Thay đổi thói quen đốt đồ mã cần sự chung tay của cả cộng đồng

Thứ hai, 26/02/2018, 13:33 PM

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa văn bản hướng dẫn các phật tử hạn chế và dần loại bỏ tục đốt đồ mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, đặc biệt là trong mùa lễ hội 2018.

Xung quanh câu chuyện hạn chế đốt đồ mã, một thói quen, quan niệm đã tồn tại một thời gian dài trong cuộc sông tâm linh của người Việt, ngày 24-2, ông Nguyễn Thái Bình (ảnh), người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL đã có trao đổi với PV Báo SGGP xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Sử dụng nhiều đồ mã gây tốn kém, lãng phí đã được bàn tới rất nhiều lần. Mùa lễ hội năm nay, câu chuyện đó lại một lần nữa được đưa ra xới xáo. Quan điểm của Bộ VH-TT-DL về việc đó như thế nào?

Ông NGUYỄN THÁI BÌNH: Đốt đồ mã là một phong tục cổ truyền của người Việt và được coi như một phương tiện kết nối giữa người sống và người chết, cõi dương và cõi âm. Đây cũng là một cách thức để con người bày tỏ hiếu lễ đối với tổ tiên và thần linh. Bên cạnh đó, việc làm đồ mã cũng được xem như một nghề truyền thống, đem lại công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều người dân.

Ông Nguyễn Thái Bình

Ông Nguyễn Thái Bình

Tuy nhiên, việc đốt nhiều đồ mã trong thời gian gần đây đã gây những tác hại nhất định, đặc biệt là việc đốt quá nhiều. Thứ nhất, việc đốt đồ mã đã tạo ra một cuộc đua tranh trong xã hội theo nghĩa người nào càng đốt nhiều thì được xem là càng có nhiều lộc, có hiếu nhiều hơn so với những người khác. Thứ hai, việc đốt đồ mã tạo điều kiện cho hoạt động mê tín dị đoan phát triển tràn lan. Nhiều hình thức mê tín khác nhau lợi dụng đồ mã để làm lợi cho người bán đồ mã, người xem bói hay những người hành nghề mê tín dị đoan khác. Thứ ba, việc đốt đồ mã quá nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt môi trường ở các khu di tích; dễ gây cháy nổ ở các nơi đốt đồ mã. Thứ tư, việc dùng tiền để mua đồ mã quá nhiều đã gây ảnh hưởng đến kinh tế của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Những năm gần đây, Bộ VH-TT-DL đã ban hành các công văn gửi các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền vận động việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự tín ngưỡng, trong đó có việc hạn chế đốt đồ mã. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng vừa có văn bản đề nghị “loại bỏ mê tín dị đoan, đốt đồ mã” thể hiện sự chia sẻ về mặt quan điểm của Bộ VH-TT-DL và là một việc làm được nhiều tăng ni, phật tử ủng hộ. 

Một số ý kiến cho rằng cần phải có những giải pháp mạnh hơn việc khuyến cáo? Đã có những quy định về không được đốt đồ mã nơi công cộng, nhưng thực tế gần như chưa ghi nhận một trường hợp xử phạt nào liên quan tới hành vi này. Nguyên nhân do đâu?

Để hạn chế tình trạng đốt đồ mã của người dân, tại điểm c, khoản 1, Điều 18, Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12-7-2010 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa đã quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi “đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác”… 

Cùng đó, theo quy định tại Điều 6, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, thực hành nghi lễ tín ngưỡng. Vì vậy, việc vận động này không chỉ phụ thuộc vào việc ban hành các văn bản mà còn phụ thuộc vào nhận thức của người thực hành tín ngưỡng. Để thay đổi thói quen cần có sự vận động, thuyết phục người dân tự nguyện làm theo. Cùng với đó, cần có thời gian, sự chung sức của các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là từ các phương tiện truyền thông để người dân thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của mình. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng, với sự quyết tâm, sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, những thói quen không phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay sẽ thay đổi theo hướng tích cực, lành mạnh.

Không chỉ lễ hội, trong những ngày tháng Giêng, việc dâng sao giải hạn đang ngày càng nặng nề hơn, quy mô lớn hơn… đặc biệt là ở miền Bắc. Nhiều ý kiến cho rằng cả mùa xuân là mùa miền Bắc chìm trong tín ngưỡng, hội hè… Cần làm gì để thoát khỏi tâm lý tháng Giêng là tháng ăn chơi?

Lễ hội là di sản văn hóa của dân tộc, là sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu trong đời sống nhằm thỏa mãn khát vọng trở về cội nguồn, sinh hoạt tín ngưỡng, cân bằng đời sống, tâm linh và hưởng thụ sáng tạo văn hóa của nhân dân. Việc dâng sao giải hạn là một trong những hoạt động tín ngưỡng của người dân diễn ra chủ yếu vào dịp đầu năm mới để cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc... Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân đã có những thay đổi, lễ dâng sao giải hạn cũng có những biến đổi về mục tích, quy mô tổ chức so với trước đây. Những lễ dâng sao giải hạn có quy mô rộng chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chủ yếu do các nhà sư đứng ra tổ chức, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh lành mạnh của nhân dân.

Các lễ hội ở nước ta chủ yếu diễn ra vào dịp đầu xuân, nên việc đi hội, xem hội đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, để đảm bảo các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc và đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ, hướng tới mùa lễ hội diễn ra an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí. Không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính. Không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo các đơn vị không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công…

Có thể thấy, lễ hội dân gian, bằng chính sự đa dạng, phong phú và đặc sắc của nó đã là một nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch. Song việc gần đây Bộ VH-TT-DL không cho phép mở rộng quy mô lễ hội, không thu phí của người dân khi tham dự lễ hội liệu có phải là đã đi ngược lại với quan điểm trên?

Tại khoản 20, Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20-3-2017 của Chính phủ quy định phạt tiền 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về điều kiện tổ chức hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng như bán vé, thu tiền tham dự lễ hội. Vì vậy các quy định về quy mô tổ chức lễ hội hay không bán vé vào lễ hội là những chủ trương đúng của Nhà nước nhằm mục đích bảo đảm nội dung lễ hội đúng với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, loại bỏ những tập tục lạc hậu không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống, hấp dẫn và có giá trị về giáo dục, tâm linh lành mạnh.Cảm ơn ông! 

MAI AN (thực hiện)

Theo SGGP

largeer