Thấy gì sau vụ Ba Huân với VinaCapital?

Thứ sáu, 10/08/2018, 14:13 PM

Sau chưa đầy nửa năm ký hợp tác, chiều ngày 9/8, Tập đoàn VinaCapital có thông cáo báo chí liên quan đến việc dừng đầu tư vào Công ty Cổ phần Ba Huân.

VinaCapital cho biết, Công ty Ba Huân và Tập đoàn VinaCapital đã thống nhất ký kết thỏa thuận chấm dứt việc đầu tư và bắt đầu chuẩn bị các tài liệu cho các thủ tục pháp lý cần thiết nhằm hoàn tất thỏa thuận này trong thời gian sớm nhất trên cơ sở tôn trọng pháp luật và hài hòa lợi ích.

Bà Phạm Thị Huân và ông Don Lâm - Giám đốc điều hành VinaCapital thỏa thuận dừng hợp tác

Bà Phạm Thị Huân và ông Don Lâm - Giám đốc điều hành VinaCapital thỏa thuận dừng hợp tác

"Các chi tiết trong thỏa thuận sẽ được hai bên cùng công bố khi hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết. VinaCapital luôn để mở cơ hội hợp tác trở lại với công ty Ba Huân khi có điều kiện thuận lợi hơn" - thông cáo cho biết.

Dù đã dừng hợp tác trong không khí tương đối "hài hòa" giữa 2 bên, tuy nhiên những bất cập dẫn đến “sự chia tay” giữa 2 thương hiệu tên tuổi này đã khiến dự luận một phen dậy sóng và đặt ra một câu hỏi lớn cho giới doanh nghiệp Việt là cần làm gì khi đặt bút ký các hợp đồng làm ăn với những ông lớn ngoại quốc?

Theo nhiều chuyên gia đầu ngành, dù ngưng hợp tác với một trong những ông trùm về đầu tư như Vina Captal nhưng đây không hoàn toàn là thất bại của Công ty Ba Huân.

Bởi, theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, doanh nghiệp Ba Huân vẫn sẽ kinh doanh bình thường và sau vụ việc này cần rút kinh nghiệm khi chọn các đối tác cổ đông chiến lược nhất là với các công ty mang tính tầm cỡ quốc tế.

“VinaCapital muốn lấy cổ tức 22% 1 năm chuyện đó là vô lý, trong khi đối với các doanh nghiệp Việt chỉ khoảng 20% 1 năm là cao lắm rồi. Hơn thế, nếu không lấy được 22% thì phải đền. Trong khi VinaCapital là 1 cổ đông mua cổ phần trong của Ba Huân thì lời ăn lỗ chịu mà lại đòi hỏi phi lý vậy, thật chẳng khác nào VinaCapital cho vay lãi cao gấp 3 lần ngân hàng” - ông Hưng cho biết thêm.

Ba Huân lo sợ bị VinaCapital thâu tóm

Ba Huân lo sợ bị VinaCapital thâu tóm

Vì thế, với nhiều đòi hỏi quá hời cho VinaCapital sẽ đặt ra nhiều lo ngại cho tường lai của Công ty Ba Huân một khi không hoàn thành mục tiêu hợp doanh số đạt được mà VinaCapital đưa ra. Thậm chí tương lai mù mịt hơn là vận mệnh của Ba Huân hoàn toàn có thể rơi vào tay VinaCapital. Do đó, các chuyên gia cho rằng “chia tay sớm” VinaCapital có khi lại là may mắn cho Ba Huân.

“Mỗi quỹ đầu tư đều hoạt động có phương châm hoạt động riêng, khi doanh nghiệp hợp tác với họ mà không am hiểu thì tất nhiên họ sẽ đưa vào các ràng buộc có lợi nhất cho họ” - Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền chia sẻ.

Ba Huân còn “non tay”

Mặc dù so với VinaCapital thì thương hiệu và cả kinh nghiệp trên thương trường Ba Huân vẫn chưa thể sánh nổi. Tuy nhiên việc để xảy ra bê bối như vừa qua là điều khó chấp nhận và còn thể hiện sự quá non nớt và yếu kém về kinh nghiệm của công ty này.

Bà Ba Huân còn

Bà Ba Huân còn "non tay" trong thương vụ với VinaCapital

Theo thông tin trước đó, vụ bê bối này xảy ra do phía Ba Huân phát hiện bất cập trong nội dung hợp đồng giữa bản tiếng Anh và tiếng Việt dẫn đến những thỏa thuận trước đó và văn bản hợp đồng không như mong muốn. “Lần này Ba Huân sơ suất không xem kỹ các điều khoản mà chỉ nghe nó nói ngon ngọt và chỉ xem sơ bản tiếng Anh mà không nhận liền bản tiếng Việt” -luật sư Phạm Ngọc Hưng nhấn mạnh.

Rõ ràng lỗi phần lớn là nằm ở doanh nghiệp Ba Huân đã không kỹ lưỡng trong hợp đồng mang giá trị không hề nhỏ của công ty. Vì thế, có những bất lợi về sau là điều khó tránh khỏi. Bởi khi tranh chấp xảy ra mọi thứ sẽ được giải quyết dựa trên các điều khoản hợp đồng mà 2 bên đã ký.

Bài học lớn cho doanh nghiệp Việt

Theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp Việt hầu hết đều còn rất non nớt trong giao thương với các doanh nghiệp lớn nhất là các doanh nghiệp ngoại. Vì thế, khi có nhu cầu kêu gọi hợp tác đầu tư, cần xác định rõ mục đích của doanh nghiệp mình và cả đối tác chiến lược trong bức tranh hợp tác.

“Thường có 2 yếu tố quan trọng nhất là nhà đầu tư sẽ mang đến cho mình, một là công nghệ mới, hai là người ta mang cho mình sự quản trị mới. Qua công nghệ và quản trị đó mình tạo ra năng sức cao hơn, hiệu quả kinh doanh cao hơn. Cái này Vina Capital không mang công nghệ mới hay công nghệ mới chỉ bỏ tiền vô thôi. Và, nếu vì tiền thì đây không phải phương án hay cho việc Ba Huân chọn làm cổ đông chiến lược” - luật sư Hưng chia sẻ.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cho rằng, các doanh nghiệp Việt hiện nay khi làm việc với các quỹ đầu tư doanh nghiệp nên sử dụng đội ngũ tư vấn pháp lý, chuyên gia am hiểu để đàm phán và kiểm duyệt thận trọng các văn bản trước khi ký. Nhất là các văn bản ký bằng hai hoặc nhiều thứ tiếng phải dịch cùng lúc, kiểm duyệt cùng lúc và khi ký thì cũng nên ký đồng thời.

Cũng theo chuyên gia Huỳnh Thanh Điền, động thái kiến nghị Thủ tướng giúp đỡ của Công ty Ba Huân được nhiều ý kiến ủng hộ, bởi điều này thể hiện sự mạnh dạn của doanh nghiệp khi phát hiện có dấu hiệu bị lừa dối với quy mô, tính chất quan trọng.

"Doanh nghiệp mạnh dạn bày tỏ tâm tư của mình đối với Chính phủ là thể hiện niềm tin vào Chính phủ, tin vào thông điệp cam kết Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp. Qua đó, ít nhiều cũng giúp Chính phủ nhận ra được những hạn chế trong khung pháp lý hoạt động các quỹ đầu tư, những sự ma mãnh của các tổ chức kinh doanh nước ngoại, sự yếu kém của doanh nghiệp nội để có những chương trình tiếp sức phù hợp” - ông Điền chia sẻ thêm.

Kim Ngọc

(Ảnh: Internet)

Theo NTD

largeer