Tai nạn lao động: Những chính sách hỗ trợ cho người lao động

Thứ ba, 26/06/2018, 11:10 AM

Mỗi năm, cả nước đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động làm 9.173 người bị nạn. Trong đó tại TP.HCM xảy ra khoảng 1.500 - 1.700 vụ tai nạn lao động, chiếm 15% tổng số vụ trong cả nước. Điều này đang rúng lên hồi chuông báo động về an toàn lao động ở Việt Nam.

Thực trạng tai nạn lao động

Trong năm 2017, cả nước đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động làm 9.173 người bị nạn. Trong đó: Số vụ tai nạn lao động chết người là 898 vụ số, vụ tai nạn lao động có 2 người bị nạn trở lên: 101 vụ; số người chết: 928 người; số người bị thương nặng: 1.915 người. Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất là TP HCM (123 người); TP Hà Nội (66 người); tỉnh Bình Dương (57 người).

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động thuộc về cả người sử dụng lao động và người lao động.

Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn (chiếm 14,6% tổng số vụ); người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động (chiếm 12,31%).

Tai nạn lao động xảy ra ngày càng nhiều hơn. (Ảnh: internet)

Tai nạn lao động xảy ra ngày càng nhiều hơn. (Ảnh: internet)

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM, trong các vụ tai nạn, có 634 trường hợp chiếm 42% có nguyên nhân từ người lao động. Cụ thể: có 557 trường hợp do người lao động vi phạm nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn chiếm gần 88%, 77 trường hợp do không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.

Ông Nguyễn Quốc Việt – Trưởng phòng  - An toàn lao động, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như yêu cầu các doanh nghiệp phải tự kiểm tra cũng như các cấp quận huyện của thành phố phải tăng cường thanh kiểm tra để làm sao nhắc nhở, chấn chỉnh cũng như đình chỉ những nguy cơ để cố gắng kéo giảm tai nạn lao động đến mức thấp nhất, nhằm bảo vệ sinh mạng cho người lao động”.

Anh N.V.Tuấn (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “ Tôi làm công nhân và lúc nào tôi cũng mang đầy đủ trang bị bảo hộ để đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra với bản thân khi đang làm việc”

Những chính sách hỗ trợ

Trong năm 2018, quy định về chế độ hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp áp dụng cho người lao động và người sử dụng lao động có nhiều điểm mới so với trước kia.

Những chính sách hỗ trợ tốt cho các trường hợp tai nạn lao động là điều cần thiết. (Ảnh: Internet).

Những chính sách hỗ trợ tốt cho các trường hợp tai nạn lao động là điều cần thiết. (Ảnh: Internet).

Tại Khoản 7 Điều 4 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH quy định tiền lương làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong tháng đầu trở lại làm việc đóng bảo hiểm sau thời gian đóng gián đoạn do chấm dứt hợp đồng lao động thì bằng tiền lương đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của chính tháng đó.

Đối với trường hợp bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp, tiền lương làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tiền lương tháng cuối cùng đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của công việc đã làm mà công việc đó gây ra bệnh nghề nghiệp.

Tiền lương làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hiểu là tiền lương tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Chị T.T.T.Thảo (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “Việc có chế độ bảo hỗ trợ tốt cho người lao động như tôi sẽ giúp cho tôi an tâm làm việc hơn”.

Với việc tai nạn lao động xảy ra ngày càng nhiều thì việc tăng cường công tác kiểm tra quản lý cũng như đưa ra những chính sách trước hết là bảo vệ trực tiếp cho người lao động, thêm vào đó là những sách hỗ trợ tốt khi xảy ra tai nạn lao động sẽ giúp người lao động yên tâm làm việc hơn.

Mỹ Triều – Tín Phong  

Theo NTD

largeer