Thị trường ô tô 2019: Xe nội “so găng” với xe ngoại

Thứ sáu, 10/05/2019, 10:47 AM

Sau một thời gian trầm lắng, từ đầu năm đến nay, lượng xe ô tô nhập khẩu đã tăng mạnh khi thuế nhập khẩu về 0%. Trong khi đó, các DN Việt Nam cũng đang đẩy mạnh đầu tư nội địa hóa xe ô tô, tạo ra đối trọng với xe nhập khẩu, tạo cơ hội cho người tiêu dùng được mua xe giá rẻ.

 Giới thiệu ô tô tới khách hàng

Giới thiệu ô tô tới khách hàng

Ô tô ngoại ồ ạt vào Việt Nam

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong quý I lượng xe nhập khẩu đạt 39.000 chiếc ô tô các loại đạt trị giá 883 triệu USD, trong đó hơn 27.400 chiếc là xe con dưới 9 chỗ ngồi, tăng gấp gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2018. Lý giải nguyên nhân lượng xe ô tô nhập khẩu tăng mạnh sau một thời gian thiếu vắng, ông Nguyễn Hùng Sơn - Quản lý bán hàng tại showroom ô tô Trường Phát (đường Thành Thái) cho biết: Năm 2018 do DN còn nghe ngóng Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định các điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô... nên việc nhập khẩu xe bị chững lại. Năm 2019, các nước xuất khẩu đã đáp ứng đủ yêu cầu quy định của Việt Nam nên nhiều hãng xe, đại lý đã chủ động kế hoạch nhập xe nên lượng xe nhập khẩu tăng cao.

Thực tế cho thấy nguồn hàng dồi dào hơn, nên từ cuối quý I người mua bắt đầu hưởng lợi về giá. Nhiều hãng xe như: Mazda, Toyota, Mitsubishi, Chevrolet liên tiếp tung ra các chương trình ưu đãi, giảm giá lên tới cả trăm triệu đồng, kèm theo nhiều quà tặng phụ kiện. Năm 2019, với nhiều Hiệp định thương mại tự do FTA có hiệu lực, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn, chi phí hợp lý khi mua xe ô tô. Cụ thể, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN tiếp tục được hưởng lợi từ FTA ASEAN với mức thuế ưu đãi 0%. Do vậy, thị trường ô tô nhập khẩu sẽ sôi động khi lượng xe bình dân (giá từ 400 - 600 triệu đồng) gia tăng nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam. Bên cạnh đó, khi FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực trong năm 2019 thuế nhập khẩu đối với ô tô xuất xứ châu Âu cũng được cắt giảm từ 70% về 0% trong vòng 10 năm tới, qua đó kích thích sức mua đối với ô tô hạng sang trong dài hạn. Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng - người có hơn 30 năm làm việc ở Phòng nghiên cứu - Phát triển tại nhà máy ô tô CHLB Đức: Hiện nhiều người dân vẫn có tâm lý sính ngoại, thích xe nhập khẩu hơn xe lắp ráp nên khi xe nhập khẩu về nhiều với giá bán chỉ ngang bằng xe sản xuất lắp ráp trong nước là đã có đủ khả năng áp đảo xe nội địa.

Người tiêu dùng hưởng lợi

Nhằm đối trọng với xe nhập khẩu, thời gian qua các DN sản xuất, lắp ráp xe ô tô Việt Nam như: Thaco Trường Hải, Hyundai Thành Công, VinFast... đã đẩy mạnh nội địa hóa xe lắp ráp tại Việt Nam. Với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu ra các thị trường trong khu vực Đông Nam Á, Thaco Trường Hải vừa khánh thành nhà máy ô tô mới, công suất thiết kế 100.000 xe/năm, sử dụng dây chuyền tự động hóa, chất lượng tương đương Nhật Bản. Còn VinFast trong năm 2019 cũng sản xuất ô tô tại nhà máy có công suất 250.000 xe/năm, dự kiến cuối quý II, đầu quý III/2019 VinFast chính thức ra mắt lô xe ô tô đầu tiên…

Khi nói về lợi ích việc DN Việt tăng cường đầu tư lắp ráp, nội địa hóa xe ô tô, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu rõ: Việc nhiều thương hiệu ô tô đầu tư sản xuất quy mô lớn không chỉ giúp chất lượng ô tô trong nước nâng cao, đa dạng mẫu mã mà còn góp phần giảm giá thành, giảm giá bán, từ đó dẫn dắt thị trường ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên theo Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam Đào Phan Long: Muốn ngành sản xuất ô tô phát triển đòi hỏi cơ quan quản lý cần có chính sách ưu đãi ổn định để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ bởi đây là một trong những yếu tố quyết định giá cả, sức cạnh tranh của xe ô tô “nội” với xe nhập khẩu. Ngoài ra, để giảm tình trạng xe nhập khẩu lấn át xe lắp ráp, thời gian tới Nhà nước nên phê duyệt thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô con sản xuất lắp ráp trong nước vừa được Bộ Tài chính đề xuất, qua đó khuyến khích DN gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Giai đoạn 2021 - 2025 bắt đầu sản xuất một số chi tiết quan trọng trong bộ phận chuyển động, hộp số, động cơ. Để hoàn thành mục tiêu này, năm 2019 Bộ Công Thương sẽ xây dựng thí điểm chuỗi cung ứng ngành ô tô cho các DN sản xuất và lắp ráp ô tô trong và ngoài nước; Nghiên cứu các cơ chế chính sách thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam.

Từ những diễn biến trên cho thấy, từ nay đến năm 2019 thị trường ô tô sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh giữa hàng sản xuất trong nước với hàng nhập khẩu, nhờ đó người tiêu dùng sẽ có thêm cơ hội được sử dụng những mẫu xe mới giá giảm đáng kể so với trước.

Thu Hương

Theo kinhtedothi.vn

largeer