Tết thời công nghệ: Rất gần mà cũng rất xa

Chủ nhật, 18/02/2018, 06:49 AM

Tết là khoảng thời gian chúng ta có cơ hội để ngồi lại bên nhau, nhìn lại một năm đã qua và cùng nhau mong ước một năm mới an lành và hạnh phúc. Nhưng trong ngày Tết cũng có nhiều người đã lạm dụng các tính năng của những sản phẩm công nghệ nên vô tình tạo ra khoảng cách với mỗi người trong gia đình và trong xã hội.

Tất cả thành tựu công nghệ sinh ra đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích con người, tuy nhiên, nếu không biết sử dụng một cách khoa học, hợp lý thì nó lại trở thành “con dao hai lưỡi”.

Tất cả thành tựu công nghệ sinh ra đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích con người, tuy nhiên, nếu không biết sử dụng một cách khoa học, hợp lý thì nó lại trở thành “con dao hai lưỡi”.

Rút ngắn khoảng cách... 

4 năm là du học sinh ở Nhật Bản cũng bằng ấy thời gian bạn Trần Thị Thúy Nga (Mỹ Đức- Hà Nội) không thể sum họp bên gia đình vào mỗi dịp cuối năm. Tuy nhiên, thông qua những cuộc gọi video call… Nga có thể tham gia các hoạt động đón Tết cùng với gia đình. “Cuối năm, người con xa quê nào cũng muốn được sum họp bên gia đình để cùng cả nhà ăn bữa cơm tất niên, chào đón năm mới. Nhưng do điều kiện kinh tế và công việc nên không phải ai cũng có thể trở về nhà vào dịp đó. Nhờ có điện thoại, máy tính kết nối internet đã giúp chúng tôi được ở gần với người thân và cảm nhận được không khí ấm áp bên gia đình”, Nga chia sẻ. 

Cũng đã 3 năm nay, bữa cơm tất niên của gia đình bác Nguyễn Thị May (Thái Bình) đều không đông đủ các thành viên, bởi cô con gái thứ 2 của gia đình đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan (Trung Quốc). Từ khi con gái đi xuất khẩu lao động, bác May đã sắm một chiếc smart phone để gửi hình ảnh, chia sẻ video hay thực hiện các cuộc gọi video call… để cả gia đình cùng nói chuyện. “Thông qua những hình ảnh và điện thoại, tôi và con gái có thể nắm bắt được thông tin, nên cũng cảm thấy yên tâm khi con đi làm việc xa”, bác May chia sẻ. Tết luôn khiến cho những người xa quê cảm thấy nhớ nhà, nhớ gia đình nhất. Đây cũng là thời điểm mà bố mẹ, ông bà luôn mong ngóng các con, các cháu đi làm ăn xa về sum họp bên gia đình. Bác May tâm sự: “Nhớ con, thương con nên Tết tôi gọi điện liên tục để hỏi thăm và cũng chụp ảnh cả nhà gói bánh chưng, sắm Tết… để cháu cảm nhận được không khí Tết ở nhà”. 

Nhờ có điện thoại thông minh, máy tính, Ipad… hàng ngày những người thân trong gia đình, những người bạn ở xa nhau hàng ngàn kilomet vẫn có thể dễ dàng giao tiếp với nhau. Thông qua công nghệ, người dùng có thể sử dụng các dịch vụ như Viber, Zalo hoặc Facebook để kết nối với người thân, bạn bè, từ đó, khoảng cách về địa lý đã được rút ngắn lại. Trong những ngày Tết, chỉ cần một cái chạm nhẹ vào màn hình điện thoại hoặc click chuột thì những người ở xa có thể tận hưởng không khí đón Tết tại gia đình cùng với người thân. Không chỉ vậy, việc “check in” trên Facebook, Zalo… cũng là hình thức để kết nối mọi người gần nhau hơn. Giờ đây, những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính… đã trở thành công cụ để mọi người gửi lời chúc tốt đẹp đến với những bạn ở xa và người thân trong gia đình. Từ đó, tình cảm của mỗi người sẽ được gắn kết bền chặt dù ở những khoảng cách xa xôi.

… và cũng tạo sự xa cách

Không thể phủ nhận những lợi ích từ sản phẩm công nghệ mang lại cho mỗi người, nhưng cũng chính công nghệ lại khiến con người trở lên xa nhau hơn. Điều này thể hiện trong chính cuộc sống hàng ngày, khi mà trong cùng một gia đình không ai nói chuyện với ai, mỗi người cầm một chiếc điện thoại thông minh lướt Facebook để bình luận những nội dung của những người bạn đăng tải hoặc đọc tin tức… Cũng có nhiều người thông qua điện thoại thông minh đã biết được thông tin của người thân nên đã tranh thủ thời gian nghỉ Tết để đi du lịch hoặc không còn “mặn mà” về quê sum họp bên gia đình. 

Bạn Nguyễn Văn Đức làm việc ở TP.HCM còn cả gia đình sinh sống ở tỉnh Bắc Giang. Hàng ngày, Đức vẫn đều liên lạc với gia đình qua Facebook, livestream với cả gia đình nên cũng biết được công việc và sức khỏe của mỗi người trong gia đình, với việc tàu xe đi lại khó khăn, tốn kém nên Tết năm nay Đức đã quyết định không về quê mà ở lại TP. HCM để đón Tết. “Giao thừa mình sẽ livestream cảnh đón giao thừa ở Sài Gòn cho gia đình và cũng xem trực tiếp thời khắc này trong gia đình qua điện thoại", Đức hào hứng kể. 

Còn nhớ khoảng 10 năm trước, vào những ngày Tết cả  gia đình sẽ quây quần trước màn hình ti vi để xem các chương trình Tết, không khí ngày Tết cũng trở nên rộn ràng hơn. Nhưng những năm gần đây, máy tính, điện thoại thông minh được kết nối internet nên mỗi người đều có thể xem các chương trình yêu thích thông qua các thiết bị này. Bà Đào Thị Toan (70 tuổi) ở Ứng Hòa- Hà Nội nhớ lại: “Khi chưa có điện thoại thông minh, máy tính, trong những ngày Tết cả nhà cùng nhau xem các chương trình Tết chiếu trên ti vi. Còn bây giờ, mỗi người một chiếc điện thoại thông minh, máy tính để làm việc riêng, nên không còn cùng nhau xem ti vi như trước nữa. Nhiều lúc, tôi không còn cảm thấy không khí ấm áp của ngày Tết như trước kia nữa”.

Trong những ngày cuối năm, những công việc như đi chợ sắm Tết, dọn dẹp nhà cửa, trang trí mâm ngũ quả… sẽ tạo không khí ấm áp, chia sẻ gắn kết mọi người trong gia đình. Tuy nhiên, hiện công nghệ đang dần thay thế công việc của con người, nên nhiều người không còn coi trọng việc dọn dẹp nhà cửa vào dịp cuối năm, gói bánh chưng, đi chợ sắm Tết… Bởi công việc dọn dẹp nhà cửa đã có người giúp việc, còn việc mua sắm thực phẩm Tết chỉ cần một cuộc điện thoại, hay click chuột là sẽ có người mang đầy đủ đến nhà. Đó cũng chính là lý do, nhiều năm gần đây, trẻ nhỏ không còn háo hức chợ đợi bố mẹ đưa đi chợ để mua sắm quần áo mới, hay đếm từng ngày để được cùng bố mẹ, ông bà gói bánh chưng, bánh tét... Thay vào đó, trong những ngày giáp Tết chợ Tết online trở nên sôi động, “check in” trên Facebook luôn là đề tài nóng được nhiều người quan tâm.

Thạc sĩ Võ Minh Thành, giảng viên Khoa Tâm lý, trường Đại học Sư phạm TP. HCM nhận định: Những sản phẩm công nghệ hiện đại có nhiều tiện ích, tuy nhiên khi lạm dụng các thiết bị hiện đại thì một số phong tục truyền thống không còn ý nghĩa thật sự. Ví dụ như, việc dọn dẹp trang trí nhà cửa trước Tết là dịp mọi người trong gia đình cùng quây quần chia sẻ với nhau, ông bà chỉ dạy con cháu cách lau dọn ban thờ, trang trí mâm ngũ quả … Tất cả tạo nên không khí ấm áp ngày Tết mà không có gì có thể thay thế được. “Chính vì vậy, việc sử dụng các thiết bị công nghệ trong ngày Tết phải thay đổi, có nhiều việc chúng ta phải tự tay làm mới “nếm” được gia vị ngày Tết. Chúng ta chỉ sử dụng các thiết bị một cách đúng mực, điều cốt yếu là hãy xây dựng bầu không khí đoàn viên, yêu thương và sẻ chia trong gia đình vào ngày Tết”, Thạc sĩ Thành nhận định.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Chính sách và Quản lý văn hóa, Viện Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội:

Những tính năng của sản phẩm công nghệ giúp cho các cá nhân hiểu biết đầy đủ về Tết cổ truyền của dân tộc; phong tục tập quán Tết của các vùng miền trên đất nước cũng được chia sẻ tốt hơn. Ngoài ra, chính những lợi ích của những sản phẩm công nghệ lại hỗ trợ con người trong việc thăm hỏi, đi lễ, hái lộc …. vào những ngày Tết. Tuy nhiên, việc lạm dụng các sản phẩm công nghệ khiến những hoạt động truyền thống như thăm hỏi, chúc Tết dễ bị thay thế bằng hình thức chia sẻ lên mạng xã hội. Từ đó, nhiều người có nhận thức lệch lạc, đua đòi về những hoạt động vui chơi Tết, dễ mất thời gian cho việc sử dụng công nghệ mà không tạo ra giá trị của Tết truyền thống.

Mỹ Đức 

Theo Hải Quan

largeer