Tài chính tiêu dùng, giải pháp tài chính an toàn

Thứ hai, 21/05/2018, 21:45 PM

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, muốn tạo động lực mới cho tăng trưởng, tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, Việt Nam cần chú trọng cầu tiêu dùng nội địa, hỗ trợ nhu cầu này phát triển vững chắc bằng tín dụng tiêu dùng.

 Đi đúng hướng

* Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam đã phải nỗ lực rất nhiều để xuất khẩu hàng hóa đi các nước trên thế giới, nhưng lại lơ là để thị trường nội địa “rơi” vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Việt Nam phát triển kinh tế dựa vào chiến lược định hướng xuất khẩu và trên thực tế, chúng ta mở cửa thị trường rất sớm, trở thành một trong những quốc gia có tổng kim ngạch xuất nhập hai chiều trên GDP vào loại lớn nhất thế giới, gấp 1,6 lần GDP. Điều này cũng có nghĩa, Việt Nam trở thành một nước phụ thuộc khá nhiều vào thị trường bên ngoài và cũng vì vậy dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường quốc tế.

TS. Lê Xuân Nghĩa

TS. Lê Xuân Nghĩa

Tuy nhiên, đây là vấn đề chung của những quốc gia mới nổi có định hướng xuất khẩu. Vấn đề là khi đã phát triển đến một mức độ nào đó, đặc biệt, khi đã mở cửa với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và bên ngoài khu vực này, thì cần phải chú trọng hơn tới thị trường nội địa. Nếu không thị trường trong nước sẽ bị các doanh nghiệp nước ngoài khai thác, trong khi chúng ta phải vất vả để xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng thấp ra hải ngoại.

Muốn thúc đẩy thị trường nội địa, đương nhiên phải đẩy mạnh tiêu dùng trong nước. Một trong những nguồn lực để đẩy mạnh tiêu dùng nội địa là tăng việc làm, tăng thu nhập, tăng tín dụng tiêu dùng.

* Các số liệu cho thấy, thời gian qua, tín dụng tiêu dùng của Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh. Như vậy, có thể nói, Việt Nam đang đi đúng hướng?

- Về nguyên lý, các quốc gia mới nổi, đang công nghiệp hóa chưa nên đẩy tín dụng tiêu dùng lên quá cao lấn át tiết kiệm, nhưng đối với Việt Nam, chúng ta có lịch sử phát triển 30 năm và đã có những thay đổi cơ bản về cấu trúc kinh tế với tỷ trọng nông nghiệp chiếm 17% GDP, dịch vụ trên 45% GDP và công nghiệp trên 33% GDP nên tình hình sẽ khác.

Nghiên cứu gần đây cho biết, nếu tính từ năm 1995, tỷ trọng nông nghiệp trên GDP chiếm 27,2%, tỷ trọng công nghiệp trên GDP là 28,8%, nếu trừ xây dựng, điện nước và khai khoáng thì tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo chỉ có 15%. Năm 2015, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 17%, công nghiệp và xây dựng còn 33,25%, nếu trừ xây dựng, điện nước và khai khoáng thì tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo chỉ có 14%.

Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng, Việt Nam đã thoái nông nghiệp, không đi vào công nghiệp và chủ yếu tập trung phát triển dịch vụ, hay nói cách khác, chúng ta đang đi đúng hướng, đồng thời gặp may mắn bởi đây cũng là xu hướng chung của kinh tế thế giới.

* Theo ông, đâu là lợi thế của Việt Nam trong quá trình tập trung phát triển ngành dịch vụ?

- Việt Nam có chủ trương công nghiệp hóa từ năm 1993, nhưng tới nay, các ngành then chốt của công nghiệp hóa vẫn chưa thực sự hiện hữu. Lý do là chúng ta đã mở cửa thị trường sớm, nên không thể tiến hành bảo hộ trong nước, đồng thời không nhận được sự chuyển giao từ các quốc gia có công nghệ tiên tiến, nguồn lực tài chính dồi dào. Trong khi đó, các ngân hàng đã bị tư nhân hóa quá sớm, nên không cùng đồng hành với mục tiêu công nghiệp hóa của Chính phủ, mà phải phục vụ tầm nhìn của doanh nghiệp sản sinh ra ngân hàng. Các doanh nghiệp này tìm kiếm lĩnh vực thuận lợi, có tốc độ phát triển nhanh nhất để đầu tư và đó chính là ngành dịch vụ và bất động sản.

Vì vậy, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng dịch vụ khá nhanh so với các quốc gia khác trong khu vực, đồng thời cũng là quốc gia có lợi thế phát triển dịch vụ tốt nhất tại Đông Nam Á, nhất là thị trường nghỉ dưỡng, dịch vụ có liên quan đến bán lẻ.

Đẩy mạnh tổ chức tài chính phi ngân hàng

* Tại sao lại gọi tín dụng tiêu dùng là một xu thế, thưa ông?

- Số liệu của 16 nước châu Âu, nguồn từ Eurofinas 2015 cho biết, cho vay công nghiệp chiếm 7%, nhà ở và bất động sản chiếm 14%, phương tiện vận chuyển chiếm 31% (trong đó: xe thương mại là 17%, cá nhân là 24%), cho vay tiêu dùng cá nhân là 47%. Tổng cộng số liệu cho vay tiêu dùng cá nhân và phương tiện vận chuyển cá nhân là 71% tổng tín dụng dành cho vay tiêu dùng. Đó là chưa tính tới 14% của cho vay bất động sản.

Theo đó, tại châu Âu, trong 423,1 tỷ euro tín dụng mới thì 71% tín dụng dành cho cho vay tiêu dùng. Con số này ở Mỹ thấp hơn một chút nhưng cũng trên 50%. Những số liệu trên cho thấy, đẩy mạnh cho vay tín dụng tiêu dùng là một xu thế. Đối với Việt Nam, tôi nhắc lại rằng, muốn tạo động lực mới cho tăng trưởng, tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, cần chú trọng cầu tiêu dùng nội địa, hỗ trợ nhu cầu này phát triển vững chắc bằng tín dụng tiêu dùng.

m2

Các nhà phân tích nước ngoài còn cho rằng, Việt Nam đã thất bại trong việc công nghiệp hóa và nên đón đầu xu thế công nghệ mới như công nghệ điện tử, công nghệ thông tin, đồng thời chú trọng đẩy nhanh phát triển dịch vụ. Muốn vậy phải đẩy nhanh tín dụng tiêu dùng. Lao vào chủ nghĩa trọng cung, không phải cung của công nghiệp hóa, làm cho nguồn lực tài chính bị mai một vì sản xuất ra thiếu người tiêu dùng, trong bối cảnh trên thị trường có nhiều hàng hóa rẻ hơn.

Theo tôi, Việt Nam nên đoạn tuyệt với chính sách trọng cung lâu nay và chuyển sang nền kinh tế dựa vào cầu tiêu dùng. Trên nền tảng đó, tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp và dịch vụ.

Chúng ta đặt mục tiêu công nghiệp hoá đất nước, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đây là mục tiêu không hề dễ dàng. Bốn nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á là Philipines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã thất bại trong nỗ lực công nghiệp hoá đất nước của họ. Chính các chuyên gia của 4 nước trên đã khẳng định, cơ hội để các nước Đông Nam Á trở thành một nước công nghiệp đã hết và không bao giờ quay lại. Việt Nam không còn cơ hội nào, chỉ còn cách phát triển dịch vụ và công nghiệp hóa đi vào công nghệ cao, công nghiệp 4.0 và đặc biệt, tín dụng tiêu dùng là xu thế không thể cưỡng lại.

* Hiện tại, vẫn còn không ít sự nhầm lẫn tín dụng tiêu dùng là tín dụng đen. Dường như điều này đang tạo lực cản với phát triển tín dụng tiêu dùng?

- Phải khẳng định rằng, tín dụng tiêu dùng hay công ty tài chính không những không phải là tín dụng đen, mà còn là một cứu cánh cho những “khách hàng” của loại hình này. Còn nếu muốn nói tới khía cạnh lãi suất cao thì nên hiểu rằng, rủi ro cao tất nhiên sẽ song hành với lãi suất cao. Cao ở đây là so với các khoản vay giá trị lớn, thời gian dài và có tài sản đảm bảo, chứ nếu so với những rủi ro tiềm ẩn của loại hình vay tiêu dùng tín chấp thì lãi suất này mới chỉ đủ bù cho các chi phí vận hành.

Bên cạnh đó, nhu cầu trong nền kinh tế hiện tại rất lớn, đặc biệt với doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ gia đình, học sinh, sinh viên, cá nhân có ý tưởng kinh doanh, làm dịch vụ, học hành, giải quyết các chi tiêu bất thường. Nếu không có tín dụng tiêu dùng, tín dụng đen sẽ phát triển nhanh khủng khiếp, trở thành vấn đề như của Hàn Quốc cách đây 20 năm. Khi đó, Chính phủ nước này đã đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng để giảm tối đa tín dụng đen, vốn tạo ra những bất ổn xã hội và cả về thị trường tiền tệ.

Nếu Việt Nam muốn giải quyết những bước cơ bản về tín dụng đen, thì Chính phủ cần phải đẩy mạnh các tổ chức tài chính phi ngân hàng và ngành ngân hàng cũng phải dùng nguồn lực để cho vay tiêu dùng.

* Cho vay tiêu dùng luôn đi kèm với những rủi ro. Theo ông, có biện pháp nào để hạn chế những rủi ro này?

- Cho vay tiêu dùng đòi hỏi một số điều kiện để có thể quản lý và kiểm soát được. Thứ nhất, cần có một cơ sở dữ liệu khách hàng thật tốt. Tổ chức nào có cơ sở dữ liệu tốt sẽ thắng. Thứ hai, nghiên cứu về nhu cầu của khách hàng, phân loại, xếp loại rất cơ bản và cập nhật liên tục. Thứ ba, có hệ thống quản lý nợ khoa học, đánh giá nợ sớm, giám sát từ xa, thu hồi nợ chặt chẽ, dứt khoát. Thứ tư, dự phòng rủi ro thỏa đáng.

Bên cạnh đó, cũng có những lưu ý trong cho vay tiêu dùng là: Quản lý phòng ngừa rủi ro về kho quỹ, chống những gian lận thỏa hiệp giữa cán bộ tín dụng với người vay; giám sát các hợp đồng tín dụng thật chặt chẽ tránh tình trạng gian lận ngay khi làm hợp đồng; tồn tại những rủi ro trong thanh toán, đặc biệt là thanh toán bằng thẻ trả trước hoặc ví điện tử nên cần có một cơ quan đặc biệt để kiểm soát; đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trên cơ sở nguồn vốn ổn định.

Hiện tại, tôi được biết, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thực hiện Đề án phát triển và quản trị rủi ro tài chính tiêu dùng hoạt động lành mạnh và an toàn.

Nhuệ Mẫn

Theo Người đưa tin

largeer