Thế chân Vingroup tại Gỗ Trường Thành, Bầu Thắng tính toán gì?

Chủ nhật, 28/10/2018, 13:23 PM

CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành dự định sáp nhập vào Sứ Thiên Thanh, một công ty con của ông bầu bóng đá Võ Quốc Thắng (Bầu Thắng). Thế chân Vingroup, Bầu Thắng tính toán gì trong thương vụ này? Liệu Bầu Thắng có giúp được Gỗ Trường Thành thoát lỗ trong những năm tiếp theo?

Theo tài liệu công bố tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường diễn ra chiều ngày 25.10, HĐQT CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) trình cổ đông phương án nhận sáp nhập CTCP Sứ Thiên Thanh.

Thương vụ sáp nhập sẽ tiến hành theo phương thức hoán đổi cổ phần. Theo đó, TTF dự kiến sẽ phát hành gần 96.6 triệu cp để hoán đổi với tỷ lệ 8.21:1 (tức 8.21 cp TTF đổi 1 cp Sứ Thiên Thanh).  Với phương án này, TTF sẽ phát hành khoảng 96,59 triệu cp để hoán đổi, vốn điều lệ sau phát hành dự kiến tăng lên 3.112 tỷ đồng.

Được biết, Sứ Thiên Thanh là công ty con thuộc CTCP Đồng Tâm của ông bầu bóng đá nổi tiếng Võ Quốc Thắng (Bầu Thắng). Sản phẩm chính của Sứ Thiên Thanh là sứ vệ sinh (bồn, chậu..), chủ yếu là phân khúc thấp. Giai đoạn 2015-2017, Sứ Thiên Thanh ghi nhận doanh thu tăng từ 138 tỷ đồng lên 159 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm dần từ 12,6 tỷ xuống 0,75 tỷ đồng. Năm 2018, công ty lên kế hoạch doanh thu đạt 177,5 tỷ đồng và lãi sau thuế 5,1 tỷ đồng.

t5

Được biết, đơn vị định giá giá trị của TTF và Sứ Thiên Thanh lần lượt là 3,747 đồng/cp và 30,600 đồng/cp. Định giá này cũng là vấn đề gây nhiều khúc mắc nhất cho các cổ đông có mặt tại Đại hội và đã nổ ra không ít tranh cãi. Nhiều cổ đông lo ngại về tính hợp lý của mức định giá và hiệu quả kinh tế sau khi thực hiện sáp nhập.

Sau sáp nhập, Gỗ Trường Thành và Công ty Sứ Thiên Thanh của Bầu Thắng sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con, Sứ Thiên Thanh thành công ty TNHH một thành viên. Kế hoạch kinh doanh cho công ty mới sau sáp nhập năm 2019 là doanh thu 252,8 tỷ đồng và lãi sau thuế 12,8 tỷ đồng.

Bức tranh tài chính "bết bát" của TTF

Tình hình tài chính của TTF cũng là nỗi trăn trở của không ít cổ đông tham gia Đại hội lần này.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018, TTF đạt doanh thu 326 tỷ đồng, lỗ 567 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, Công ty đạt 512 tỷ đồng doanh thu, lãi gần 1 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh yếu kém, lợi nhuận của TTF còn bị nhấn chìm thêm một lần nữa bởi việc trích lập dự phòng các khoản phải thu trong quý II.2018, mức trích lập là 370 tỷ đồng, nâng tổng mức trích lập 6 tháng đầu năm lên 396,7 tỷ đồng; tổng số dư trích lập của Công ty đối với khoản mục này là 560,7 tỷ đồng.

TTF tổ chức ĐHĐCĐ bất thường

TTF tổ chức ĐHĐCĐ bất thường

Theo đó, thời điểm cuối tháng 6/2018, TTF có khoản lỗ lũy kế 1.901 tỷ đồng, đưa vốn chủ sở hữu về mức 324 tỷ đồng trên vốn điều lệ 2.146 tỷ đồng.

Vấn đề lớn còn lại của TTF là hàng tồn kho, với số dư 1.754 tỷ đồng (sau trích lập dự phòng). Đây có thể tiếp tục là yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của TTF trong các quý tiếp theo, hoặc trong năm tới, nếu Công ty không quyết liệt làm sạch tới cùng các tài sản đang sở hữu và lành mạnh hóa báo cáo tài chính.

Tại ĐHĐCĐ bất thường, giám đốc tài chính TTF cho biết “Về các khoản cần thu hồi đã được trích lập trong BCTC quý 2/2018 thì đến thời điểm này TTF chưa thu hồi được và theo đánh giá thì rất khó để có thể thu hồi”

Phía TTF cũng cho biết, tồn kho của Công ty là nguyên liệu gỗ bao gồm cả gỗ đắt tiền và cả gỗ ít giá trị sử dụng. Vì thế, TTF quyết định sẽ bán thanh lý phần gỗ khó sử dụng và đương nhiên sẽ phải chấp nhận bán lỗ. Về phần thành phẩm tồn kho thì không đáng kể.

Đại diện TTF cũng cho biết thêm rằng, sau khi sáp nhập được vào Sứ Thiên Thanh của Bầu Thắng, trích lập đủ các chi phí dự phòng trong cuối năm 2018 này và xử lý được các vấn đề tồn đọng còn lại thì năm sau 2019 TTF có thể có lãi. Riêng năm 2018 này, TTF sẽ không đạt  được kế hoạch đề ra.

Để có thể cơ cấu giai đoạn tới, TTF dự tính sẽ cần thêm 1.000 tỷ vốn điều lệ và khả năng TTF sẽ không chia cổ tức trong 5 năm tới.

Còn nhớ, tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 của TTF, công ty này đã  thông qua việc phát hành 69,7 triệu cổ phiếu cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát, một công ty con của Tập đoàn Vingroup, để thực hiện hợp đồng vay chuyển đổi thành cổ phiếu. Thời điểm đó, Vingroup chi khoagr 1.200 tỷ đồng để trở thành cổ đông của TTF. Nhưng chỉ sau một năm, Tân Liên Phát đã bán cổ phiếu TTF để giảm sở hữu tại công ty Gỗ Trường Thành. Nguyên nhân là tình trạng lỗ của Gỗ Trường Thành giảm không đáng kể.

Sự rút lui của Vingroup và sự thế chân của Bầu Thắng liệu có thể giúp cho Gỗ Trường Thành qua được giai đoạn bết bát như hiện nay?

Lê Thúy

Theo Dân Việt

largeer