Tham gia EVFTA, ngành gỗ gặp thách thức nhiều hơn thuận lợi

Thứ hai, 23/09/2019, 10:07 AM

Trong năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ là 9,3 tỷ USD và với đà phát triển hiện tại, cộng thêm việc Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA) vừa được ký kết, ngành gỗ hy vọng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2019 trên 11 tỷ USD.

EVFTA mang lại nhiều kỳ vọng cũng như thách thức cho ngành gỗ. (Ảnh minh họa).

EVFTA mang lại nhiều kỳ vọng cũng như thách thức cho ngành gỗ. (Ảnh minh họa).

Mở ra cơ hội tăng trưởng…

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 8/2019 đạt 1,031 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng giá trị xuất khẩu lâm sản 8 tháng đầu năm đạt 7,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm khoảng 26,6% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Riêng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G-SPG) đạt khoảng 6,66 tỷ USD. Những thị trường nhập khẩu G-SPG lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ngay khi EVFTA được ký kết, nhiều chuyên gia đánh giá sẽ mang lại cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường này. Với việc các dòng thuế được hạ xuống, và một số mặt hàng có thể giảm về 0% theo lộ trình sẽ tạo thuận lợi cho những doanh nghiệp xuất khẩu.

Phấn khởi với những ưu đãi của EVFTA, ông Lê Trần Anh Tú - Giám đốc Công ty Gỗ Ledecor chia sẻ: “Trước đây khi xuất khẩu qua châu Âu thì những mặt hàng gỗ phải chịu thuế. Nay dòng thuế giảm sẽ giúp mặt hàng này có sức cạnh tranh hơn so với thời điểm chưa có EVFTA”.

Hiện tại, EU là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 5 của Việt Nam. Với những cam kết mà đôi bên đạt được trong EVFTA, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ rộng đường hơn khi vào EU. Vì thế nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ có sẵn những chiến lược để đẩy mạnh hơn vào thị trường này.

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Thủ công Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cũng cho hay, ngoài thuế, EVFTA còn có nhiều thỏa thuận khác có lợi cho tương lai. Ví dụ như EVFTA quy định rất nhiều về thể chế, các vấn đề về điều kiện lao động, môi trường. Và như vậy khi chúng ta tham gia vào cái hiệp định này không chỉ riêng với các doanh nghiệp xuất khẩu, mà toàn thể doanh nghiệp tham gia vào hệ thống của nền kinh tế quốc dân phải có những thay đổi nhất định. Và cái thay đổi đó có lợi về mặt dài hạn khi môi trường sản xuất, điều kiện sản xuất được chú trọng hơn thì sẽ có lợi về lâu về dài.

Chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nâng cao chất lượng lao động là những tiêu chí phát triển ngành gỗ thời gian tới.

Chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nâng cao chất lượng lao động là những tiêu chí phát triển ngành gỗ thời gian tới.

…nhưng thách thức nhiều hơn

Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy thuận lợi luôn đi đôi với thách thức, khi thị trường mở cửa, hàng hóa EU vào Việt Nam cũng tạo ra sức ép không nhỏ buộc doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực cải thiện năng lực của mình. Khó khăn lớn mà các doanh nghiệp Việt gặp phải là doanh nghiệp EU đều có lợi thế hơn hẳn về quy mô, năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường và khả năng tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA). Mặt khác, để hưởng các ưu đãi thuế quan trong EVFTA là không hề đơn giản vì yêu cầu về quy tắc xuất xứ của hiệp định này có thể khó đáp ứng. Theo đó, thông thường hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan trong các FTA thì nguyên liệu phải đáp ứng được tỷ lệ nhất định về hàm lượng nội khối. Không những vậy, với EVFTA, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam phải bảo đảm sử dụng gỗ nguyên liệu 100% hợp pháp (bao gồm cả gỗ nhập khẩu và gỗ trong nước).

Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Chế biến lâm sản Việt Nam, hiện tại có khoảng 4.500 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản, trong đó có đến 93% là có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, không tập trung.

Trong khi đó, nguồn gỗ từ rừng trồng trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Do vậy, khối lượng gỗ nhập khẩu hằng năm rất lớn.

Lựa chọn thị trường nhập khẩu gỗ để bảo đảm 100% là gỗ sạch, đáp ứng đúng tiêu chuẩn mà EVFTA mang lại là điều không hề dễ dàng. Đây là mối lo ngại chung của hầu hết doanh nghiệp sản xuất gỗ trong nước.

Trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam sử dụng khoảng 60-70% nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Tỷ trọng này gần đây giảm xuống còn khoảng 50% do nguồn gỗ nguyên liệu trong nước tăng lên. Hiện có 2 nguồn nhập khẩu gỗ chủ yếu, một là những nước có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng như châu Âu hay Mỹ; hai là nhập từ những nước tạm gọi là khai thác rừng trồng và những nơi này nguồn gốc xuất xứ gỗ không rõ ràng.

Việc xác định nguồn gốc nguyên liệu gỗ mua từ một số nước là cực kỳ khó khăn. Nếu nhập từ một số nước phát triển như Đức, Pháp hay Mỹ… thì chuẩn rồi. Nhưng gỗ từ một số nước khác thì khó hơn nhiều.

Ngoài khó khăn về việc chứng minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngay nội tại ngành gỗ cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết triệt để. Nổi bật trong đó là tính cạnh tranh sản xuất tăng cao do các doanh nghiệp FDI tham gia thị trường Việt Nam ngày càng nhiều.

Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm lao động. Các doanh nghiệp FDI khiến nhu cầu lao động tăng lên. Giá nhân công tăng từ 10-20% nhưng vẫn khó tuyển được người.

Năng suất lao động của doanh nghiệp Việt thấp, được xếp vào nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN. Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đạt 11.124 USD; bằng 7,3% mức năng suất của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; và 44,8% của Indonesia.

Chỉ khi giải quyết được những vấn đề này, ngành gỗ mới thực sự tạo được bước đột phá trong xuất khẩu.

 Nguyễn Ngọc

Theo NTD

largeer