Thị trường laptop Việt có bão hòa?

Thứ ba, 17/09/2019, 09:57 AM

Tính từ năm 2012 đến nay, thị trường máy vi tính xách tay (laptop) Việt Nam không có nhiều biến động, thậm chí còn có nhận định rằng đang có dấu hiệu bão hòa. Tuy nhiên, nhìn vào những con số bán hàng của các trung tâm bán lẻ như Thế Giới Di Động, Viễn Thông A, Phong Vũ... có thể thấy thị trường này vẫn âm thầm tăng trưởng.

Nhu cầu tìm mua laptop để phục vụ học tập, làm việc vẫn tăng cao.

Nhu cầu tìm mua laptop để phục vụ học tập, làm việc vẫn tăng cao.

Những dòng laptop được ưa chuộng

Sẽ rất vội vàng nếu nhận định thị trường laptop bão hòa ở thời điểm hiện tại. Bởi, nếu thực sự so về số lượng từng kỳ bán ra, sẽ thấy sự tăng trưởng nhẹ về doanh số.

Khảo sát tại một số cửa hàng bán laptop uy tín trên địa bàn TP.HCM sẽ thấy một sự phân cấp rõ rệt giữa các thương hiệu, dòng máy, tùy theo cấu hình và giá cả. Nhưng nhìn chung, nhu cầu của người tiêu dùng vẫn dựa trên những mẫu laptop quen thuộc.

Hiện tại, có 7 thương hiệu laptop được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng, nhất là Apple, HP, Lenovo, Acer, Asus, Dell và MSI (Microsoft) với rất nhiều phân khúc và giá thành khác nhau. Có những chiếc laptop có giá chỉ vài ba triệu đồng như Sony Vaio, Asus Zenbook... chủ yếu cho dân văn phòng. Đặc điểm của các dòng laptop này là thiết kế nhỏ gọn, cấu hình không quá cao, phù hợp cho việc soạn thảo văn bản và các nhu cầu cơ bản của một nhân viên văn phòng bình thường.

“Thương hiệu laptop được đánh giá tích cực nhất từ người dùng chính là Lenovo chứ không phải những ‘ông lớn’ như Apple, HP. Hầu hết các dòng máy Lenovo có cấu hình cao, tuổi thọ pin tốt và vô cùng bền đẹp. Nhất là dòng IBM Thinkpad đã có tiếng một thời trong giới doanh nhân thì nay xuất hiện trở lại ồ ạt hơn kèm với những cấu hình cao hơn, phù hợp hơn trong xu thế mới. Ngoài ra, còn có Carbon X1, IdeaPad, Essential... đều được đánh giá khá cao. Nhưng nhược điểm của Lenovo là chăm sóc khách hàng không tốt. Và, những người lựa chọn Lenovo hầu hết là những người rành công nghệ” - anh Vinh (một chuyên viên laptop ở cửa hàng P.) cho biết.

Cũng theo lời anh Vinh, “ông lớn” Apple với dòng Macbook nổi tiếng đẳng cấp luôn được đánh giá cao ở việc hỗ trợ khách hàng. Kỳ thực, giá cả một chiếc laptop của Apple khá cao so với mặt bằng chung. Song chất lượng và chế độ hỗ trợ hậu mãi đi kèm đều thể hiện đẳng cấp của ông lớn trong ngành công nghệ. Đó là lý do vì sao nhiều người “gửi gắm” niềm tin ở thương hiệu này.

“Các sản phẩm của Apple đều đạt đẳng cấp trong thiết kế cũng như chất lượng. Từ thiết kế mỏng, nhẹ, bóng bẩy đến chất lượng âm thanh, bàn phím, bàn di chuột Apple đều đạt số điểm gần như tuyệt đối trên các trang đánh giá (4.5/5). Tuy nhiên, mức giá các sản phẩm Apple thường khá cao, do vậy việc hỗ trợ khách hàng tốt cũng coi như là đổi lấy lòng tin cho người dùng để lựa chọn sản phẩm của mình” - anh Vinh nhận định.

Haier chào sân thị trường Việt với 4 dòng laptop mới.

Haier chào sân thị trường Việt với 4 dòng laptop mới.

Âm thầm tăng trưởng

Nhận định tổng quan về thị trường laptop, ông Vũ Phi Hùng (kỹ sư công nghệ thông tin của một công ty đa quốc gia tại quận 2, TP.HCM) cho biết: “Nhìn nhận một cách khách quan, doanh số thị trường laptop vẫn thường được tính chung vào PC (máy tính cá nhân, gồm máy tính để bàn, laptop và sản phẩm 2 trong 1). Năm 2019 được kỳ vọng là lần đầu tiên kể từ năm 2012, thị trường máy tính cá nhân mới lại có sự tăng trưởng về mặt doanh số, khi mà trước đó thị trường máy tính liên tục có sự tăng trưởng âm hoặc không tăng trưởng”.

Ông Hùng cũng cho biết, theo số liệu mới của Gartner (một trong những kênh đánh giá thị trường công nghệ của thế giới cùng IDC), thời điểm vàng tăng trưởng của thị trường laptop rơi vào ba tháng 8, 9 và 10 hằng năm với mức tăng trưởng có thể lên đến 20%.

“Theo báo cáo Công ty Nghiên cứu Thị trường Canalys, doanh số máy tính sẽ tăng trưởng tích cực vào năm 2019, ở mức 0.3% sau 7 năm ‘lao dốc’. Vậy nên, nhận định thị trường laptop thời điểm này bão hòa là một nhận định vội vàng. Bởi lẽ, sau một thời gian lép vế so với hai dòng công nghệ tiện dụng smartphone và tablet, laptop đang có sự quay trở lại mạnh mẽ, nhất là laptop giá rẻ phục vụ cho học tập và văn phòng. Hoặc máy chơi game” - ông Hùng phân tích.

Xét ở doanh số từng tháng, ông Hùng cũng phân tích cụ thể, ví dụ Viễn Thông A hay Phong Vũ tháng vừa rồi bán được 1.000 chiếc máy tính, tháng này bán lên 1.005 chiếc thì đây là con số có tăng trưởng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng không đáng kể, nhưng cũng không thể nói là bão hòa hoàn toàn.

Đây cũng là lý do Thế Giới Di Động đẩy mạnh hướng buôn bán laptop nhằm vươn lên chiếm lĩnh thị trường.

Trả lời báo chí về hướng đi sắp tới, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO CTCP Thế Giới Di Động, cho biết: “Thị trường laptop Việt Nam rất phân mảnh. Thế Giới Di Động đang chiếm thị phần lớn nhất với 20% nhưng còn nhiều cơ hội tăng trưởng nên chúng tôi quyết định tập trung cho ngành hàng laptop”.

Người đứng đầu Thế Giới Di Động cũng đánh giá rằng thị trường laptop Việt Nam có quy mô khoảng 12.000-14.000 tỷ đồng với 1 triệu máy được bán ra mỗi năm. Hiện Thế Giới Di Động đã mở 26 trung tâm laptop bên trong các cửa hàng Thegioididong.com và Điện Máy Xanh ở TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và sẽ tiếp tục nhân rộng số lượng. Bên cạnh đó, số cửa hàng kinh doanh laptop sẽ tăng từ 350 lên 500 với số dòng sản phẩm cũng tăng thêm gấp đôi.

Tham vọng của Thế Giới Di Động là thâu tóm 50% thị phần toàn thị trường, như cách họ đã làm được ở mảng smartphone.

Như vậy, nhìn chung, thị trường laptop Việt đang có dấu hiệu hồi sinh, nhất là trong bối cảnh năm học mới bắt đầu, nhu cầu mua sắm laptop cá nhân phục vụ cho học tập của học sinh, sinh viên tăng cao.

Đăng Kiệt

Theo NTD

largeer