Taxi công nghệ vào cuộc chiến mới

Thứ sáu, 06/04/2018, 09:36 AM

Trong khi một số hãng vận tải và công nghệ Việt đang tranh thủ cơ hội lấp chỗ trống khi Uber rút khỏi Việt Nam thì các ông lớn taxi vẫn chưa có động thái rõ ràng trong cuộc đua mới

Ông Trần Thành Nam, nhà sáng lập ứng dụng gọi xe công nghệ Vivu, cho biết Công ty Vận tải xe khách Phương Trang đã đầu tư 100 triệu USD (khoảng 2.200 tỉ đồng) vào Vivu và đổi tên ứng dụng thành Vato. Theo kế hoạch, ứng dụng này sẽ được triển khai trong tháng 5 tới nhưng việc Uber bất ngờ rút lui khỏi thị trường Việt Nam nên Vato đã được triển khai ngay từ đầu tháng 4 này.

Chịu lỗ chục tỉ để hút khách

Theo ông Nam, chỉ sau 3 ngày triển khai đã có khoảng 5.000 xe đăng ký tham gia (cho hai loại hình taxi công nghệ và xe ôm công nghệ). Trong đó, mỗi ngày có khoảng 1.000 xe tại các khu vực TP HCM, Hà Nội, Biên Hòa, Cần Thơ đến đăng ký. Ngoài ra, các địa phương lân cận cũng xin gia nhập nên độ phủ sóng của Vato khá nhanh. Ông Nam cho biết công nghệ là nền tảng chung nên không phân biệt trong nước hay nước ngoài sẽ hay hơn. Tuy nhiên, Vato là ứng dụng dành cho người Việt, lợi thế của Vato là am hiểu tâm lý người tiêu dùng trong nước, hiểu họ cần gì, muốn gì. Từ lợi thế đó Vato tự tin cạnh tranh với các hãng nước ngoài.

Empty
Hãng Phương Trang đang phát triển ứng dụng Vato trên điện thoại để cạnh tranh với Grab sau khi Uber rút khỏi thị trường Ảnh: TẤN THẠNH

Hãng Phương Trang đang phát triển ứng dụng Vato trên điện thoại để cạnh tranh với Grab sau khi Uber rút khỏi thị trường Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Nam cho biết trong tháng đầu triển khai, Vato chấp nhận chi 30 tỉ đồng để thu hút người sử dụng. Cụ thể, Vato hỗ trợ tài xế 45.000 đồng/cuốc xe, chẳng hạn khi khách đặt quãng đường đi với chi phí 20.000 đồng thì Vato sẽ bù thêm cho đủ 45.000 đồng cho tài xế. Vato không phân biệt giá cả cho giờ cao điểm hay thấp điểm. Theo đó, giờ cao điểm Vato sẽ thanh toán cho tài xế 20% doanh số, tức không thu phí. Ngoài ra, bất kỳ ai giới thiệu xe đăng ký sẽ được hưởng 10.000 đồng/xe. Vato còn tặng 2 chuyến đi cho khách với mức khuyến mãi 50%/chuyến, tối đa không quá 30.000 đồng/chuyến.

Giá cước đối với xe ôm công nghệ của Vato là 3.600 đồng/km, ôtô 8.500 đồng/km. Tại khu vực TP HCM, một cuốc ôtô của Vato có mức giá tối thiểu là 30.000 đồng, Hà Nội là 25.000 đồng, còn xe ôm là 10.000 đồng. Ứng dụng của Vato còn cho phép khách trả giá với cả tài xế, trong khi Uber và Grab không có chức năng này.

Trong khi đó, Tập đoàn Mai Linh cho biết gần đây các đối tác là tài xế ôtô và xe máy của Uber chuyển sang đăng ký chạy cho Mai Linh gấp nhiều lần so với trước. Mai Linh cam kết chỉ thu 15% chiết khấu và tặng 100% phí đồng phục cho đối tác lái xe nếu trong tháng đầu đạt doanh thu từ 2,5 triệu đồng trở lên. Hãng taxi này cũng cho biết sẽ mua bảo hiểm cho tất cả đối tác lái xe sau khi họ hoạt động được 6 tháng.

Mức giá cước được Mai Linh Bike áp dụng là 11.000 đồng/2 km đầu và 3.700 đồng/km tiếp theo và cam kết không tăng giá vào giờ cao điểm. Mai Linh Bike đã có 10.000 người đăng ký, trong đó có khoảng 3.000 người thường xuyên hoạt động online. Đến nay, mỗi ngày có hàng trăm người đăng ký Mai Linh Bike, chủ yếu là từ Uber chuyển sang.

Trong khi đó, "ông lớn" Vinasun đến thời điểm này vẫn chưa có động thái nào để "lấp chỗ trống" sau khi Uber rời khỏi Việt Nam từ ngày 8-4.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều tài xế Uber cho biết họ khá lưỡng lự với đề nghị tham gia vào các hãng taxi công nghệ trong nước vì uy tín của các hãng này chưa đủ sức lôi kéo khách hàng, doanh thu thấp là khó tránh khỏi. Nhiều xe ôm, taxi công nghệ cũng cho biết lâu nay họ đã thành người "hai mang, hai súng" tức cùng đăng ký cả Grab và Uber nên không lo ngại việc sáp nhập, cũng không cần phải đăng ký Grab.

Xung đột lợi ích

Đến thời điểm này, hai đại gia trong ngành taxi Vinasun và Mai Linh đều đã có ứng dụng gọi xe trên điện thoại. Theo đó, điểm đi, điểm đến và giá cả đều được hiển thị cho khách biết. Thế nhưng, do giá cước của các hãng này vẫn không có gì thay đổi với giá cước taxi truyền thống nên khách hàng vẫn chưa mặn mà.

Theo các chuyên gia, điều người tiêu dùng cần là giá cả cạnh tranh thậm chí chỉ ngang bằng với Grab và Uber. Song, cho đến nay, những hãng taxi này vẫn chưa mạnh dạn giảm giá cước.

Giới chuyên môn cho rằng sở dĩ các hãng taxi truyền thống chưa tham gia vào lĩnh vực taxi công nghệ để cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ nước ngoài là vì quyền lợi từ taxi truyền thống còn quá lớn. Tỉ lệ ăn chia giữa hãng và tài xế còn lớn, hãng hưởng khoảng 60%-70%. Nếu đưa taxi công nghệ vào sẽ dẫn đến xung đột giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ cùng một hãng. Do đó, các hãng taxi truyền thống khi được hỏi vấn đề này thường đưa ra lý do chờ hành lang pháp lý rõ ràng về vận tải công nghệ, "khi đó mới quyết định cũng chưa muộn!".

Các hãng taxi truyền thống còn cho biết thêm dự thảo Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô (sửa đổi đang được Bộ Giao thông Vận tải gửi qua Bộ Tư pháp thẩm định) không những đã không có thay đổi về khái niệm xe vận tải hợp đồng mà còn đưa thêm quy định về thực hiện hợp đồng điện tử. Trong khi hợp đồng bằng giấy hay điện tử chỉ là phương thức giao kết, không phải mô hình kinh doanh. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giao kết hợp đồng đang được thực hiện ở cả đường thủy và đường không. Do đó, không thể có thêm mô hình kinh doanh là hợp đồng vận tải điện tử.

 Các doanh nghiệp kiến nghị dự thảo Nghị định 86 cần bổ sung quy định UBND tỉnh, thành có quyền và trách nhiệm phải quy hoạch lượng xe taxi công nghệ, phù hợp với quy hoạch. Doanh nghiệp taxi còn kiến nghị bổ sung quy định về đăng ký giá cũng như quy định về giá trần, giá sàn cho các loại xe kinh doanh vận tải bằng ô tô. 

Tài xế Uber không mặn mà đón khách

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, từ sau khi Uber thông báo rút khỏi Đông Nam Á, nhiều tài xe Uber chờ đến ngày 8-4 để chuyển sang Grab nên thời gian qua họ không mặn mà đón khách. Nếu có khách đặt quãng đường ngắn với mức phí thấp họ sẵn sàng từ chối ngay mà không lo bị hãng phạt như trước.

Nguyễn Hải

Theo NLĐ

largeer