Tăng vốn siêu tốc, Văn Phú - Invest vẫn phải vay "nóng" cổ đông

Thứ tư, 29/11/2017, 12:39 PM

Tăng vốn siêu tốc lên 1.600 tỷ đồng nhưng Văn Phú - Invest vừa phải thế chấp hàng loạt quyền sử dụng đất trong nhiều dự án, vừa phải vay "nóng" cổ đông nội bộ.

Tăng vốn siêu tốc vẫn vay "nóng"

Cổ phiếu VPI của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest vừa chào sàn Hà Nội. Trước khi niêm yết, VPI được truyền thông rộng rãi. Ngay sau khi VPI tăng trần trong ngày đầu gia nhập thị trường chứng khoán, ông Tô Như Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty đã lọt vào danh sách đại gia ngàn tỷ của Việt Nam với tài sản lên tới 1.432 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều VPI khiến nhà đầu tư chú ý lại không phải vị tỷ phú mới của thị trường chứng khoán Việt Nam mà chính là tốc độ tăng vốn siêu tốc của VPI.

Empty

VPI thành lập hồi tháng 3/2008 với vốn điều lệ vỏn vẹn 45,8 tỷ đồng. Tới tháng 12/2015, sau nhiều lần tăng vốn và chia tách, vốn điều lệ của VPI đạt 262,2 tỷ đồng. Nghĩa là vốn tại công ty này tăng 216,4 tỷ đồng, tương ứng 470% sau 7 năm.

Trong năm 2017, để chuẩn bị cho việc chào sàn, VPI đã trở thành "Thánh Gióng" khi vốn điều lệ tăng 1.337,8 tỷ đồng, tương ứng 510% sau 2 lần tăng vốn. Điều đáng nói, trong đợt tăng vốn hồi tháng 4/2017, chỉ có 1 cổ đong tham gia. Còn trong đợt tăng vốn diễn ra hồi tháng 7, có 5 cổ đông tham gia.

Cổ đông lớn nhất tại công ty là ông Tô Như Toàn. Ông Toàn nắm giữ 40 triệu cổ phiếu VPI, tương đương 25% vốn công ty. Cổ đông lớn thứ hai là ông Tô Như Thắng (7,06% vốn VPI). Vợ con ông Toàn là cổ đông lớn thứ 3 và thứ 4 của VPI. Có thể thấy, VPI vẫn đang vận hành theo mô hình công ty gia đình dù nó đã là công ty đại chúng. 

Điều đáng nói, vừa tăng vốn lên 1.600 tỷ đồng hồi tháng 7 năm nay nhưng VPI lại không phải là công ty lắm tiền nhiều của. Tại thời điểm 30/9/2017, tiền mặt và các khoản tương đương tiền tại VPI dù đã tăng 86 tỷ đồng nhưng vẫn chỉ đạt 192 tỷ đồng.

VPI tăng vốn không hẳn chỉ tăng thêm vốn lưu động đổ vào sản xuất mà để... trả nợ. VPI sử dụng gần 1.000 tỷ vốn góp thêm để thanh toán các khoản vay cá nhân, ngân hàng; đầu tư tài chính vào các công ty

Vì vậy, để có vốn lưu động, VPI phải đi vay vốn. Đây là việc bình thường với bất cứ công ty bất động sản nào. Thế nhưng, VPI lại phải đi vay "nóng" từ các cá nhân - đa phần là cổ đông nội bộ. Đây là điều nhiều công ty yếu kém, bị đánh giá luồng vốn có vấn đề như Quốc Cường Gia Lai hay FLC đã và đang thực hiện.

Cụ thể, cuối quý 3/2017, VPI tồn dư nợ vay với ông Tô Như Thắng và bà Lê Thị Hồng Vân là gần 77 tỷ đồng và 8 tỷ đồng. Dù không có dư nợ cuối kỳ với ông Tô Như Toàn nhưng trong kỳ, VPI đã phát sinh và và trả nợ ông Toàn 83 tỷ đồng. Ngoài ra, về vay dài hạn, 9 tháng đầu năm nay, VPI đã trả nợ ông Toàn và ông Thắng gần 32 tỷ đồng và 28 tỷ đồng.

Thế chấp loạt tài sản trong dự án

Bên cạnh vay "nóng" cổ đông nội bộ, VPI phải đi vay nhiều ngân hàng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2017, tại thời điểm cuối quý, tổng nợ vay tại VPI đạt 807 tỷ đồng. Để nhận được những khoản tín dụng đó, VPI phải thế chấp tài sản trong hàng loạt dự án.

Cụ thể, để nhận được hạn mức khoản vay 740 tỷ đồng (lãi suất 7,8%/năm - 9,3%/năm) tại ngân hàng TNHH Indovina - CN Thiên Long, VPI đã phải thế chấp quyền sử dụng đất tại thửa đất số HH1, KĐTM Văn Phú, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất tại khu đất ký hiệu TTDV-01, KĐT An Hưng.

Điều đặc biệt, quyền sử dụng đất khu đất ký hiệu TTDV-01, KĐT An Hưng cũng được VPI mang đi thế chấp tại ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) để nhận khoản vay 400 tỷ đồng. Ngoài ra, VPI thế chấp thêm quyền đòi nợ phát sinh từ các hợp đồng.

Ngoài ra, VPI thế chấp quyền sử dụng đất tại thửa đất số 301, tờ bản đồ số 03, Phường Thảo Điền để nhận hạn mức khoản vay 165 tỷ đồng tại Techcombank. Khoản vay này được dùng bổ sung vốn lưu động phục vụ thi công xây dựng tòa nhà CT9- Dự án Văn Phú Victoria (khối căn hộ), dự án nhà ở thấp tầng tại ô đất V5+V6.

Ngoài ra, quan hệ nợ vay khủng nhất của VPI phải kể đến hợp đồng cho vay hợp vốn giữa Vietcombank - CN Thủ Thiêm và Indovina - CN Thiên Long. Số tiền cho vay tối đa của hợp đồng này lên tới 1.456 tỷ đồng. VPI thế chấp quyền tài sản, quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng BT ký giữa UBND TP.HCM và công ty cổ phần Văn Phúc Bắc Ái. Ngoài ra, công ty còn thế chấp phần vốn góp của các cổ đông góp vốn vào bên vay.

Theo Bảo Linh-NTD

largeer