Tăng lãi suất huy động gây rủi ro?

Thứ tư, 04/09/2019, 13:51 PM

Cần mạnh tay với những trường hợp “lách luật”, “đi đêm” lãi suất, nhưng với những trường hợp trả lãi tùy theo cân đối vốn của ngân hàng và diễn biến của thị trường dù có đẩy lãi suất lên cao cũng không vi phạm, miễn sao tuân thủ các quy định về an toàn trong hoạt động.

Ngay sau khi văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành nhằm cảnh báo những nhà băng chạy đua tăng lãi suất huy động lên mức khá cao, một số chuyên gia đưa ra đánh giá: Liệu lãi suất huy động có thực sự đang tạo nên rủi ro cho hệ thống ngân hàng hay là sự cạnh tranh lành mạnh?

Xuất hiện “sóng” lãi suất

Hiện nay, NHNN vẫn duy trì việc áp dụng trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, các kỳ hạn còn lại thả nổi theo điều tiết của thị trường.

Theo lý giải của NHNN, do thị trường vốn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn cho nền kinh tế và ngân hàng vẫn là kênh cung ứng chủ lực, nên việc áp trần lãi suất là cần thiết để bảo đảm an toàn hoạt động tiền tệ. Ngoài ra, số lượng ngân hàng nhiều, chất lượng chưa đồng đều, nên trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng giúp giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tín dụng.

Trường hợp chi lãi ngoài sai quy định của NHNN đã bị xử lý rất nặng. Nguồn: Internet.

Trường hợp chi lãi ngoài sai quy định của NHNN đã bị xử lý rất nặng. Nguồn: Internet.

Từ đầu năm đến nay, diễn biến lãi suất huy động liên tục có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, “sóng” lãi suất chỉ thực sự diễn ra từ đầu tháng 7, đặc biệt tăng nhanh hơn từ đầu tháng 8 đến nay.

Do đó, mới đây, NHNN cho biết sẽ theo dõi sát tình hình triển khai giải pháp về lãi suất, tín dụng của các tổ chức tín dụng và có biện pháp nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN về lãi suất huy động.

Dưới góc nhìn của một số nhà băng, cảnh báo của NHNN là cần thiết, tránh để cuộc đua lãi suất huy động lan rộng ra nhiều ngân hàng thương mại khác và gây ảnh hưởng đến chủ trương giảm lãi suất cho vay.

Theo giám đốc tín dụng một ngân hàng thương mại, không có dấu hiệu căng thẳng thanh khoản ở các ngân hàng, việc tăng lãi suất huy động chủ yếu ở kỳ hạn dài nhằm đáp ứng quy định về tỷ lệ nguồn vốn của NHNN. Do đó, làn sóng này chỉ diễn ra cục bộ ở một số ngân hàng có quy mô nhỏ.

Mặt khác, càng vào thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn kinh doanh của khách hàng càng lớn. Đó là chưa kể tỷ giá VND/USD đang có áp lực tăng khiến các ngân hàng phải đẩy lãi suất VND ở mức cao nhằm hạn chế việc khách hàng rút VND để mua USD găm giữ…

Chỉ áp trần lãi suất huy động với kỳ hạn dưới 6 tháng

Chỉ áp trần lãi suất huy động với kỳ hạn dưới 6 tháng

Cạnh tranh khốc liệt?

Tuy nhiên, vị này tỏ ra lo ngại xu hướng tăng lãi suất huy động nếu tiếp diễn sẽ khiến lãi suất cho vay tăng. Chẳng hạn, huy động vốn với lãi suất 9 – 10%/năm thì lãi vay sẽ phải ở mức 12 – 13%/ năm. Khi đó, áp lực chi phí đối với hoạt động của nhóm doanh nghiệp này sẽ tăng lên.

Trong khi đó, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, lại có góc nhìn khác: “Nhiều người cho rằng việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động là cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, theo tôi, họ đang đi vào cạnh tranh một cách rất khốc liệt. Mức lãi suất của ngân hàng đưa ra là cái điểm mà hai đường biểu diễn cung và cầu gặp nhau, thì đó là cái giá của thị trường, được thị trường chấp nhận, nên tôi không nghĩ là nó đang hoạt động không lành mạnh”.

Theo ông Hiếu, hiện nay, NHNN đang áp trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng là 5,5%, còn lại cho phép các ngân hàng thỏa thuận lãi suất với khách hàng. Do đó, việc các ngân hàng đưa ra mức huy động như thế nào là phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh và cơ chế lãi suất thị trường của họ. Nếu các ngân hàng huy động vốn cao thì người hưởng lợi chính là người dân. Còn nếu các ngân hàng mà dùng vốn đó kinh doanh không có lời, thì chính là họ đang tự “bắn” vào chân mình.

“Vì vậy, NHNN đưa ra một mệnh lệnh như vậy là không hợp lý. Trừ trường hợp chứng minh được việc huy động lãi suất cao như vậy làm thiệt hại cho nền tài chính ngân hàng, thì lúc đó có thể xử lý theo Luật Các tổ chức tín dụng”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Theo các chuyên gia, với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, nếu các ngân hàng áp dụng mức lãi suất như niêm yết thì không có gì phải lo ngại. Tuy nhiên, văn bản của NHNN nhằm chấn chỉnh một số ngân hàng có tình trạng “lách luật”, “đi đêm” lãi suất với những khoản tiền gửi lớn của khách hàng dưới 6 tháng, phương thức phổ biến nhất là ghi lãi suất trên sổ tiết kiệm, còn phần chênh lệch thì trả dưới hình thức tặng tiền vào tài khoản.

Trong quá khứ, những trường hợp chi lãi ngoài sai quy định của NHNN đã bị xử lý rất nặng, đơn cử như nhiều cán bộ ở OceanBank trước đây phải vướng vòng lao lý.

Huyền Anh

Theo thoibaokinhdoanh.vn

largeer