Tăng lãi suất USD: Không hẳn là giải pháp tốt

Thứ năm, 24/05/2018, 05:59 AM

Việc tái tăng lãi suất USD để huy động ngoại tệ lúc này không hẳn là giải pháp tốt, bởi sẽ khiến tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế gia tăng, đồng thời tác động đến lãi suất huy động VND.

Không tăng, dù lãi suất USD kém hấp dẫn 

Với diễn biến lãi suất VND tăng dần trong thời gian gần đây cũng như trước động thái chưa dừng tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), không ít ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nên xem xét tái tăng lãi suất huy động tiền gửi bằng USD, thay vì 0% hiện nay. 

8

Trao đổi vấn đề này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho biết, đúng là lãi suất huy động tiền gửi bằng USD kéo về 0% hiện nay không còn hấp dẫn với nguồn tiền nhàn rỗi bằng USD. Trong khi đó, Fed đã tái tăng lãi suất và có lộ trình tăng tiếp trong thời gian tới. Vì thế, lãi suất tiền gửi ngoại tệ của Việt Nam cũng nên theo dõi diễn biến của Fed. 

Tuy nhiên, theo ông Sơn, VND không phải là đồng tiền chuyển đổi, nên không cần thiết duy trì lãi suất huy động tiết kiệm bằng USD ở mức cao, nhất là khi chủ trương chống đô-la hóa nền kinh tế đang được đẩy mạnh. 

Với câu hỏi của cử tri Phú Yên về tiền gửi USD lãi suất 0%, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã trả lời tại Công văn số 1303/NHNN-VP ngày 5/3/2018. Theo đó, trước đây, do lạm phát luôn ở mức cao, nên tình trạng đô-la hóa của Việt Nam ở mức báo động cần kiểm soát. Lượng tiền gửi ngoại tệ so với tổng phương tiện thanh toán giai đoạn 2007 - 2011 ở mức trên 20%. Hiện tượng mua bán, thanh toán và găm giữ ngoại tệ tiền mặt khá phổ biến, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và phi chính thức ở mức cao, gây áp lực lớn cho thị trường ngoại hối chính thức và ảnh hưởng không nhỏ đến điều hành tỷ giá và tiền tệ của NHNN. Sự bất ổn về tỷ giá và thị trường ngoại hối trong giai đoạn này đã là một trong những nguyên nhân gây nên sự bất ổn về kinh tế vĩ mô. 

Trước thực trạng đó, NHNN đã đưa ra gói giải pháp đồng bộ để ổn định thị trường ngoại hối, kiểm soát kỳ vọng tỷ giá và nâng cao vị thế của VND, trong đó có chính sách trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%. 

Điều đáng nói là, từ sau khi áp dụng chính sách lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%/năm, diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm, hệ thống tổ chức tín dụng chuyển từ bán ròng sang mua ròng ngoại tệ từ năm 2016, tạo điều kiện cho NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước.

Tỷ giá khó biến động ngay cả khi Fed tiếp tục tăng lãi suất

Fed cho biết, sẽ có tổng cộng 3 lần nâng lãi suất trong năm 2018. Tuy vậy, dự kiến này có thể thay đổi trong cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang, diễn ra trong tháng 6/2018.

Mặc dù Fed đưa ra thông điệp tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới, song theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, điều đó sẽ không làm tỷ giá biến động. Thực tế, thời gian qua, tỷ giá VND vẫn được kiểm soát ổn định, nên thời gian còn lại của năm 2018, tỷ giá khó có thể biến động nhiều, kể cả khi Fed tiếp tục triển khai lộ trình tăng thêm lãi suất. Lý do là, dự trữ ngoại hối tăng, nguồn kiều hối tăng, vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam…

Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 4/2018, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt gần 63 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Kiều hối trong năm 2017 đạt 9,84 tỷ USD, tăng 10,76% so với năm 2016; giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chiều hướng tích cực, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đạt 17,5 tỷ USD. 

NHNN cho rằng, để thu hút được vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, thì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị VND đóng vai trò then chốt. Khi VND ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi, thì tất yếu nhu cầu tích trữ, dự phòng tài sản bằng ngoại tệ, vàng sẽ giảm và nhu cầu đầu tư sẽ tăng. NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần nâng cao vị thế VND, củng cố niềm tin của người dân vào VND.

Thùy Vinh

Theo infomoney

largeer