần đây nhiều công ty đã bắt đầu tập trung sản xuất các mặt hàng phục vụ cho thị trường nội địa Việt Nam khi nền kinh tế và sức mua của thị trường Việt Nam tăng mạnh. Hãng sản xuất máy lạnh Daikin Industries là một ví dụ. Trong khi đó, Panosonic sản xuất tủ lạnh và máy lạnh cho thị trường Việt Nam và Đông Nam Á ngay tại các KCN tại Hà Nội.

KCN Thăng Long 2 hiện có diện tích 346ha. Sumitomo sẽ đầu tư thêm 14 tỷ yen để mở rộng diện tích thêm 181ha.(Ảnh: Nikkei Asian Review).

KCN Thăng Long 2 hiện có diện tích 346ha. Sumitomo sẽ đầu tư thêm 14 tỷ yen để mở rộng diện tích thêm 181ha.(Ảnh: Nikkei Asian Review).

Đến việc đón làn sóng di dời

Hôm 27/9, Nikkei Asian Review loan tin Sumitomo sẽ đầu tư 19 tỷ yen, tương đương 177 triệu USD, để mở rộng hai KCN hiện tại ở Việt Nam nhằm đón nhận làn sóng dời hãng xưởng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Sumitomo sẽ thêm 290ha đất cho hai trong ba KCN của tập đoàn này nằm ở ngoại ô Hà Nội. Ba khu này có sức chứa khoảng 190 công ty với 90% là các nhà sản xuất Nhật Bản.

Sumitomo sẽ chi khoảng 14 tỷ yen để mở thêm 181ha đất cho KCN Thăng Long 2 hiện có diện tích khoảng 346ha ở phía đông nam Hà Nội. Lễ động thổ dự kiến trong năm 2021 và sẽ mở bán, cho thuê đất từ năm 2022. Với diện tích mới, đây sẽ một trong những KCN lớn nhất của Nhật Bản tại Việt Nam.

Kế hoạch mở rộng thêm 109ha cho KCN Thăng Long 3 - có diện tích ban đầu là 104ha chỉ mới hoàn tất cơ sở hạ tầng vào tháng 11/2018 - tốn khoảng 5 tỷ yen và được thực hiện sớm hơn một năm, nhằm bảo đảm có thể hoạt động trong nửa đầu năm 2020.

Ban đầu, Sumitomo dự định sẽ bán hết các lô đất của giai đoạn một vào năm 2022. Nhưng nhu cầu bất động sản công nghiệp tăng vọt khi thương chiến Mỹ - Trung leo thang đã khiến các lô đất dự kiến sẽ bán hết vào năm 2021.

Mô hình Sumitomo?

Nhiều công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc quan tâm đến việc chuyển vào các KCN của Sumitomo trong kế hoạch giảm thiểu rủi ro mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mang lại

Đầu tháng 9 trước, hãng Meiko Electronics đang có nhà máy sản xuất mạch điện tử tại Việt Nam đã chi 800 triệu yen để mua lại 60% cổ phần của hãng Towada, Nhật Bản tại Việt Nam. Fast Retailing, tập đoàn mẹ của nhãn thời trang Uniqlo, đang xem xét chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam hay Campuchia. Hãng máy in và linh kiện chất lượng cao Kyocera,  hãng sản xuất giày thể thao Asics, hãng máy tính Sharp và hãng trò chơi điện tử Nintendo cũng đang hoàn chỉnh kế hoạch dời xưởng sản xuất đến Việt Nam.

Sự ổn định và thành công của các công ty Nhật Bản tại các KCN Thăng Long - với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương Nhật Bản và Sumitomo - đang là sức hút với các hãng xưởng Nhật Bản có ý định chuyển hãng xưởng sang Việt Nam. Nhưng điều các nhà phân tích quan tâm là Sumitomo và các KCN của Nhật Bản tại Việt Nam sẽ thành công hơn nữa nếu có các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế của chính phủ Việt Nam.

Để thu hút các công ty nước ngoài đang muốn di chuyển ra khỏi Trung Quốc, cũng đầu tháng 9, chính phủ Thái Lan đưa ra gói tái định cư - gồm giảm thuế, nới lỏng quy định và cấp phép cấp tốc. Và đó là câu trả lời cho câu hỏi “liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay không?”

“Mô hình Sumitomo sẽ thành công hơn với sự hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam bởi các hỗ trợ là từ chính quyền địa phương Nhật Bản dành cho các công ty nước này. Các công ty di dời từ Trung Quốc sẽ đa dạng hơn và cần một chính sách từ của chính phủ Việt Nam” - luật sư của hãng luật Hoa Kỳ Baker McKenzie tại TP.HCM nhận định.

Ricky Hồ

Theo NTD

largeer