Thạc sĩ thiết kế ôtô làm xe đạp tre xuất khẩu

Thứ sáu, 09/12/2016, 13:51 PM

Tháng 12/2015, 20 khung xe đạp tre đầu tiên của anh ra đời tại một căn nhà nhỏ nằm trong một con hẻm ở quận 10, TP.HCM, nơi mà anh gọi là “xưởng nghiên cứu khung xe”.

Từng tốt nghiệp khoa thiết kế ôtô Đại học Bách Khoa TP.HCM, thạc sĩ ngành ôtô Đại học Berlin-Đức, anh Phạm Minh Trí (1983) lại khởi nghiệp với mô hình sản xuất xe đạp bằng khung tre quy mô sản xuất công nghiệp.

Xe đạp tre chỉ để trưng bày?

Nói về xe đạp tre, anh Trí cho biết, mục đích của anh là tạo ra một chiếc xe đạp gần gũi với người Việt, tiện ích và bền bỉ. Thế nhưng, sản phẩm này lại đang được nhận định dưới cái nhìn là một mặt hàng đắt đỏ và khó tiếp cận tại Việt Nam.

Tháng 12/2015, 20 khung xe đạp tre đầu tiên của anh ra đời. Mạnh dạn đem sản phẩm đi trưng bày thử nghiệm tại một cuộc triển lãm, anh nhận được đánh giá khá tích cực từ người tiêu dùng. Thậm chí có khách hàng đã mua hết những sản phẩm của anh tại buổi triển lãm.

Thế nhưng, câu chuyện đáng nhớ này đã trở thành kỉ niệm buồn, khi những sản phẩm tâm huyết của anh bị khách hàng đem đi trưng bày.

Phạm Minh Trí và sản phẩm khung xe đạp bằng tre độc đáo. Ảnh: NVCC.

“Lúc đó tôi thấy bất ngờ vô cùng, khi đến giao hàng, người phụ nữ mua sản phẩm bảo mang hết số xe đó lên tầng 5 để treo theo kiểu phối cảnh trong phòng. Tôi ngậm ngùi mang xe lên mà trong lòng băn khoăn mãi. Liệu chăng suy nghĩ tre chỉ để trưng bày của người Việt không thể thay đổi?”, anh Trí kể lại.

Nhưng cũng từ các cuộc triển lãm, anh tiến hành giới thiệu sản phẩm trên nhiều kênh hơn. Dần dần sản phẩm của anh được nhiều người biết đến, đơn hàng cũng từ đó tăng lên.

Để bán được hàng, anh đưa xe đạp tre ra nước ngoài tiêu thụ trước, thay vì chọn thị trường chủ lực trong nước. Và thật may mắn vì những sản phẩm của anh được đón nhận rất tốt. Hầu hết những sản phẩm xe đạp khung tre của anh Trí hiện nay chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài như: Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Australia, Nhật,…

Đánh vào thị trường ở phân khúc tầm trung và cao, anh Trí cho hay giá thành mỗi khung xe đang ở mức gần 8 triệu đồng, những phụ kiện đi kèm cũng phải có giá trị tương ứng, để đảm bảo sự đồng bộ. Cơ sở anh thường sản xuất theo đơn đặt hàng ở phân khúc 20 triệu đồng/chiếc. Nhận đơn hàng kể từ 12/2015, anh đã sản xuất hơn 200 chiếc, lợi nhuận gần 1,2 tỷ đồng.

Anh chia sẻ vẫn rất tha thiết với thị trường trong nước. "Giá xe hiện tại khá cao so với dòng xe đạp thông thường. Tôi đang cố gắng để giảm giá thành sản phẩm, nhằm tiếp cận tốt hơn với người dùng Việt", anh Trí nói.

"Quan trọng nhất là truyền cảm hứng cho người dùng"

Ý tưởng thiết kế khung xe đạp tre xuất phát từ năm 2009, khi anh tham gia một buổi workshop tại Đức. Tính năng dẻo dai, bền bỉ của thân cây tre có thể tận dụng tốt để làm khung xe đạp, chỉ cần gia công thêm một số chi tiết mối nối thì có thể sản đưa vào vận hành như chiếc xe đạp làm bằng nhôm, sắt,...

Đến năm 2012, anh bắt tay vào nghiên cứu mô xe đạo tre tại một xưởng thiết kế ôtô ở Stuttgrart (Đức).

Một sản phẩm xe đạp chế của anh Trí bằng tre tại nước ngoài. Ảnh: NVCC.

Bỏ công nguyên cứu hơn 300 loại tre tại Việt Nam, sau khi sàn lọc anh chọn 18 loại tre có tính ứng dụng để thử nghiệm, cuối cùng chọn được loại tầm vông tại vùng Thất sơn, An Giang làm khung xe.

Theo anh Trí, làm xe đạp tre không khó, nhưng để sản xuất lớn, phục vụ cho mục đích thương mại là chuyện không dễ dàng.

Về nguyên lý vận hành chiếc xe đạp tre, trước đây anh dùng sợi carbon quấn các mối nối của thanh tre, sau đó mài lại cho có tính thẩm mỹ. Nhưng hiện tại cơ sở anh dùng những bộ khuôn ép mối nối do anh sáng chế ra, để tiết kiệm tối đa sức người, cũng như hạn chế phát sinh giá thành sản phẩm.

Kể lại quá trình bắt đầu, anh cho biết mình đã làm hỏng 3-4 mẻ khung. “Số vốn ban đầu là dự định 30-40 triệu thôi, nhưng trong quá trình thử nghiệm hư hỏng, phát sinh thêm nhiều thứ khiến vốn đội lên rất nhiều”, anh Trí chia sẻ.

Khó khăn trong việc sản xuất là thế nhưng khâu đưa sản phẩm vào thị trường cũng không phải dễ dàng. Theo anh Trí, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng một chiếc xe đạp bằng tre, anh phải tính toán nghiên cứu kỹ lưỡng về thông số kỹ thuật, tìm hiểu các loại vật liệu như khung gá, keo chuyên dụng và đặc biệt là đặc tính của tre.

Tâm lý người dùng hiện nay còn quan ngại về tính an toàn khi một chiếc xe đạp bằng tre đi trên đường. Nhiều khách hàng đặt ra câu hỏi liệu khung xe có chắc chắn không? Đi có an toàn không? Chạy ngoài đường "sụp ổ gà" có bị gãy làm đôi không? Xe này để ngoài mưa nắng có bị mau hư, mối mọt không?...

“Thị trường trong nước hầu như chưa chấp nhập loại xe này, thị trường nước ngoài vẫn còn nhỏ lẻ. Nhưng quan trọng nhất với tôi là cách thức truyền niềm tin cho người sử dụng”, anh Trí chia sẻ.

 

Theo Thái Nguyễn (Tri thức)

Thu Thủy
Từ khóa:

largeer