Thị trường ô tô hè 2018: Xe lắp ráp trong nước tăng trưởng nhờ... Nghị định 116?

Thứ hai, 25/06/2018, 15:46 PM

Khác với giai đoạn đầu năm, thời điểm thị trường xe nhập khẩu đã qua sử dụng lên ngôi, thị trường ô tô Việt Nam hè 2018 chứng kiến sự quay đầu tăng trưởng rõ rệt của các dòng xe lắp ráp mới trong nước như: Innova, Vios, Cerato, Mazda 3, Sonata… Nghị định 116 vẫn là rào cản lớn, ngáng chân xe ngoại nhập nguyên chiếc về Việt Nam?

Mazda3 đang thống trị phân khúc sedan hạng C. (Ảnh: NSX).

Mazda3 đang thống trị phân khúc sedan hạng C. (Ảnh: NSX).

Nghị định 116 ra đời nhằm siết chặt các tiêu chuẩn đối với xe nhập khẩu, như về xuất xứ, kiểu loại, mức độ khí thải, an toàn giao thông… chính vì vậy, các thương hiệu xe nhập khẩu vốn được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam như: Honda, Ford, Nissan... “chậm” về, không đáp ứng đủ nhu cầu người mua.

Nghị định 116 ngáng chân xe ngoại về Việt Nam?

Ghi nhận nhanh của phóng viên Báo Người Tiêu Dùng tại một số cửa hàng xe nhập tại TP.HCM cho thấy các dòng xe của Honda, Ford, Nissan vẫn được khách hàng quan tâm rất nhiều. Tuy nhiên, số lượng xe không đủ đáp ứng, các cửa hàng chỉ nhận cọc và hẹn lấy xe vào giai đoạn cuối năm (từ tháng 9-12). Điển hình, Honda Civic với kiểu dáng đẹp, vừa túi tiền nhưng đến tháng 11 năm nay mới có xe, khiến nhiều khách hàng quay sang chọn Mazda CX5, Mazda 6.

Ông Phạm Ngọc Thân - Tổng Giám đốc Ford Bến Thành cho biết, việc xe chậm về là nỗi khổ với các nhà bán lẻ xe nhập khẩu bởi nhu cầu mua sử dụng ngay của khách hàng là rất cao, nếu không đáp ứng được, họ sẽ chuyển sang mua xe khác chứ không chờ đợi. Trong khi đó, Nghị định 116 đã làm chậm đường về của xe nhập nên rất dễ mất khách.

Có thể thấy, khó khăn của xe nhập chính là lợi thế và cơ hội cho xe lắp ráp trong nước chiếm lĩnh thị trường. Doanh số xe lắp ráp từ đầu năm 2018 đến nay tăng 10%, nhiều mẫu xe có doanh số đột biến, xe nhập khẩu giảm 46%. Thống kê mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số xe lắp ráp trong nước tháng 5/2018 đạt 23.065 xe, tăng 9% so với tháng 4 và gần bằng doanh số tháng 5/2017. Trong số này bao gồm 15.397 xe du lịch, 6.890 xe thương mại và 778 xe chuyên dụng.

Mazda, Cerato, Vios là những ưu tiên hàng đầu

Đúng theo dòng chảy thị trường, “vua bán tải” - Ford Rangers, xe sang qua sử dụng không còn được ưa chuộng như quãng thời gian đầu năm mà thay vào đó là những chiếc Vios, Innova, Cerato, Mazda 3, Sonata… được lắp ráp trong nước. Toyota Vios vẫn tiếp tục duy trì vị trí số 1 tại danh sách 10 mẫu xe bán chạy nhất khi đạt số lượng bán 2.286 xe trong tháng 5/2018. Vị trí số 2 thuộc về mẫu Toyota Innova bán 1.503 xe. Đứng thứ 3 là Mazda 3 với số lượng bán 1.139 xe.

Tuy vậy, cùng với sự ủng hộ “vô tình” của Nghị định 116, xe lắp ráp trong nước cũng phải oằn mình với hàng loạt chính sách mới thúc đẩy được thị trường trở lại đà tăng trưởng. Chỉ riêng trong quý 2 năm 2018, nhiều hãng xe, đại lý xe đã giảm giá nhiều mẫu xe, giảm giá ít nhất cũng là khoảng 5-10 triệu đồng/chiếc, nhiều nhất có xe lên đến hơn 100 triệu đồng.

Toyota là thương hiệu có nhiều mẫu xe giảm giá sâu, mẫu Vios, các bản số sàn và số tự động giảm từ 51-57 triệu đồng. Cụ thể, Vios E bản số sàn có giá bán hiện tại 513 triệu đồng, giảm 51 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Xe Vios E hộp số CVT có giá bán hiện tại 535 triệu đồng, giảm 53 triệu đồng, Vios bản G hộp số CVT có giá bán 565 triệu đồng, giảm 57 triệu đồng.

Từ đầu năm 2018 đến nay, đặc biệt là tháng 2 và tháng 5, Thaco đã có những điều chỉnh lớn về mức giá của Kia Cerato để cạnh tranh với các hãng, mức giá giảm tối thiểu là 15 triệu đồng/ xe. Đặc biệt, Thaco vừa bổ sung thêm phiên bản giá rẻ Cerato SMT, giá bán chỉ 499 triệu đồng. Hiện mức giá bán của Cerato SMT thấp nhất trong phân khúc so với các đối thủ và rẻ hơn rất nhiều so với các mẫu xe hạng B như: Toyota Vios, Honda City tại Việt Nam. Với Kia Cerato, nhà sản xuất Thaco độc chiếm phân khúc xe hạng C. Đồng thời tiếp tục chinh phục cột mốc 1.000 xe/tháng lần thứ ba. So với tháng trước, mẫu sedan hạng C đến từ Hàn Quốc tăng trưởng 24% tương đương 199 xe, và chiếm 31% thị phần của phân khúc này.

Thaco cũng cho thấy sự thống trị của mình với cương vị nhà sản xuất lắp ráp ô tô số 1 tại Việt Nam khi Mazda 3 của hãng này cán mốc 1.139 xe trong tháng 5. Đây là mẫu sedan hạng C bán chạy nhất trong tháng 5.

Kia Cerato là mẫu bán chạy thứ 2 ở phân khúc sedan hạng C chỉ sau người anh em Mazda 3. (Ảnh: NSX).

Kia Cerato là mẫu bán chạy thứ 2 ở phân khúc sedan hạng C chỉ sau người anh em Mazda 3. (Ảnh: NSX).

Thấy gì tự sự thống trị của Thaco?

Số liệu thống kê của tháng 5 đã chứng minh sự thống trị tuyệt đối của Thaco tại thị trường ô tô Việt Nam hậu Nghị định 116. Điều này cho thấy, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường nội địa nhờ vào nỗ lực của doanh nghiệp và sự ủng hộ của Chính phủ. Vị trí mà Thaco đạt được và những biến chuyển từ Hyundai Thành Công, tổ hợp ô tô Vinfast đã cho thấy nền tảng kiên cố mang tính định hình của ngành công nghiệp ô tô trong tương lai. Và, bối cảnh tăng trưởng đều đặn của kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ kéo theo sự phát triển lớn mạnh của thị trường ô tô Việt Nam.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương (IPSI), trong giai đoạn 2018-2025, sản xuất xe trong nước sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 18,5%/năm và đạt khoảng 13,8%/năm trong giai đoạn 2025-2035. Sản lượng xe sản xuất dự báo đạt 531.585 xe vào năm 2025 và đạt 1,767 triệu xe vào năm 2035.

Cũng theo dự báo này, đến năm 2020, nhu cầu thị trường ô tô trong nước đạt khoảng 500.000-600.000 xe và xu thế ô tô hóa sẽ diễn ra khi GDP bình quân đầu người vượt ngưỡng 3.000 USD, tiến tới sở hữu bình quân đạt trên 50 xe/1.000 dân. Xu hướng phổ cập ô tô cũng sẽ diễn ra tại Việt Nam trong giai đoạn 2020-2030. Do dó, dự báo thị trường ô tô đến năm 2025 có thể đạt 750.000-800.000 xe và đến năm 2035 sẽ đạt từ 1,7 triệu đến 1,85 triệu xe.

Vios có chỗ đứng vì là… Toyota!

Theo chuyên gia ô tô Võ Quốc Bình, Vios không có nhiều điểm mạnh về công nghệ hay kiểu dáng so với các đối thủ cùng phân khúc như Cerato hay Mazda 3. Thân vỏ của Vios mong manh và ọp ẹp, nội thất cũng không có gì nổi bật dù phụ tùng có thể mua rẻ, tiện dụng và dễ sửa chữa, phí nuôi xe thấp. Sở dĩ dòng xe Vios nói riêng và các loại xe của Toyota nói chung được khách hàng ưa chuộng là bởi Toyota thành công trong việc dẫn dụ người tiêu dùng về hậu mãi sau bán hàng. Ông Bình chia sẻ: “Các doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng hơn Toyota mà không chiếm được thị phần thì phải xem lại chính sách hậu mãi và độ ổn định của sản phẩm. Thương hiệu của Toyota thành công là vì họ hiểu khách, hiểu tâm lý người Việt”.

Thế Anh

Theo NTD

largeer