Tâm lý sính ngoại khiến người tiêu dùng chịu thiệt

Thứ năm, 11/10/2018, 13:35 PM

Đó là nhận định của ông Hồ Quang Thái, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ chống hàng giả (AFC) chia sẻ trong hội thảo “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng” được tổ chức ngày 11/10 tại TP.HCM.

 Theo ông Thái, hiện nay việc quản lý nguồn đầu vào của các tổ chức liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước đang dần được siết chặt. Tuy nhiên với tâm lý sính ngoại, thích đồ hiệu nhưng không hề biết cách nhận dạng thương hiệu giả, nhái khiến người tiêu dùng dễ mắc bẫy khi sử dụng sản phẩm.

Ông Hồ Quang Thái, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ chống hàng giả (AFC)

Ông Hồ Quang Thái, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ chống hàng giả (AFC)

Ông Thái cho biết thêm, hiện nay doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh rõ ràng phần lớn đều tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chỉ có các tiểu thương, cá nhân tự phát hoặc các hình thức kinh doanh online đại trà mới nhắm đến tâm lý này của người tiêu dùng mà tung ra các chiêu trò để vụ lợi từ lòng tin của khách hàng.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD, thời gian qua, các vụ việc xâm phạm quyền lợi của NTD xảy ra trên quy mô khá lớn, trên nhiều lĩnh vực được báo chí phát hiện và đưa ra trước công luận. Tiêu biểu như: thực phẩm chứa các hóa chất bảo quản độc hại, chất gây ung thư, xăng chứa các chất làm hỏng xe máy, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan và tình trạng vi phạm quyền lợi NTD không có xu hướng giảm. Thực tế tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó chủ yếu là do trách nhiệm của DN đối với sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường còn hạn chế. Đồng thời, kiến thức kiểm định chất lượng hàng hóa nhập khẩu của các DN còn hạn chế khiến nguồn gốc chất lượng sản phẩm tới tay người tiêu dùng không được đảm bảo.

Đại diện Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trình bày trong hội thảo

Đại diện Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trình bày trong hội thảo "Doanh nghiệp vì người tiêu dùng 2018".

Với thực trạng như đã phân tích, đại diện Quỹ chống hàng giả và Cục Cạnh tranh Bộ Công thương khuyến nghị người tiêu dùng nên nâng cao khả năng nhận biết thương hiệu, chất lượng sản phẩm để hạn chế bị lợi dụng. Người tiêu dùng cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các thông tin phân biệt chất lượng hàng hóa thật giả qua nhiều phương tiện truyền thông.

Còn đối với các trường hợp kinh doanh gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đại diện AFC cho biết sẽ kiên quyết xử lý mạnh tay và nghiêm minh theo pháp luật. Bởi, trong chiến lược đẩy mạnh xây dựng mối liên kết lòng tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp thì chính năng lực của mỗi doanh nghiệp là niềm tin lớn nhất cho người tiêu dùng.

Với vấn đề nhãn mác, đại diện AFC cho biết đang phối hợp với một đơn vị bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Hàn Quốc làm ra tem hàng hóa thông minh, cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin nguồn gốc chất lượng sản phẩm. Dự kiến cuối năm sản phẩm này sẽ ứng dụng với một số dòng sản phẩm nhập từ Hàn Quốc.

Kim Ngọc - Hoài Viễn

Theo NTD

largeer